Tìm lời giải đối với các vấn đề nóng của xã hội

Ngay trong những ngày đầu của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XIV, trên nghị trường và trong giờ nghỉ giải lao tại hành lang của Nhà Quốc hội, các đại biểu QH đã thảo luận sôi nổi về những vấn đề nóng đang đặt ra trong thực tế cuộc sống và tâm huyết đề xuất nhiều giải pháp góp phần xây dựng xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Nhiều đại biểu QH cho rằng: Báo cáo của Chính phủ trình QH trong phiên khai mạc đã có sự đánh giá về kinh tế rất kỹ lưỡng, đầy đủ, nhưng các vấn đề của xã hội chưa thật sự đậm nét, chưa cụ thể. Xã hội đã và đang bộc lộ những điểm nóng, những bức xúc, như: bạo lực học đường, tai nạn giao thông, tội phạm ấu dâm, tội phạm ma túy, giết người, xã hội đen, tín dụng đen… Dù các lực lượng chức năng đã nỗ lực xử lý, phòng chống nhưng thực trạng nêu trên ngày càng diễn biến phức tạp.

Lo ngại vì cái xấu đang nổi lên, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Tiến bộ xã hội thể hiện ở việc người dân có cảm thấy được sống trong một môi trường an toàn hay không? Chúng ta có thể vui mừng vì con số tăng trưởng GDP hay thu nhập bình quân đầu người tăng nhưng nếu không quyết liệt, không có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn, để giải quyết thì cái xấu, cái ác sẽ làm lu mờ thành tựu kinh tế đó. Kinh tế phát triển nhưng chất lượng cuộc sống của người dân không cao, tâm lý bất an vì nhiều vấn đề xã hội phát sinh gắn với sự xuống cấp văn hóa, đạo đức xã hội. Vì vậy, Báo cáo của Quốc hội, của Chính phủ cần tập trung đánh giá sâu hơn về các vấn đề của xã hội, qua đó đưa ra được những giải pháp cụ thể, quyết liệt nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng nền tảng tốt đẹp của văn hóa, những ưu việt của xã hội phải được giữ vững, phát triển… Đây là những suy nghĩ, trăn trở được nhiều đại biểu QH sẻ chia, đồng tình.

Phân tích những vấn đề nêu trên, nhiều đại biểu chung suy nghĩ, đề xuất: Các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước, theo dõi chặt chẽ những biến động xã hội để có phương hướng, giải pháp kịp thời, tránh giải quyết sự việc theo phong trào, đối phó với dư luận xã hội. Bên cạnh đó, cần tăng cường khả năng dự báo, “đi trước một bước”, qua đó xây dựng những phương án phòng ngừa hiệu quả chứ không để sự việc xảy ra rồi mới tìm hướng xử lý. Để hạn chế phát sinh các vấn đề xã hội bức xúc, giải quyết kịp thời những vấn đề nóng từ thực tế cuộc sống, rất cần chú trọng ý thức chấp hành pháp luật của người dân, và đây được coi là một trong những yếu tố then chốt nhằm tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Có đại biểu nêu quan điểm: Dân chủ là tốt nhưng phải gắn liền với kỷ cương, pháp luật, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc. Hành vi vi phạm luật giao thông, xả rác bừa bãi, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác, dùng mạng xã hội tung thông tin xấu, độc hay những hành vi lệch chuẩn, tiêu cực… vẫn diễn ra thường xuyên, nhưng chưa được xử lý nghiêm minh vì thế đã tạo thành những thói quen xấu, “nhờn” với pháp luật. Tuy hiện nay đã có những tín hiệu đáng mừng là nhiều vụ việc vi phạm đã được xử lý, nhưng mới mang tính tình thế, chưa có giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài, chưa bảo đảm tính công bằng, kịp thời trong thực thi pháp luật. Đây là vấn đề cần được lưu ý theo hướng tăng cường mạnh mẽ tính răn đe và sự nghiêm minh của pháp luật. Và đây cũng có thể coi là một điểm yếu, hạn chế của hệ thống pháp luật nước ta hiện nay.

Trong những ngày qua, đại biểu QH rất quan tâm dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi với nữ từ năm 2021. Một số đại biểu cho biết, trong các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, có ý kiến từ phía người dân băn khoăn: Chủ trương nêu trên có thể chỉ có lợi cho một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức và khiến nhiều người lao động phải suy nghĩ. Trao đổi về nội dung này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng: Người dân không nên lo lắng, vì không phải cứ nâng tuổi nghỉ hưu là ai cũng phải tăng thời gian làm việc. Bản chất việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không chỉ tăng nguồn lực cho tương lai mà điều quan trọng là để kéo dài thời gian làm việc cho người lao động, khi về hưu, tiền lương hưu cao hơn bình quân hiện nay. Việc này sẽ giúp giải quyết các vấn đề khó khăn về đời sống, bảo đảm cuộc sống tuổi già khi hết tuổi lao động… Tuy nhiên, để người dân, người lao động cả nước yên tâm, Chính phủ nên giao các bộ, ngành liên quan xác định cụ thể những ngành nghề bị suy giảm khả năng lao động, ngành nghề bị tác động bởi yếu tố điều kiện lao động, ảnh hưởng sức khỏe.

Dự thảo luật nên kèm theo quy định điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chia theo các nhóm với các danh mục ngành nghề, quy định rõ lĩnh vực nào được giảm tuổi nghỉ hưu, để người lao động nhìn vào và thấy được mình có thuộc diện đó hay không, từ đó đưa ra ý kiến. Danh mục phải được rà soát, cập nhật thường xuyên và bảo đảm tính công bằng, khách quan, phù hợp thực tế môi trường làm việc, lao động… Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, trong đó cần chú trọng giải quyết việc làm, hỗ trợ thất nghiệp, tránh tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Những tâm tư, nguyện vọng của người lao động trong việc nghỉ hưu cần được các cơ quan chức năng cân nhắc, xem xét thấu tình đạt lý để bảo đảm luật có tính khả thi cao và nhận được sự ủng hộ đông đảo của cộng đồng…

SONG LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40325802-tim-loi-giai-doi-voi-cac-van-de-nong-cua-xa-hoi.html