Tinh gọn bộ máy công quyền không làm gián đoạn các thủ tục hành chính

Tinh gọn bộ máy, giảm biên chế là chủ trương được dư luận ủng hộ, nhưng cách thức triển khai đang là câu chuyện 'nóng' được người dân quan tâm. Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Khắc Thanh, Hội Cựu giáo chức Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Nguyễn Khắc Thanh, Hội cựu giáo chức Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

PGS.TS Nguyễn Khắc Thanh, Hội cựu giáo chức Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, như Tổng Bí thư Tô Lâm kết luận, đây là vấn đề cấp bách, thể hiện quyết tâm chính trị cao?

Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, sau khi sắp xếp, hợp nhất, dự kiến tổ chức bộ máy của Chính phủ gồm: 13 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ; giảm 5 Bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ và tinh gọn nhiều tổ chức bên trong.

Về phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, tổ chức bộ máy của Chính phủ sau khi sắp xếp dự kiến được tinh gọn từ 30 đầu mối xuống còn 21 đầu mối. Sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ và tổ chức bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sẽ giảm tối thiểu 15 - 20% đầu mối tổ chức bên trong.

Hà Giang quyết tâm tinh gọn bộ máy: Đổi mới vì lợi ích chung. Ảnh: Minh Tâm/TTXVN

Hà Giang quyết tâm tinh gọn bộ máy: Đổi mới vì lợi ích chung. Ảnh: Minh Tâm/TTXVN

Tôi đồng tình với quan điểm mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm, đây là vấn đề cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước, vì nhiều Đại hội Đảng từ các nhiệm kỳ trước từng đặt ra vấn đề này, đặc biệt từ Đại hội XII đến nay.

Việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng.

Đây là vấn đề khó vì khi tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức, nhưng cũng không vì thế mà chùn bước. Vấn đề đặt ra là mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải gương mẫu, chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân. Quá trình tinh gọn bộ máy luôn dẫn đến nhiều câu chuyện phải giải quyết như dôi dư cán bộ, công chức, kể cả dôi dư nhiều lãnh đạo, quản lý.

Thực tế từ Đại hội XII, Nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy Nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, phải sắp xếp lại. Nhiều Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng đã nêu, song tất cả các công việc đều thực hiện chậm vì nhiều lý do. Trong khi đó, ngân sách đất nước phải chi gần 70% để trả lương, chi thường xuyên. Nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển.

Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng Khối các cơ quan Trung ương tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng Khối các cơ quan Trung ương tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Để nâng cao hiệu quả tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính Nhà nước, theo ông, cần có sự nhận thức đúng đắn ra sao về tinh giản biên chế để có bước đi phù hợp, đặc biệt cần có chính sách đối với cán bộ dôi dư?

Tôi cho rằng, cần tạo sự đồng bộ trong tinh giản biên chế với việc xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp hợp lý cơ cấu tổ chức của nền hành chính và cải cách thủ tục hành chính. Việc sắp xếp hợp lý về mặt tổ chức sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tinh giản biên chế. Việc đổi mới trong công tác đánh giá cán bộ, công chức về thực thi nhiệm vụ cần phải được thực hiện khách quan, trung thực, khắc phục tình trạng cào bằng, nể nang trong đánh giá; nâng cao trách nhiệm, công minh của người đứng đầu.

Đánh giá năng lực một cách minh bạch, sử dụng các tiêu chí đánh giá khách quan, ứng dụng các công cụ đánh giá dựa trên kết quả công việc (KPI) hoặc mô hình quản trị hiện đại để bảo đảm đánh giá đúng, giữ lại người thực sự có năng lực. Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công việc.

Một vấn đề quan trọng được đặt ra trong lúc này là tăng cường giám sát để ngăn chặn lợi ích nhóm, tạo sự minh bạch; tạo diễn đàn để cán bộ, công chức đóng góp ý kiến, giúp quá trình thực hiện minh bạch và công bằng.

Để hạn chế tác động của việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đối với cán bộ, công chức, viên chức, phải có chính sách đủ mạnh đối với các đối tượng chịu tác động của quá trình sắp xếp; quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; tính toán việc ưu tiên, bố trí, sử dụng những người có trình độ, phẩm chất, năng lực vượt trội. Cơ chế "giữ chân" người giỏi, có kinh nghiệm sâu về chuyên môn của ngành, lĩnh vực đặc thù quan trọng để đảm bảo nguyên tắc xây dựng hệ thống công vụ thực tài, thu hút được người tài năng để làm công vụ.

Được biết, các cơ quan chức năng như: Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu các chính sách đãi ngộ, hỗ trợ đối với các trường hợp dôi dư và phù hợp với khả năng tài chính đất nước. Đối với lực lượng dôi dư trong tinh gọn, cần bảo đảm chính sách hỗ trợ tái đào tạo và tìm kiếm việc làm mới.

Theo tôi, cần tăng cường phân quyền cho các địa phương, đơn vị để họ chủ động trong việc xây dựng kế hoạch tinh gọn phù hợp với thực tế. Các Bộ, ngành, địa phương cần xây dựng lộ trình cụ thể, có kế hoạch rõ ràng, phù hợp với từng ngành, từng địa phương. Mấu chốt là cần tìm ra nguồn chi phí để Nhà nước có thể sẵn sàng sử dụng nguồn kinh phí để hỗ trợ cho những người lao động có thể cho họ nghỉ nếu thấy rằng thực sự thừa. Nhà nước có thể tìm ra nguồn ngân sách để có thể dự phòng, có thể giải quyết được ngay số biên chế thừa, sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng về lực lượng lao động.

Nếu chúng ta không thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, không thể tháo gỡ được điểm nghẽn, không tạo ra được đột phá cho phát triển, thưa ông?

Trong cuộc Cách mạng tinh gọn bộ máy lần này, phân cấp, phân quyền giữa Nhà nước Trung ương với chính quyền địa phương có tính đột phá chiến lược, xóa bỏ các "điểm nghẽn" để từng địa phương và cả đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh. Việc này vừa phát huy tính chủ động, tự quyết, tự làm và tự chịu trách nhiệm của địa phương, vừa bảo đảm tính thống nhất trong quản lý quốc gia của Trung ương.

Thủ tục rườm rà khiến nhà đầu tư mất cơ hội kinh doanh, cần gấp rút cởi trói để họ có điều kiện giúp đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới. Do vậy, cải cách hành chính mạnh mẽ, thực chất mới là quan trọng. Nếu tinh gọn bộ máy mà thủ tục hành chính không gọn thì không hiệu quả. Tinh gọn bộ máy phải đồng thời với cải cách đồng bộ về thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tháo gỡ khó khăn giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 yêu cầu các đơn vị hoàn thành đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong tháng 12/2024 để phục vụ Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội bất thường diễn ra vào tháng 2/2025.

Minh Phương (thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tinh-gon-bo-may-cong-quyen-khong-lam-gian-doan-cac-thu-tuc-hanh-chinh-20241214182458235.htm