Tiết lộ mới về khí cầu Trung Quốc sau vụ bắn hạ tại Mỹ
Các quan chức chính quyền ông Biden cho biết trước đây, khí cầu do thám tầm cao của Trung Quốc từng xâm nhập không phận Mỹ mà không bị phát hiện cho tới tận khi rời đi.
Sau khi Lầu Năm Góc thông báo họ đang theo dõi và quyết định bắn hạ khinh khí cầu từ Trung Quốc vào tuần trước, các quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ trước đây cũng có những vụ việc tương tự xảy ra. Chính quyền ông Donald Trump chứng kiến ít nhất 3 lần, còn dưới thời Tổng thống Joe Biden là một lần.
Các quan chức cho biết những lần trước đó, thời gian khí cầu ở trên đất Mỹ ngắn hơn nhiều, từ đó có thể lý giải chúng không bị phát hiện vào thời điểm đó. Một quan chức nói nhiều thông tin về các sự cố trước đó sau này mới được thu thập lại.
“Thông tin này được phát hiện sau khi chính quyền trước đó kết thúc nhiệm kỳ”, một người cho hay. Người này nói các cơ quan tình báo đang chuẩn bị thông tin cho những nhân vật chủ chốt trong chính quyền ông Trump.
Ngoài ra, hôm 5/2, theo Fox News, các quan chức Mỹ tiết lộ một khí cầu Trung Quốc đã rơi xuống Thái Bình Dương ngoài khơi bờ biển Hawaii 4 tháng trước. Họ cũng cho biết dưới thời ông Trump, ít nhất một khí cầu đã bay qua các khu vực của Texas và Florida.
Theo Wall Street Journal, các chi tiết mới phát hiện xoay quanh chương trình giám sát khinh khí cầu Trung Quốc của Mỹ đang đặt ra câu hỏi về lý do chính phủ không có sự chuẩn bị để làm chệch hướng quả khí cầu gần đây nhất, cũng như cách Mỹ xử lý 4 trường hợp trước đó.
Quyết định thận trọng hay thất bại?
Một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa cho rằng dựa trên các báo cáo về vụ việc trước đó, chính quyền ông Biden lẽ ra phải bắn hạ khí cầu trước khi nó vào lục địa Mỹ.
Sau khi được phát hiện ở quần đảo Aleutian của Alaska vào ngày 28/1, khinh khí cầu đã đi qua bang này và sau đó là Canada, đến phía bắc Idaho vào ngày 31/1.
Từ đó, khí cầu đi qua các địa điểm đặt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ở Montana, trước khi tiến vào bờ biển phía Đông Nam.
“Chính quyền không chỉ thất bại trong khâu này. Họ đã không có sự chuẩn bị sau khi chứng kiến vụ việc lần đầu tiên”, ông Mike Turner - Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện - cho biết, nói thêm “tổng thống cho phép vật này đi qua các địa điểm nhạy cảm nhất của chúng ta”.
“Chúng ta đặt F-22 trong tình trạng sẵn sàng ở Alaska”, David Deptula - hiệu trưởng Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell - cho biết. “Tôi tin đáng nhẽ khí cầu phải bị bắn hạ trong không phận Mỹ trước khi bay qua lãnh thổ Mỹ”.
Trong khi đó, chính quyền ông Joe Biden nói việc đợi cho đến khi khí cầu bay tới ngoài khơi bờ biển mới bắn hạ là quyết định thận trọng. Điều này giúp Mỹ có thể lấy thiết bị giám sát mà không gây nguy hiểm cho người dân bên dưới bị mảnh vỡ rơi trúng.
“Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là làm thế nào để hạ khí cầu mà không gây rủi ro quá lớn cho người hoặc tài sản trên mặt đất”, một quan chức quốc phòng cấp cao nói.
Sự hiện diện của khinh khí cầu trên đất Mỹ và việc Mỹ quyết định bắn hạ làm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đi xuống hơn nữa, đồng thời phức tạp thêm nỗ lực giám sát tính cạnh tranh của hai cường quốc.
Sau vụ bắn hạ, Bắc Kinh chỉ trích Washington, nhưng được Wall Street Journal đánh giá với giọng điệu mềm mỏng hơn so với các vụ việc trước đây.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại tuyên bố đây là khinh khí cầu dân sự và bị đi chệch hướng. Nước này gọi quyết định hạ khinh khí cầu “vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế”, đồng thời nói Bắc Kinh “bảo lưu quyền đưa ra các phản ứng cần thiết tiếp theo nếu cần thiết”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đưa ra bình luận tương tự, gọi vụ bắn hạ là “phản ứng thái quá rõ ràng”.
Sau khinh khí cầu bị bắn rơi, các thợ lặn của Hải quân Mỹ đang tìm kiếm những mảnh vỡ, BBC đưa tin. Các mảnh vỡ ở vùng nước có độ sâu khoảng 14 m và trải dài khoảng 11 km.
Không có thông tin
Việc các sự cố được đưa ra ánh sáng nhấn mạnh mối lo về sức mạnh xác định mối đe dọa trên không của mạng lưới radar trên mặt đất của Mỹ và Canada.
Cuối tuần này, Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc có một đội khinh khí cầu do thám được phát hiện trước đó ở châu Mỹ Latin, châu Âu và châu Á.
Trong khi đó, một số quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của chính quyền ông Trump nói họ chưa bao giờ biết thông tin về bất cứ vụ phát hiện khí cầu nào.
“Với tư cách là cố vấn an ninh quốc gia, hay kể cả trước đó, tôi chưa hề biết về bất cứ vụ xâm phạm không phận nào, cũng như thông tin về mọi vấn đề tương tự của Trung Quốc”, ông Robert O'Brien - người từng là cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump năm 2019-2021 - cho hay.
John Bolton và H.R. McMaster - người tiền nhiệm của ông O’Brien với tư cách là cố vấn an ninh quốc gia - cũng nói họ chưa bao giờ được thông báo về bất kỳ vụ khinh khí cầu nào.
Chia sẻ với Fox News, ông Trump và một số quan chức quốc phòng - an ninh quốc gia hàng đầu bác bỏ tuyên bố này, nói "điều đó chưa từng xảy ra".
Các quan chức chính quyền ông Biden từ chối giải thích cách thức phát hiện những vụ việc trước đó, với lý do bảo mật phương pháp tình báo.
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ không phản hồi câu hỏi về thông tin các sự cố khinh khí cầu trước đó hoặc thời điểm phát hiện. NORAD - Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ - cũng không trả lời yêu cầu bình luận.