Tiêu chuẩn Euro 7 sẽ là thách thức lớn với nhà sản xuất ô tô?
Tiêu chuẩn khí thải Euro 7 sẽ trở thành thách thức đối với những nhà sản xuất ô tô khi các quy định về lượng hạt vật chất phát thải ra môi trường được siết chặt.
Euro 7 - Bộ tiêu chuẩn khí thải cuối cùng?
Tiêu chuẩn khí thải Euro gồm một loạt các quy định về khí thải được các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua và áp dụng cho các dòng xe khác nhau.
Tiêu chuẩn Euro đưa ra định mức về nồng độ các loại khí thải được sinh ra từ quá trình hoạt động của xe như: Nitrogen Oxide (NOx), carbon monoxide (CO), hydrocarbons (HC) và các hạt vật chất (PM).
Mục đích cuối cùng của tiêu chuẩn này nhằm bảo vệ môi trường và tạo áp lực buộc các nhà sản xuất xe phải đưa ra thị trường những chiếc xe ít phát thải, sạch hơn.
Tiêu chuẩn khí thải Euro đối với ô tô đầu tiên được đưa ra từ năm 1992 và tiêu chuẩn khí thải đang được áp dụng là Euro 6 từ năm 2015.
Hiện các cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu đã bắt tay vào việc xây dựng các tiêu chuẩn khí thải mới cho Euro 7. Dự kiến Euro 7 sẽ là tiêu chuẩn khí thải cuối cùng của EU được ban hành trước khi tất cả các ô tô mới được ra mắt tại thị trường châu Âu là xe không phát thải.
Việc áp dụng quy định khí thải Euro 7 mới được kỳ vọng sẽ cắt giảm đáng kể lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường, giúp cải thiện chất lượng không khí và mang lại lợi ích xã hội. Tính khả thi về mặt kỹ thuật của tiêu chuẩn này cũng mang lại hiệu quả kinh tế cho ngành công nghiệp ô tô.
Khi được công bố ban đầu, Euro 7 dự kiến sẽ được áp dụng vào giữa năm 2025. Tuy nhiên, với những thay đổi gần đây, so với kế hoạch, mốc thời gian này được cho là không thực tế.
Thay vào đó, các giới hạn Euro 7 sẽ bắt đầu được áp dụng từ đầu năm 2027. Với việc EU đang tìm cách chấm dứt bán ô tô mới chạy xăng dầu từ năm 2035 nên đây có thể sẽ là bộ tiêu chuẩn Euro cuối cùng.
Thách thức đối với các nhà sản xuất ô tô
Sửa đổi mới nhất của tiêu chuẩn khí thải Euro 7 cho thấy các giới hạn về carbon monoxide, hydrocarbon, oxit nitơ và các hạt vật chất từ khí thải xăng và dầu diesel không bị thay đổi mà vẫn giữ nguyên như tiêu chuẩn Euro 6 hiện hành.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn khí thải Euro 7 lần đầu tiên đề cập tiêu chí giới hạn những hạt vật chất từ phanh và lốp xe. Sự mài mòn từ các thành phần này có thể tạo ra các hạt bụi mịn không kém phần nguy hiểm so với khí thải động cơ.
Điều này sẽ gây khó khăn cho các nhà sản xuất ô tô, khi mà họ phải nghiên cứu và cải tạo lại hệ thống phanh và lốp xe nhằm mục đích giảm phát thải các hạt vật chất.
Đặc biệt với những chiếc xe điện và hybrid có khối lượng ngày càng tăng do mang trên mình trọng lượng của pin, từ đó sẽ làm tăng cao lượng bụi mịn do đĩa phanh và lốp xe bị mài mòn.
Việc phải sửa đổi và cải tạo những hệ thống này sẽ khiến các hãng ô tô đẩy cao chi phí nghiên cứu và sản xuất sản phẩm. Giá thành sản phẩm cao phần nào sẽ ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận.
Tiêu chuẩn khí thải Euro 7 hứa hẹn sẽ tạo ra bước ngoặt cho cuộc cách mạng về động cơ ô tô với sự phát triển của xe điện thay thế xe sử dụng động cơ đốt trong. Tuy vậy, các nhà sản xuất ô tô sẽ cần vượt qua rào cản về các quy định khí thải, cũng như đảm bảo được mức giá sản phẩm hợp lý.