Tiết kiệm 'biến' thành bảo hiểm

Thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh tá hỏa khi phát hiện vào ngân hàng để gửi tiền tiết kiệm nhưng lại biến thành hợp đồng mua bảo hiểm.

“Chưa bao giờ cô nghĩ mình vào ngân hàng để mua bảo hiểm.” - Đó là chia sẻ của bà L.T.T ở phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên.

Bà L.T.T kể: Tôi đến ngân hàng để gửi tiết kiệm 50 triệu đồng và được giao dịch viên giới thiệu với số tiền này gửi trong vòng 5 năm lãi suất là 8,9%, trong khi đó lãi thường chỉ có hơn 6,0 thôi. Sau khi gửi tiền khoảng 5-6 ngày, giao dịch viên gọi tôi ra ngân hàng và đưa cho hợp đồng bảo hiểm. Trước thắc mắc của tôi về việc không mua bảo hiểm thì được giao dịch viên giải thích đây là bảo hiểm để bảo vệ tài sản tiền gửi của tôi tại ngân hàng. Sau 1 năm, tôi tới ngân hàng, mới sững sờ vì khoản tiền 50 triệu đồng gửi tiết kiệm đã không sinh lời mà tiền gốc trở về con số 0. Giao dịch viên thông tin là tôi đã tham gia gói bảo hiểm. Tôi rất bức xúc vì khi tôi gửi tiền, nhân viên không hề nói gì đến hợp đồng bảo hiểm…

Chúng tôi trao đổi với những người cùng cảnh ngộ như bà L.T.T, tiền gửi tiết kiệm biến thành hợp đồng bảo hiểm, họ đều khẳng định trong quá trình tư vấn nộp tiền, không được biết khoản tiền gửi ngân hàng thực chất là mua bảo hiểm. Thậm chí nhiều người khẳng định chữ ký trong hợp đồng bảo hiểm không phải của mình…

Thời gian vừa qua, nhiều người đã gặp phải sự việc như nêu ở trên. Bởi khi tư vấn gửi tiền cho khác hàng, một số giao dịch viên đã đánh đúng vào tâm lý của người gửi tiền khi thấy lợi ích cao hơn sẽ lựa chọn mà không đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng.

Không riêng trên địa bàn Thái Nguyên, thời gian gần đây, Bộ Công an đã tiếp nhận khoảng 600 đơn tố cáo liên quan đến việc hợp đồng gửi tiền tiết kiệm của họ hóa ra lại là hợp đồng bảo hiểm. Song bảo hiểm nhân thọ chỉ là một công cụ tài chính bảo vệ khách hàng trước những rủi ro trong cuộc sống, chứ không phải là một hình thức đầu tư hay gửi tiết kiệm với lãi suất cao.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Ngân hàng Nhà nước đã công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh thông tin liên quan đến việc ngân hàng "ép" khách hàng mua bảo hiểm. Nhưng hơn hết, bản thân mỗi người khi đến các ngân hàng gửi tiết kiệm cần đọc kỹ điều khoản trước khi ký vào các loại giấy tờ...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202312/tiet-kiem-bien-thanh-bao-hiem-eb11a2d/