Tiết kiệm sách giáo khoa

Một tuần nữa năm học mới 2018- 2019 sẽ chính thức bắt đầu. Dẫu thế câu chuyện về sách giáo khoa (SGK) vẫn là mối bận tâm của nhiều gia đình. Nhiều phụ huynh cho rằng, việc in SGK chỉ để dùng một lần như nhiều năm qua là lãng phí. Liệu rằng từ năm học 2019, khi bắt đầu triển khai cuốn chiếu chương trình và SGK mới, nếu chưa hết độc quyền thì tình trạng khan hiếm này có lặp lại hay không?

Ảnh minh họa.

Nhân chuyện khan hiếm SGK cho năm học mới 2018, một câu hỏi lớn được đặt ra tại sao SGK lâu nay không được tái sử dụng? Câu hỏi này cũng không khó tìm lời đáp.

Như nhiều người biết, tùy từng môn học, SGK được biên soạn, thiết kế và trình bày dưới những hình thức khác nhau sao cho học sinh tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều loại SGK lại có thêm phần câu hỏi và bài tập dưới hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm rồi yêu cầu học sinh phải ghi chép hoặc điền đáp án vào đó.

Như vậy, học sinh chỉ học sách đó 1 lần rồi bỏ đi. Điều này khiến cho việc huy động tiết kiệm SGK ở lớp học trước cho lớp học sau không thể thực hiện được. Điều đó cũng lý giải tại sao mỗi năm NXB Giáo dục Việt Nam phải in cả trăm triệu cuốn SGK mới.

Nhưng đáng suy ngẫm hơn cả là ngay cả khi NXB Giáo dục cho hay tính đến ngày 20/8/2018, NXB đã phát hành 108,8 triệu bản SGK, đạt 105 % kế hoạch, vượt 3% so với cùng kì năm 2017… mà SGK vẫn không đủ cung ứng cho người học, thì rõ ràng những thắc mắc về sự lãng phí cần có lời giải đáp thỏa đáng.

Ở thế hệ học sinh 7X, 8X trở về trước, những cuốn SGK thường được gìn giữ, trao chuyển lại cho nhau ngay trong một gia đình. Những người học trước giữ gìn sách thật cẩn thận để cho những người học sau. Kết thúc một năm học, học sinh lớp dưới có thể mượn/mua lại sách của các anh chị lớp trên.

Cũng chính vì có một bộ SGK nên ý thức giữ gìn sách của học sinh tốt hơn, việc bọc bìa, giữ gáy sách sao cho vẹn nguyên vừa là trách nhiệm, đồng thời cũng là một nghệ thuật. Việc làm bài tập được thực hành vào vở ở nhà, chứ không phải làm ngay vào SGK như học sinh thời nay. Chính vì thế mà bây giờ việc quyên góp SGK để cho/tặng cũng khó…

Sự lãng phí trong sử dụng SGK còn được chỉ ra rằng, việc mua SGK Toán và Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên xã hội…ở bậc tiểu học thường nhất thiết phải đi kèm với sách bài tập. Trong khi không phải giáo viên nào cũng yêu cầu học sinh phải làm bài tập của những môn học ngoài Toán và Tiếng Việt. Đó chính là một sự lãng phí không cần thiết. Chưa hết, thị trường sách tham khảo giờ đây cũng nhiều vô kể, tới mức nhiễu loạn. Cái sự thiếu SGK cho năm học 2018 thực chất là thiếu SGK do NXB Giáo dục ấn hành, còn sách lậu và sách tham khảo thì chưa bao giờ thiếu.

Theo phân tích từ nhiều chuyên gia, việc hàng năm phải in một lượng SGK lớn do không tái sử dụng được sẽ dẫn đến một số hệ lụy. Thứ nhất là hiệu quả sử dụng không cao. Thứ hai là không hiệu quả trong việc giáo dục. SGK, sách bài tập đều có sẵn phương án để chọn sẽ giống như thi trắc nghiệm hiện nay, khiến cho học sinh lười suy nghĩ, lười ghi chép, lười làm dạng toán có lời giải...

Từ cấp tiểu học, rồi các cấp học cao hơn đều sử dụng lãng phí SGK kiểu này, khiến lên bậc ĐH, sinh viên sư phạm cũng vẫn loay hoay với dạng bài toán có lời giải.

Cung cách sử dụng SGK một lần rồi bỏ cũng giống như việc tiêu thụ hàng hóa thời xã hội tiêu dùng. Khi cuộc sống phát triển, thu nhập người dân khá hơn, cũng không thể bắt mỗi người phải hoài niệm về cái cũ, về cuộc sống thời khốn khó. Nhưng SGK là mặt hàng đặc biệt. Nó cung cấp kiến thức phổ thông, là bách khoa toàn thư của tuổi học trò, vì thế cũng cần nhìn lại cơ chế sử dụng mặt hàng này. Vì thế, sử dụng SGK theo cách tiết kiệm, sẽ giúp nhiều người có cơ hội được học, được đọc thì vẫn hơn.

Trước lo lắng về việc khan hiếm SGK có còn tiếp diễn khi mà tới đây ngành giáo dục sẽ triển khai chương trình và SGK mới? Ông Chu Văn Hòa- Cục trưởng Cục Xuất bản, In và phát hành (Bộ TT&TT) cho hay, sau Nghị quyết 88 của Quốc hội, từ năm 2019 việc in SGK thực hiện theo mô hình hiện đại hơn, bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội. Việc xây dựng chương trình SGK không còn là việc của một nhà, một bộ phận độc quyền mà tạo ra động lực mới để huy động nguồn lực cho xã hội, người sử dụng có nhiều lựa chọn hơn.

Ông Hòa cũng cho rằng, không độc quyền mới có thể tạo ra cho người tiêu dùng những bộ SGK có chất lượng. Không ai có quyền kiểm duyệt cao hơn người tiêu dùng.

Điều này cũng đồng quan điểm với các chuyên gia giáo dục, cho dù chương trình mới có nhiều bộ SGK thì bộ sách nào giúp cho học sinh đạt được các yêu cầu của chương trình một cách hiệu quả nhất, ắt sẽ được nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh ưu tiên lựa chọn.

Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/tiet-kiem-sach-giao-khoa-tintuc414204