Tin bất động sản ngày 4/6: Tiền Giang sắp có thêm dự án Khu công nghiệp hơn 5.900 tỷ đồng
Tiền Giang sắp có thêm dự án Khu công nghiệp hơn 5.900 tỷ đồng; Dự án của Công ty DHA D-One 'đắp chiếu' suốt 8 năm; Cà Mau công bố dự án nhà ở xã hội đầu tiên…là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tiền Giang sắp có thêm dự án Khu công nghiệp hơn 5.900 tỷ đồng
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 471/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tân Phước 1, tỉnh Tiền Giang.
Dự án Khu công nghiệp Tân Phước 1 sẽ được triển khai tại xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, với tổng vốn đầu tư 5.936,5 tỷ đồng và diện tích 470 ha. Thời hạn hoạt động là 50 năm từ ngày chấp thuận đầu tư và tiến độ thực hiện không quá 60 tháng kể từ khi được bàn giao đất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định chủ trương đầu tư và quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo Luật Đầu tư. Các Bộ, ngành liên quan phải thẩm định nội dung đầu tư trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định pháp luật.
UBND tỉnh Tiền Giang phải đảm bảo tính chính xác của thông tin và số liệu báo cáo, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, xác định hiện trạng sử dụng đất, điều kiện thu hồi, giao, cho thuê và chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, tỉnh phải đảm bảo không có tranh chấp hay khiếu kiện phức tạp về quyền sử dụng đất và cập nhật quy mô diện tích của khu công nghiệp vào kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tiền Giang cũng cần xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất để thực hiện dự án theo các quy định pháp luật, đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước. Trong trường hợp khu vực dự án có tài sản công, phải thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.
Công ty cổ phần IDICO Tiền Giang, nhà đầu tư dự án, phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của hồ sơ dự án, tuân thủ các cam kết và quy định pháp luật, tránh khiếu kiện và chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu vi phạm cam kết. Công ty phải phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang và các cơ quan liên quan trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo không xảy ra thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước.
Dự án này hứa hẹn sẽ đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động công nghiệp và thu hút đầu tư vào địa bàn.
Dự án khách sạn AMIANA 'đắp chiếu' nhiều năm lại xin điều chỉnh
Dự án khách sạn AMIANA trên khu đất số 15 Thành Công (phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn chưa thể đưa vào sử dụng sau nhiều năm. Điều đáng nói, chủ đầu tư liên tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng dự án.
Tại khu đất này, năm 2011, Công ty TNHH Kinh doanh lương thực, thực phẩm và hỗ trợ ngành Ong được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng số 116 để xây dựng công trình văn phòng làm việc và cho thuê. Tuy nhiên, thời điểm đó chủ đầu tư xây dựng 2 tầng hầm sai phép, bị cơ quan chức năng xử phạt, đình chỉ thi công và yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Sau nhiều năm "đắp chiếu", cơ quan chức năng TP Hà Nội liên tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy phép quy hoạch cho dự án thành Khách sạn AMIANA Hotel Thành Công.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội có quyết định số 6449 ngày 26/11/2018, số 2193 ngày 29/5/2020 điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và số 5231 ngày 24/11/2020 điều chỉnh nội dung cho thuê đất…
Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội có các văn bản 8024 ngày 20/11/2017 và số 33 ngày 2/1/2019 về việc chấp thuận điều chỉnh tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án Khách sạn AMIANA Hotel Thành Công.
Đến ngày 29/3/2021, Sở Xây dựng cấp phụ lục điều chỉnh giấy phép xây dựng số 116 được cấp năm 2011. Theo phụ lục điều chỉnh giấy phép, chủ đầu tư xây dựng công trình khách sạn cao 17 tầng + tum thang kỹ thuật + 2 tầng hầm. Diện tích xây dựng tầng hầm 1 và 2 bằng nhau khoảng 1325,5m2; tầng hầm 1 cao 3,6m, tầng hầm 2 cao 3,3m (tăng 0,3m mỗi tầng so với GPXD 116-PV).
Hiện nay, dự án xây xong phần thô và dừng thi công, không có dấu hiệu hoàn thiện đưa vào sử dụng.
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội có thông báo về việc hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng công trình thuộc dự án Khách sạn AMIANA tại số 15 Thành Công không đủ điều kiện giải quyết.
Lý do Sở Xây dựng đưa ra, báo cáo kết quả thẩm định và văn bản phê duyệt thiết kế xây dựng điều chỉnh của chủ đầu tư chưa có nội dung theo quy định tại Nghị định 15 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Dự án của Công ty DHA D-One "đắp chiếu" suốt 8 năm
Theo tìm hiểu, Công ty DHA D-One của doanh nhân Đặng Hồng Anh đã thu tiền cọc về việc cho thuê căn hộ thương mại tại dự án D-One Sài Gòn từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, suốt 8 năm qua dự án vẫn "đắp chiếu.
Năm 2017, Công ty Đông Hải ký hợp đồng nguyên tắc hợp tác đầu tư xây dựng và khai thác trung tâm phức hợp với công ty CP Đầu tư Vũ Tiên. Hợp đồng ghi nhận việc sẽ ký với công ty Vũ Tiên hợp đồng tổng thầu xây dựng và hợp đồng thuê tài sản là vị trí đất số 12 Phan Văn Trị, phường 7, quận Gò Vấp, Tp.HCM.
Sau đó, Công ty TNHH MTV DHA D-One do doanh nhân Đặng Hồng Anh (Phó Chủ tịch HĐQT TTC Land) sáng lập rầm rộ giới thiệu dự án mang tên D-One Sài Gòn, số 12 Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, Tp.HCM.
Cái tên D-One Sài Gòn nhanh chóng xuất hiện trên quảng cáo của các website liên quan đến bất động sản như một khu căn hộ thương mại cao cấp, được phát triển bởi Công ty DHA D-One.
Theo quảng cáo, dự án có quy mô gần 2 ha, bao gồm 322 căn hộ studio và 226 shopehouse kinh doanh hiện đại. DHA D-One của doanh nhân Đặng Hồng Anh đã ký kết với hàng trăm khách hàng các “Phiếu đăng ký giữ chỗ…”. Mục đích của việc ký kết là đảm bảo “quyền thuê tài sản dài hạn Slot thương mại tại Dự án Khu phức hợp D-One Sài Gòn”.
Với hoạt động này, công ty của ông Đặng Hồng Anh đã thu của mỗi khách hàng hàng tỷ đồng. Thế nhưng chỉ ít lâu sau, dư luận dậy sóng khi hay tin chủ đầu tư thật sự của dự án lại là Công ty TNHH MTV Đông Hải, thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Tên chính thức của dự án là Dự án khu phức hợp số 12 Phan Văn Trị (Gò Vấp). Tại thời điểm DHA D-One thu tiền “giữ chỗ” thì Công ty TNHH MTV Đông Hải vẫn chưa được phép của Bộ Quốc Phòng về việc sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế.
Ngoài ra, khu đất được quảng cáo là dự án D-One Sài Gòn từ thời điểm nhận cọc cũng chưa từng có dấu hiệu được thi công xây dựng như cam kết từ phía DHA D-One. Do đó, hàng loạt khách hàng đã yêu cầu công ty DHA D-One trả lại tiền đã thu cọc trước đó.
Hiên nay, toàn bộ khu đất thuộc dự án đã được quây tôn kín mít. Khu vực cổng và phía bên ngoài cũng không còn thông tin quảng cáo về dự án và chủ đầu tư như nhiều năm trước đây. Bên trong dự án cỏ mọc um tùm, một số công trình bằng tôn, thép đã bị hoen gỉ.
Cà Mau công bố dự án nhà ở xã hội đầu tiên
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có thông báo về việc công bố danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có nhu cầu vay vốn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, dự án đầu tư nhà ở xã hội phường Tân Xuyên, thành phố Cà Mau, do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Cà Mau làm chủ đầu tư là dự án nhà ở xã hội riêng biệt đầu tiên của tỉnh, do doanh nghiệp đầu tư thông qua hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất tại tỉnh Cà Mau.
Quy mô dự án xây dựng trên 34.375m2. Tổng số nhà ở 237 căn; trong đó có 19 căn nhà ở thương mại và 218 căn nhà ở xã hội. Tổng mức đầu tư 107,83 tỷ đồng. Nhu cầy vay vốn 50 tỷ đồng. Dự án được khởi công tháng 4 năm 2024, hiện đang thi công nền hạ và sẽ hoàn thành vào tháng 11 năm 2026.
Chủ đầu tư cho biết, giá thành nhà ở được công ty tính toán hợp lý, từ đó xây dựng giá bán phù hợp với điều kiện thu nhập của phần lớn người lao động, công nhân, cán bộ, công chức, viên chức có thu nhập thấp và các đối tượng khách hàng có nhu cầu mua nhà ở thương mại.
Phần hạ tầng kỹ thuật sẽ được khởi công xây dựng đồng bộ với hệ thống giao thông nội bộ, thảm bê tông nhựa nóng; hệ thống cấp điện, chiếu sáng và hạ tầng viễn thông được ngầm hóa. Đồng thời, kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật các dự án xung quanh.
Theo ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, dự án đầu tư nhà ở xã hội phường Tân Xuyên, thành phố Cà Mau sẽ góp phần triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2023” theo Quyết định 338 của Thủ tướng Chính phủ và bước đầu thực hiện kế hoạch phấn đấu đến năm 2030 có 2.900 căn nhà ở xã hội của UBND tỉnh Cà Mau.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị các Sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị tăng cường công tác phối hợp trong việc triển khai phát triển nhà ở xã hội, sớm xử lý dứt điểm những vấn đề khó khăn, vướng mắc đối với dự án đầu tư nhà ở xã hội.