Tín hiệu tích cực trong phục hồi hoạt động xe buýt

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Đồng Nai hiện cơ bản được kiểm soát, mọi hoạt động đã trở lại bình thường. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vận tải đã có nhiều nỗ lực trong phục hồi hoạt động xe buýt nhằm thu hút người dân chọn xe buýt làm phương tiện đi lại hàng ngày.

Người dân đi xe buýt tại bến xe Biên Hòa (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa). Ảnh: A.NHƠN

* Nhu cầu sử dụng xe buýt có xu hướng gia tăng

Ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai tại bến xe Biên Hòa (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cũng như các trạm xe buýt trên một số tuyến đường: Nguyễn Ái Quốc, Đồng Khởi, Bùi Trọng Nghĩa…, nhu cầu sử dụng xe buýt của người dân có xu hướng tăng lên nhiều so với thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid- 19.

Một số tuyến xe buýt như: tuyến số 1 (Trường đại học Công nghệ Đồng Nai - ngã 4 Vũng Tàu), tuyến số 2 (bến xe Biên Hòa - trạm xe Nhơn Trạch)… được người dân sử dụng thường xuyên, bởi những tuyến này được trợ giá, người dân được sử dụng giá vé rẻ.

Ông Nguyễn Văn Nở, Phụ trách điều hành tuyến xe buýt số 2 (Công ty TNHH Dịch vụ vận tải du lịch Hoàng Hà, TP.Biên Hòa) cho biết, công ty đảm nhận tuyến xe buýt trợ giá số 2 với 14 chiếc xe đều được đầu tư mới, lắp đặt hệ thống máy lạnh, camera để giám sát hành trình. Xe chất lượng tốt nhưng giá vé lại rẻ (chỉ 12 ngàn đồng/vé đối với khách đi từ đầu đến cuối tuyến, tiền vé sẽ giảm nếu khách đi ở cự ly ngắn) và chủ yếu phục vụ cho những người có thu nhập thấp hoặc không có thu nhập như: công nhân, học sinh, sinh viên... Đặc biệt, công ty còn có chương trình miễn, giảm tiền vé đối với người già trên 70 tuổi, thương binh, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi…

Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành hệ thống xe buýt, Sở GT-VT sẽ tổ chức kêu gọi các đơn vị tham gia đầu tư tăng cường thêm các tuyến xe buýt mới để mạng lưới xe buýt ngày càng nhiều, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân được tốt hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Nở, để thu hút đông đảo người dân đi tuyến xe buýt số 2, lãnh đạo công ty luôn quan tâm đến công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đội ngũ nhân viên, lái xe. Cụ thể, thường xuyên nhắc nhở lái xe trong việc điều khiển phương tiện lưu thông trên đường, dừng đón - trả khách an toàn. Đồng thời, nhắc nhở nhân viên phải niềm nở, tận tình hướng dẫn, hỗ trợ cho khách, nhất là người già, khuyết tật, trẻ nhỏ…

“Đối với những nhân viên phục vụ hành khách không chu đáo hay nói năng thiếu văn hóa, công ty nghiêm túc nhắc nhở đối với vi phạm lần đầu; xử lý cảnh cáo nếu vi phạm lần thứ 2 và sẽ cho nghỉ việc nếu vi phạm lần thứ 3” - ông Nguyễn Văn Nở chia sẻ.

Số khách đi xe buýt số 2 đã tăng cao so với thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Hiện tần suất hoạt động mỗi ngày của tuyến xe này là 82 chuyến với hơn 2 ngàn lượt khách (đạt khoảng 60% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19) cho thấy tín hiệu hồi phục tích cực đối với hoạt động của xe buýt.

Bà Ngô Ngọc Thùy Anh (phụ trách tuyến xe buýt trợ giá số 1, Công ty TNHH Trí Minh Phát) cho hay, thời gian qua, công ty đã triển khai nhiều giải pháp để phục hồi hoạt động tuyến xe buýt trợ giá số 1 kể từ sau đại dịch Covid-19. Trong đó, thường xuyên quan tâm bảo dưỡng, nâng chất lượng xe hoạt động tốt; quán triệt đội ngũ nhân viên, tài xế phải tận tình phục vụ hành khách. Bên cạnh đó, công ty còn triển khai chương trình giảm giá vé tháng để thu hút người dân đi xe buýt trở lại…

Hiện tuyến xe buýt số 1 có 8 xe với tần suất hoạt động 80 chuyến/ngày và có khoảng 800 khách đi trong ngày (đạt 70% so với thời điểm trước dịch Covid-19). “Lượng hành khách đi tuyến xe buýt số 1 có xu hướng gia tăng, nhất là từ đầu năm 2023 đến nay” - bà Ngô Ngọc Thùy Anh cho biết.

* Tiếp tục phục hồi hoạt động xe buýt

Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GT-VT) Trầm Kim Xuyến cho biết, sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, trung tâm đã tham mưu cho Sở GT-VT triển khai một số phương án tái hoạt động các tuyến xe buýt để đảm bảo phù hợp, thích ứng trong tình hình mới.

Cụ thể, trung tâm đã tham mưu Sở GT-VT Đồng Nai phối hợp với Sở
GT-VT TP.HCM đưa vào hoạt động 4 tuyến xe buýt liền kề không trợ giá trên địa bàn Đồng Nai - TP.HCM vào cuối năm 2022. Trong đó, 2 tuyến hoạt động trở lại: 601 (bến xe Biên Hòa - bến xe Miền Tây), 603 (trạm xe Nhơn Trạch - bến xe Miền Đông) và 2 tuyến mở mới: 605 (bến xe Biên Hòa - bến xe An Sương), 607 (bến xe Biên Hòa - bến xe Tân Phú của TP.HCM). Đến nay, tổng số tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh được nâng lên 19 tuyến.

Tại các huyện và thành phố: Biên Hòa, Long Khánh đều có tuyến xe buýt đi qua. Mạng lưới tuyến xe buýt hiện nay về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là các đối tượng học sinh, công nhân, những người có thu nhập thấp.

“Hiện hệ thống xe buýt toàn tỉnh thực hiện khoảng 1 ngàn chuyến/ngày và vận chuyển khoảng 15 ngàn lượt khách; trong đó, các tuyến xe buýt có lượng khách đi lại ổn định như: 5, 10, 11, 602. Sản lượng hành khách đi xe buýt hiện chỉ đạt khoảng 60% so với thời điểm trước dịch bệnh Covid-19 bùng phát nhưng cũng cho thấy nhu cầu đi xe buýt của người dân đang tăng trở lại” - bà Xuyến chia sẻ.

Theo Sở GT-VT, mạng lưới xe buýt trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và giảm chi phí đi lại của người dân. Tuy nhiên, hoạt động của các tuyến xe buýt từ sau đại dịch Covid-19 đến nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.

Trong thời gian tới, Sở GT-VT và Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để giúp hoạt động xe buýt ngày càng tốt hơn. Trong đó, tiếp tục thực hiện việc nâng cao chất lượng hoạt động xe buýt bằng việc đôn đốc các đơn vị vận tải đầu tư thay thế những phương tiện đã cũ, hư hỏng, giúp cho hoạt động xe buýt phục vụ người dân ngày càng hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở các chủ xe và nhân viên trong việc phục vụ hành khách, không để người dân phản ảnh về chất lượng phục vụ.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202307/tin-hieu-tich-cuc-trong-phuc-hoi-hoat-dong-xe-buyt-3171026/