Tinh gọn bộ máy, sáp nhập bộ ngành là bước đi quan trọng
Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức phát triển rất lớn kể từ sau Đổi mới. Vì thế, cuộc 'cách mạng' về bộ máy lần này cũng rất cấp thiết, được các lãnh đạo Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện rất cao độ.
LTS : Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban Chấp hành Trung ương đã quyết liệt thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy chính trị. Tuần Việt Nam đăng tải tuyến bài trao đổi với các chuyên gia gợi ý các giải pháp cho cuộc cách mạng này.
Tuần Việt Nam trao đổi với PGS.TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới.
Thưa ông, Tổng Bí thư Tô Lâm và Trung ương đã quyết tâm làm “cách mạng” tinh gọn bộ máy chính trị, sau khi đưa ra thông điệp rằng, “Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta… cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển”. Là một nhà nghiên cứu, ông nhìn nhận như thế nào về những động thái đó?
Ông Võ Đại Lược: Từ đầu những năm 1990, Liên Xô và khối Đông Âu thay đổi và không đi theo mô hình cũ nữa. Nhờ vậy mà các quốc gia đó đều phát triển vượt bậc. Ở đây chúng ta chỉ đang nói đến mô hình bộ máy quản lý.
Riêng Trung Quốc đi theo con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và Việt Nam xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với bộ máy na ná trước đây, dù cũng đã có một số lần thay đổi.
Mô hình của Trung Quốc đã phát triển rất tốt trong mấy chục năm qua, nhưng bây giờ họ đối diện với quá nhiều thách thức cả trong nước lẫn quốc tế. Tăng trưởng kinh tế thì đi xuống từ 9-10% trước đây còn 5% hiện nay, thậm chí thấp hơn. Tôi được biết, ở Trung Quốc đã xuất hiện những quan điểm để chuyển sang mô hình mới do mô hình hiện nay của họ đã bất cập…
Với Việt Nam, chúng ta cũng đang đối diện với nhiều thách thức phát triển rất lớn kể từ sau Đổi mới. Vì thế, cuộc “cách mạng” về bộ máy lần này cũng rất cấp thiết, được các lãnh đạo Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện rất cao độ. Tuy nhiên, còn cần làm thêm nhiều việc khác liên quan đến tư duy và quan điểm phát triển…
Thưa ông, sau Đổi mới chúng ta cũng đã có nhiều lần cải cách bộ máy chính trị. Chẳng hạn, Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa 7 ngày 16/1/1995 đưa ra nhiều chủ trương sáp nhập, tinh giảm rất mạnh mẽ. Ông có thể nói đôi điều về lần cải cách đó?
Ông Võ Đại Lược: Thời kỳ đó, cơ cấu của bộ máy chính trị của nước ta được thiết kế theo mô hình Liên Xô. Sản xuất cái gì, bao nhiêu, phân phối cho ai, tiêu thụ ra sao, bán giá nào,… là do Nhà nước hết.
Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung cần rất nhiều bộ, ngành để vận hành. Chúng ta từng có Ủy ban Vật giá Nhà nước, Bộ Nội thương, Bộ Ngoại thương, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công nghiệp nặng…
Chẳng hạn, Bộ Ngoại thương làm xuất khẩu đi nước nào, xuất khẩu thứ gì, bao nhiêu; Bộ Nội thương làm kế hoạch giao ngành này, tỉnh kia sản xuất bao nhiêu thóc gạo, phân bổ cho họ bao nhiêu thuốc trừ sâu,… Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng có Bộ Công nghiệp nặng.
Sau Đại hội VI, khi chuyển sang kinh tế hàng hóa thị trường, các cơ quan đó hết vai trò, nhiệm vụ nên bị thu hẹp lại, sáp nhập. Đầu tiên là nhập Bộ Nội thương, Bộ Ngoại thương thành Bộ Thương mại; rồi nhập với Bộ Công nghiệp thành Bộ Công Thương. Đến nay thì còn Bộ Công Thương.
Lúc sáp nhập khi đó có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
Ông Võ Đại Lược: Đại hội VI mở ra đường lối Đổi mới, còn Đại hội VII đưa ra những giải pháp cụ thể để thực hiện. Lúc bấy giờ không khí đổi mới hừng hực, tư duy đổi mới lấn át nên gần như không gặp phản đối.
Để thực hiện cải cách, Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn tham vấn các chuyên gia kinh tế, đối ngoại, an ninh quốc phòng… Hai nhà lãnh đạo có tư duy đổi mới và luôn cầu thị học hỏi. Họ biết tập hợp được trí tuệ tập thể và lựa chọn, quyết định. Họ tinh gọn bộ máy, cải cách doanh nghiệp nhà nước, làm đường dây 500KV, đều tham vấn các chuyên gia trước khi quyết định.
Ông nhìn nhận như thế nào về cuộc “cách mạng” tinh gọn hệ thống chính trị hiện nay?
Ông Võ Đại Lược: Nhìn lại lịch sử, Tổng Bí thư Trường Chinh đã dũng cảm bãi bỏ cơ chế quản lý kinh tế bao cấp để tiến hành Đổi mới. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tiếp nối tinh thần đó và Tổng Bí thư Đỗ Mười thực hiện những quan điểm đổi mới để đặt nền móng chuyển sang kinh tế thị trường.
Bây giờ thì Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đang tạo ra nhiều hi vọng, và tôi tin là các nhà lãnh đạo đang làm trong bối cảnh thực tiễn của đất nước và thế giới đã rất thúc bách. Họ là các nhà lãnh đạo có cái nhìn thực tiễn, đầy quyết tâm, quy tụ và tạo sức ép đổi mới lên toàn hệ thống, thể hiện tư duy phát triển đầy mới mẻ.
Tinh gọn bộ máy, sáp nhập các bộ, ngành là bước đi quan trọng. Tuy nhiên, cần phân định rõ ràng vai trò nhà nước và thị trường, phải xóa bỏ cơ chế xin cho để thiết lập được hệ thống pháp lý phù hợp, hiện đại, đảm bảo cho doanh nghiệp và người dân có quyền tự do kinh doanh đã được hiến định.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Ông nhận xét thế nào về áp lực cải cách thể chế đó?
Ông Võ Đại Lược: Nhận xét này là hoàn toàn chính xác, đúng và trúng vấn đề. Ngân hàng Thế giới cũng từng nêu, trở ngại lớn nhất của Việt Nam là thể chế. Tôi cũng đã viết các bản kiến nghị gửi cấp có thẩm quyền về (việc cần thiết) tháo gỡ điểm nghẽn này để đất nước cất cánh.
Tôi từng làm cố vấn cho ông Thủ tướng Đỗ Mười và là thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải nên tôi thấy cách làm luật của nước ta có nhiều hạn chế, cần khắc phục.
Trung ương, Bộ Chính trị đưa ra chủ trương, đường lối, mà dựa vào đó Chính phủ, Quốc hội soạn thảo và thông qua luật. Các dự luật khi được soạn thảo lại là luật khung, luật ống, được cài vào khá nhiều điều và khó mà thực hiện được ngay.
Đến cấp nghị định do các bộ, ngành soạn thảo mới cụ thể hóa được luật. Ở khâu này có thể cài cắm các điều kiện kinh doanh, mà nếu không được Thủ tướng chấp nhận, thì lại được lồng vào cấp thông tư. Dưới thông tư thì còn nhiều loại văn bản như chỉ thị, thông báo trong đó không ít là tùy tiện nhưng doanh nghiệp và người dân không thể không làm theo được.
Đó là chưa kể, các văn bản pháp luật “vênh” nhau không biết đường nào mà lần, làm theo luật này thì đúng, làm theo luật kia thì không.
Rốt cuộc là, nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn, các luật được thiết kế nhìn thì ổn nhưng đã không phát huy hiệu lực, hiệu quả như mong muốn.
Bài 1: “Đảng cần tập hợp các chuyên gia tài giỏi làm chiến lược”
Bài 2: Việt Nam nên theo mô hình 3 cấp chính quyền
Bài 3: Tinh gọn bộ máy Quốc hội: Giữ 500 Đại biểu hay giảm xuống 400?
Bài 4: “Tinh gọn bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội”
Bài 5: Đất nước ‘vươn mình’ nhờ hành động thực tiễn