Tin tối 17/11: 2 bé song sinh bị bỏ rơi được chăm sóc ra sao?; Không khí lạnh tăng cường, ảnh hưởng trực tiếp tới miền Bắc

Các điều dưỡng Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn thay nhau chăm sóc 2 bé trai song sinh bị bỏ rơi; Không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam, dự báo chiều và đêm nay sẽ ảnh hưởng đến Đông Bắc Bộ, sau đó là Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ, Trung Trung Bộ.

2 bé song sinh bị bỏ rơi được chăm sóc ra sao?

Báo Người lao động đưa tin sáng 17/11, bác sĩ Nguyễn Thị Trúc Chi – Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, thông tin sau 1 ngày Khoa Nhi tiếp nhận 2 bé song sinh bị bỏ rơi, hiện sức khỏe 2 bé tiến triển tốt, bé bú bình tốt, không phải thở oxy.

Theo bác sĩ Trúc Chi, Khoa Nhi bệnh viện Hóc Môn tiếp nhận 2 bé trong tình trạng sức khỏe ổn định, bé may mắn được người dân phát hiện sớm nên không bị kiến cắn, suy hô hấp và không cần thở oxy như một số trường hợp bị bỏ rơi trước đó. Qua thăm khám, 2 bé sinh đủ tháng nhưng hơi suy dinh dưỡng, một bé nặng 1,9kg và một bé nặng 2,5kg.

2 bé song sinh hiện được chăm sóc tốt tại Khoa Nhi Bệnh viện Hóc Môn

2 bé song sinh hiện được chăm sóc tốt tại Khoa Nhi Bệnh viện Hóc Môn

"Nhờ các nhà hảo tâm hỗ trợ nên lượng tã, sữa non cho 2 bé khá nhiều. 2 bé được bác sĩ trưởng Khoa Nhi trực tiếp theo dõi điều trị, khoa này cũng tăng cường 3 điều dưỡng trực để hỗ trợ chăm sóc 2 bé tốt nhất có thể", bác sĩ Trúc Chi cho hay.

Khi thông tin về 2 bé bị bỏ rơi lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người đã ngỏ ý xin nhận 2 bé làm con nuôi và đến Khoa Nhi thăm nom. Tuy nhiên, bà Lưu Thanh Vân – Phó Chủ tịch UBND xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn – nơi tiếp nhận 2 bé bị bỏ rơi, cho biết sau khi sức khỏe 2 bé ổn định, UBND xã phối hợp với Phòng Lao động Thương bình và Xã hội huyện tiến hành các thủ tục theo quy định để gửi 2 bé vào Trung tâm bảo trợ xã hội.

Trước đó, vào rạng sáng 16/11, người dân phát hiện hai bé trai sơ sinh bị bỏ rơi trong thùng xốp đoạn kênh T2, xã Bà Điểm, bên cạnh có tờ giấy ghi nội dung: "Tôi tên N.T.H., SN 2000. Tôi đã sinh 2 bé trai lúc 7h ngày 15/11. Vì chồng bỏ đi, tôi không có đủ kinh tế, khả năng nuôi 2 bé, mong ai có khả năng xin nhận nuôi 2 bé...". Người dân đã báo và mang hai bé lên UBND xã Bà Điểm.

Đấu giá đất Thanh Oai, Hà Nội: Cao nhất 90 triệu/m2, "cò" rao chênh cả tỷ đồng

VTCnews đưa tin theo xác nhận từ phía Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam, trong phiên đấu giá 25 thửa đất hôm nay tại Thanh Oai, thửa đất có giá trúng đấu giá thấp nhất là 45,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 8 lần giá khởi điểm và giá trúng đấu giá cao nhất là 90,3 triệu đồng/m2, gấp 17 lần khởi điểm.

2 thửa đất có giá trúng cao nhất có ký hiệu 100 và 106 có diện tích lần lượt là 113,88m2 và 129,36m2. Như vậy, tổng giá trị của 2 lô đất này lần lượt là gần 10,3 tỷ đồng và gần 11,7 tỷ đồng.

Bên ngoài phiên đấu giá, nhiều lô đất được rao chênh từ vài trăm triệu đồng.

Bên ngoài phiên đấu giá, nhiều lô đất được rao chênh từ vài trăm triệu đồng.

Theo một nhà đầu tư, đây là 2 lô góc nên giá cao nhất là chấp nhận được, tuy nhiên giá này so với thị trường vẫn cao hơn khoảng 30 triệu đồng/m2.

Theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai, phiên đấu giá lần này thu hút hơn 400 hồ sơ của 111 khách hàng tham dự. Số lượng hồ sơ và người tham dự tại phiên đấu giá lần này đã giảm nhiều so với hồi tháng 8 là 4.600 hồ sơ của 1.545 người.

Đáng chú ý, ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá, nhiều lô đất đã được rao chênh từ vài trăm đến cả tỷ đồng/lô.

Cụ thể, lô góc 112 có diện tích 157,1 m2 hiện đang được rao bán chênh tới 1 tỷ đồng. Nhiều lô khác cũng được rao chênh từ 100 - 200 triệu đồng/lô đến 800 triệu đồng/lô.

Người đi xe máy vượt đèn đỏ có thể bị phạt tới 6 triệu đồng

VietNamNet đưa tin tại Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất tăng mức xử phạt lỗi người điều khiển xe máy vượt đèn đỏ từ 800.000 - 1 triệu lên tới 4 - 6 triệu đồng.

Tình trạng không ít người điều khiển mô tô, xe gắn máy sẵn sàng vượt đèn đỏ xảy ra khá phổ biến tại các thành phố lớn.

Đây là hành vi có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Bởi tại các nút giao có hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, nếu người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đang tham mưu xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

Ngoài các lỗi cố ý như che, dán biển số, cũng như đi lùi trên cao tốc, cơ quan soạn thảo đề xuất nâng mức xử phạt gấp nhiều lần (từ 800 - 1 triệu lên mức 4-6 triệu đồng) đối với tài xế xe máy vượt đèn đỏ.

Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, vượt đèn đỏ cũng là một trong những hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào. Nhiều trường hợp còn vượt đèn đỏ ngay cả nơi có sự hiện diện của lực lượng chức năng.

Lương của giáo viên có gì thay đổi từ năm 2025?

Dự thảo Luật Nhà giáo đã được trình Quốc hội ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và dự kiến sẽ được thông qua ở kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), theo Nghị quyết 129/2024/QH15.

Tại Điều 27 dự thảo Luật này có điểm đáng chú ý là việc đề xuất về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập như sau:

- Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp;

- Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật;

Dự thảo Luật Nhà giáo, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Ảnh minh họa: TL

Dự thảo Luật Nhà giáo, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Ảnh minh họa: TL

- Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác;

- Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Bên cạnh đó, tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác.

Tại dự thảo Luật này cũng đã đề xuất 6 trường hợp nhà giáo được hưởng lương và phụ cấp cao hơn.

Như vậy, nếu như dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua vào tháng 5/2025 thì chế độ tiền lương của nhà giáo cũng sẽ được điều chỉnh, cải thiện đáng kể.

Không khí lạnh tăng cường, ảnh hưởng tới Bắc Bộ

VietNamNet đưa tin theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay, một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam.

Khoảng chiều và đêm hôm nay (17/11), bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến phía Đông Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4.

Không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Ảnh: NCHMF

Không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Ảnh: NCHMF

Từ ngày 18/11, ở phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa đêm và sáng sớm trời chuyển lạnh. Từ ngày 20/11, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đêm và sáng trời rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 18-20 độ, vùng núi có nơi dưới 15 độ.

Trên biển, từ ngày 18/11, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2,0-4,0m. Ở khu vực Bắc Biển Đông gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3,0-5,0m.

Do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao kết hợp với không khí lạnh nên từ ngày 18-19/11 ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa rào và rải rác có giông, cục bộ có nơi mưa to.

Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Hà Nội hỗ trợ tiền cho người trồng đào, quất

Báo Tiền phong đưa tin UBND TP. Hà Nội vừa có Tờ trình gửi HĐND TP. Hà Nội đề nghị Ban hành Nghị quyết hỗ trợ khôi phục sản xuất đối với một số cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ năm 2024.

Theo UBND TP. Hà Nội, bão số 3 và mưa sau bão đã gây thiệt hại nặng cho ngành nông nghiệp thành phố. Ngay sau bão tan, thành phố đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân như xử lý môi trường, quản lý chăm sóc cây trồng, vật nuôi. HĐND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ bà con sản xuất cây vụ đông.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh tại Nhật Tân bị ngập sâu do mưa bão số 3

Diện tích trồng hoa, cây cảnh tại Nhật Tân bị ngập sâu do mưa bão số 3

Tuy nhiên, quá trình rà soát, thống kê có một số loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như cây quất cảnh, đào cảnh, phật thủ, cây cảnh, chim cút, chim bồ câu… bị thiệt hại nặng do bão số 3 nhưng chưa được hỗ trợ.

Theo đề xuất, đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân có diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do bão số 3 và sau bão từ 30% trở lên.

Mức hỗ trợ như sau:

Diện tích cây quất cảnh bị thiệt hại trên 70% sẽ hỗ trợ 90 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30-70% được hỗ trợ 45 triệu đồng/ha.

Diện tích cây đào cảnh bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 60 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30-70% được hỗ trợ 30 triệu đồng/ha.

Diện tích cây phật thủ bị thiệt hại trên 70% được hỗ 60 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30-70% được hỗ trợ 30 triệu đồng/ha.

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tin-toi-17-11-2-be-song-sinh-bi-bo-roi-duoc-cham-soc-ra-sao-khong-khi-lanh-tang-cuong-anh-huong-truc-tiep-toi-mien-bac-172241117105218178.htm