Tiếp cận thông tin sớm, chủ động trong thẩm tra
Theo chia sẻ của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Võ Nhai, Thái Nguyên, cần xây dựng kế hoạch thẩm tra, phối hợp với các cơ quan chuyên môn và cơ quan soạn thảo, giúp tiếp cận được thông tin sớm, chủ động về kế hoạch, thời gian xây dựng báo cáo thẩm tra. Ban chủ động đề nghị UBND huyện và các cơ quan liên quan gửi báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết và các tài liệu liên quan bảo đảm thời gian để triển khai các hoạt động thẩm tra, có cơ sở nghiên cứu tài liệu kỹ lưỡng và thấu đáo.
Cơ sở nghiên cứu tài liệu kỹ lưỡng, thấu đáo
Với nhiệm vụ thẩm tra các báo cáo, tờ trình trên các lĩnh vực như kinh tế, ngân sách, xây dựng, giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường, chính sách dân tộc, tôn giáo, công tác thẩm tra báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Võ Nhai, Thái Nguyên bảo đảm đúng quy định của pháp luật, hiệu quả, chất lượng được nâng lên. Các báo cáo thẩm tra đã đánh giá, phân tích những mặt còn tồn tại, hạn chế, chỉ ra được nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị cụ thể, thể hiện chính kiến và có tính phản biện, làm cơ sở cho các đại biểu thảo luận, xem xét các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của huyện tại kỳ họp HĐND.
Trên cơ sở phân công của Thường trực HĐND huyện, Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện đã xây dựng kế hoạch thẩm tra, phối hợp với các cơ quan chuyên môn và cơ quan soạn thảo. Từ đó, giúp Ban tiếp cận được thông tin sớm, chủ động về kế hoạch, thời gian xây dựng báo cáo thẩm tra. Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Ban chủ động đề nghị UBND huyện và các cơ quan liên quan gửi báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết và các tài liệu liên quan bảo đảm thời gian để ban triển khai các hoạt động thẩm tra, có cơ sở nghiên cứu tài liệu kỹ lưỡng và thấu đáo.
Trưởng Ban phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, yêu cầu nghiên cứu báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết và các tài liệu liên quan. Quá trình thẩm tra, Ban nêu lên được những vấn đề bức xúc, có tính phản biện, giúp HĐND có những quyết định đúng đắn, mang tính khả thi; đi sâu phân tích những vấn đề trọng tâm để HĐND tập trung thảo luận, cân nhắc, chú trọng làm rõ những khả năng và điều kiện để triển khai thực hiện nghị quyết trong thực tiễn.
Từ kiến nghị của Ban, các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường và hoạt động chất vấn được các đại biểu tích cực tham gia và có kết quả thiết thực, góp phần giúp các đại biểu có cơ sở thảo luận, xem xét tính hợp pháp và tính khả thi của các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết tại kỳ họp.
Chủ động tham gia ngay từ đầu
Tuy nhiên, UBND huyện và đơn vị liên quan gửi tài liệu, hồ sơ một số báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết còn thiếu và chậm so với quy định nên đã ảnh hưởng nhiều đến việc nghiên cứu, tiếp cận hồ sơ của các thành viên Ban. Lĩnh vực phụ trách rộng, thành viên của Ban chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm (chỉ có Trưởng ban hoạt động chuyên trách) nên thời gian nghiên cứu tài liệu phục vụ thẩm tra chưa nhiều, khả năng phản biện, kinh nghiệm chưa nhiều đã ảnh hưởng đến tính chủ động, kịp thời trong công tác tham mưu.
Vì vậy, theo Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Võ Nhai, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và nội dung phân công thẩm tra, cần sớm xây dựng kế hoạch tổ chức thẩm tra và phân công thành viên nghiên cứu; tổ chức khảo sát nắm bắt tình hình về những nội dung liên quan đến thẩm tra. Thực hiện được nội dung này giúp Thường trực HĐND huyện, cũng như Ban chủ động tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, góp phần nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra và việc thực hiện quyết định của HĐND.
Cùng với đó, lãnh đạo ban cần tham dự đầy đủ các hội nghị của Huyện ủy, các cuộc họp của HĐND huyện để kịp thời nắm bắt thông tin, thống nhất quan điểm chỉ đạo, góp phần định hướng trong các hoạt động thẩm tra của Ban về những nội dung liên quan.
Thành phần mời dự họp thẩm tra chính thức, ngoài thành viên Ban, cần mời Thường trực HĐND huyện, lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, lãnh đạo Văn phòng HĐND và UBND huyện, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tham dự. Nội dung báo cáo thẩm tra cần nêu sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật hiện hành; gợi mở những vấn đề HĐND cần thảo luận, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để cung cấp thông tin cho đại biểu xem xét, thảo luận và đề xuất được nhiều giải pháp làm cơ sở cho HĐND huyện quyết nghị. Báo cáo thẩm tra nêu rõ ý kiến đánh giá của Ban về những vấn đề được Ban thống nhất, không thống nhất, còn ý kiến khác nhau và những kiến nghị sủa đổi, bổ sung…