Tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh
Nhà văn Trung Trung Đỉnh viết không nhiều nhưng tác phẩm của ông sống trong lòng độc giả bởi sự khác biệt trong lối viết trên đề tài đã có nhiều nhà văn thể nghiệm. Đó là Tây Nguyên, đó và những vùng đi qua chiến tranh khốc liệt, đó là đi qua thời bao cấp và chuyện phố nhem nhuốc với những nỗi lo cơm canh, rau cháo.
Đọc tác phẩm của ông, tiêu biểu là bộ tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh gồm 4 tiểu thuyết: Ngõ lỗ Thủng, Lạc rừng, Ngược chiều cái chết và Tiễn biệt những ngày buồn do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành khiến độc giả tự hào nhưng đầy day dứt về đời lính trong trận mạc và thời bình. Trong các tiểu thuyết cũng như truyện ngắn của ông luôn có bóng dáng của người lính, người lính trong đánh giặc, người lính sau hòa bình nhưng dù hoàn cảnh nào, cuộc sống có lấm lem đến đâu họ vẫn giữ cho sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Đấy là cái mà người đọc lĩnh hội được, thấy được cái nhân bản trong từng cốt truyện của Lạc rừng, thấy được cái bê bối trong hiện thực đời sống thời bao cấp nhưng vẫn tỏa được cái tình người trong Ngõ lỗ thủng, ở một anh què quặt có thân hình khiếp đảm nhưng lại chất chứa bao yêu thương, khiến người đọc ấm lòng hơn, nhận ra rằng, ở đời này cái bề ngoài chỉ là lớp ngụy trang, cái đẹp, cái tình bên trong là “nước cốt” đậm đà cho từng hoàn cảnh sống.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh hiện đã ngoài 70 tuổi, sức ông không được khỏe nữa vì bệnh trọng nhưng vẫn nặng lòng với văn chương, nặng lòng với Tây Nguyên và hoài niệm về quá khứ mà ông nếm trải. Đọc tác phẩm của ông, người đọc như thấy mình ở đấy, những mảnh ghép, những góc khuất cuộc đời có lẽ chỉ có Trung Trung Đỉnh mới lột tả cho hết, sự độc đáo này khiến văn chương của ông có sức sống mãnh liệt…