Tìm hướng đi cho sản phẩm tre ép khối

Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu công nghiệp rừng (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) mới đây đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công công nghệ sản xuất tre ép khối có tính chất cơ học tương đương với các loại gỗ rừng tự nhiên. Đây là một giải pháp công nghệ mới giúp tận dụng nguồn nguyên liệu rất phong phú ở Việt Nam để tạo ra vật liệu mới, có ý nghĩa lớn về giá trị kinh tế và môi trường.

Hướng đi đúng

Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghiệp rừng cho biết, tại Việt Nam, tre ép khối bắt đầu được nghiên cứu từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước và đưa ra thị trường lần đầu tiên vào năm 2000. Tre ép khối được tạo ra qua quá trình sấy khô và ngâm nan tre bằng dung dịch keo, sau đó ép dưới áp lực rất cao để thay đổi cấu trúc, tính chất của tre. Sản phẩm tạo ra là một khối tương tự như gỗ nhưng độ cứng và sự ổn định chiều cao cao hơn hầu hết các loại gỗ cứng trong nhóm I. Do đó, tre ép khối được sử dụng cho nhiều ứng dụng đòi hỏi độ cứng hoặc sự ổn định chiều cao, như: Ván sàn, khung cửa, cầu thang và các sản phẩm thay gỗ khác.

Tại Việt Nam, thông qua Chương trình Mê Kông tre, Tổ chức Prosperity Initiative (Vương quốc Anh) đã giới thiệu sản phẩm tre ép khối vào Việt Nam từ năm 2005. Trong khuôn khổ Chương trình Mê Kông tre, một số đơn vị đã được hỗ trợ thiết bị, tiếp cận công nghệ sản xuất tre ép khối. Sau khi sản phẩm tre ép khối đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam cùng với các chương trình quảng bá về hiệu quả kinh tế, nhiều công ty đã có kế hoạch đầu tư sản xuất sản phẩm này. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa có các nghiên cứu bài bản và hoàn chỉnh toàn bộ quá trình công nghệ sản xuất tre ép khối từ nguồn nguyên liệu của Việt Nam. Chất lượng sản phẩm cũng chưa đạt được độ ổn định cần thiết, cũng như các ứng dụng còn ít so với sản phẩm từ gỗ nên các nhà đầu tư đã không tiếp tục phát triển.

Hiện nay chỉ còn lại duy nhất Công ty cổ phần BWG Mai Châu - Hòa Bình có dây chuyền thiết bị sản xuất sản phẩm tre ép khối, song sản phẩm của công ty vẫn có một số lỗi như bị nứt đầu, nứt ngầm nên rất khó xẻ thành các kích thước nhỏ hơn để làm ván sàn, khung xương cho các loại đồ mộc và mộc xây dựng... Chính vì vậy, hiện nay, các công ty xây dựng và nội thất đang phải nhập khẩu tre ép khối từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.

Theo Chương trình Mê Kông tre, tiềm năng toàn bộ thị trường các sản phẩm tre trên thế giới ước tính khoảng 13 tỷ USD, trong đó các nhà sản xuất Trung Quốc nắm giữ tới 90% thị phần, còn các sản phẩm tre Việt Nam chỉ chiếm dưới 3%. Mặt khác, nhu cầu về tre ép khối đang tăng do áp lực từ các chính sách bảo vệ rừng, chống biến đổi khí hậu, nguồn nguyên liệu gỗ tự nhiên ngày càng hạn hẹp, do đó, đẩy mạnh sản phẩm tre ép khối là một hướng đi đúng cho Việt Nam.

Có giá trị kinh tế và môi trường

Trước thực trạng trên, Viện nghiên cứu công nghiệp rừng đã nghiên cứu công nghệ sản xuất tre ép khối làm vật liệu xây dựng và nội thất. Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung chia sẻ: Mặc dù Trung Quốc là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này nhưng công nghệ, quy trình sản xuất của họ thường được áp dụng cho nguyên liệu phổ biến ở nước này là tre moso. Do đầu vào khác nhau nên không thể đem các thông số kỹ thuật của từng công đoạn chế biến tại Trung Quốc áp dụng vào Việt Nam. Bên cạnh đó, không thể đơn giản cứ nhập máy móc Trung Quốc là sẽ có sản phẩm tre ép khối mà cần nghiên cứu để có giải pháp phù hợp với nguồn nguyên liệu trong nước và nhu cầu doanh nghiệp Việt Nam.

Trong 3 năm (2017-2019), các nhà khoa học đã nghiên cứu công nghệ xử lý nguyên liệu tre đáp ứng yêu cầu sản xuất tre ép khối; lựa chọn loại keo, các thông số ngâm tẩm keo và ép phù hợp với 2 loại nguyên liệu tre ở quy mô thí nghiệm. Từ đó quy trình sản xuất, mô hình ứng dụng được đề xuất với quy mô 1.000-1.500m3/năm. Chất lượng sản phẩm tre ép khối do đề tài tạo ra tương đương với các loại gỗ tự nhiên thuộc nhóm III (bằng lăng, chò chỉ, giáng hương, trường mật, vên vên... ), đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về vật liệu dùng trong xây dựng và nội thất, như: Cấu kiện dạng thanh, dầm, ván sàn, đồ mộc nội thất…

Đánh giá về khả năng ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh, Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung nhận định, nguồn nguyên liệu tre ở Việt Nam rất lớn, giá thành thu mua nguyên liệu đầu vào rẻ, chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc, do đó giá thành sản phẩm sẽ thấp hơn rất nhiều. Vốn đã thân thuộc trong đời sống của người dân Việt Nam, tre ép khối với nhiều ưu điểm về tính năng sử dụng và thân thiện với môi trường chắc chắn sẽ được người dân sử dụng ngày càng nhiều.

Không chỉ có hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm chất lượng cao thay thế gỗ rừng tự nhiên, thân thiện với môi trường này còn giải quyết được một số vấn đề về kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định cho người dân từ việc trồng tre, chế biến tạo các sản phẩm từ tre. Với những thành công trên, Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng đang có kế hoạch chuyển giao công nghệ cho Công ty cổ phần BWG Mai Châu - Hòa Bình để đưa vào sản xuất quy mô lớn vật liệu tre ép khối.

Minh Quân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/953120/tim-huong-di-cho-san-pham-tre-ep-khoi