Tiếng nói từ lịch sử (bài 2)

Nói chuyện với cán bộ, nhân viên cơ quan Trung ương trước khi về tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ căn dặn: 'Có thể có những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng 'đạn bọc đường' vì nó hại mình mà mình không trông thấy...'.

Nhìn lại các giai đoạn lịch sử cho thấy, để chống tham nhũng, tiêu cực, chống lại “giặc nội xâm”, nếu không đủ dũng khí để vượt qua cái tôi cá nhân thì tư tưởng bàn lùi lại trở thành lực cản lớn, có thể bào mòn cả những thành quả mà chúng ta dày công xây dựng. Lời Bác dạy trong giai đoạn hiện nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự.

Nói đến sự kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm cuối thế kỷ trước, chúng ta nhấn mạnh đến Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) Khóa VIII. Trong diễn văn khai mạc hội nghị (tháng 1/1999), với tinh thần rất cao trước Đảng và nhân dân, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã phân tích thực trạng của Đảng với rất nhiều vấn đề đặt ra. Từ hội nghị quan trọng này, Ban Chấp hành Trung ương đã có một quyết định đặc biệt là phải tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình.

Ông Phạm Thế Duyệt, khi đó là Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị từng kể rằng: “Cuộc kiểm điểm phê và tự phê bình trong Bộ Chính trị được làm rất nghiêm túc, quyết liệt, thẳng thắn tới mức dư luận bên ngoài lúc ấy đặt câu hỏi, người ta không hiểu nội bộ có việc gì. Bộ Chính trị phải kiểm điểm từ đồng chí Tổng Bí thư trở xuống”. Ông cho biết, từ các cuộc kiểm điểm này, quyết tâm chỉnh đốn Đảng lan tỏa ra toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ra toàn thể các cấp ủy. Còn ông Vũ Trọng Kim, lúc ấy là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết, khi thảo luận về đề án do Bộ Chính trị trình, Trung ương cũng có những ý kiến băn khoăn là việc nêu, phê phán các hiện tượng suy thoái trong Đảng như vậy có nặng nề quá không? Đổi mới đang thu nhiều thành tựu thế, giờ nói nhiều đến tiêu cực, tham nhũng, liệu có ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của Đảng, ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của cán bộ, đảng viên?

Kết luận Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII nêu rõ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái.

Thực tế đó cho thấy, tư tưởng lo ngại và bàn lùi đã xuất hiện và cũng có ý kiến cho rằng, với những ảnh hưởng như vậy thì liệu Trung ương có nên đặt vấn đề đẩy mạnh chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng hay chỉ tập trung phát triển kinh tế, chăm lo các lĩnh vực khác của đời sống xã hội? “Tranh luận rất nhiều nhưng cuối cùng Trung ương quyết định ra nghị quyết về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” - ông Vũ Trọng Kim kể. Quan điểm “đã tắm thì phải biết gội đầu”, “tắm không thể từ cổ xuống” được thể hiện rõ theo tinh thần nghị quyết và được Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh, coi sự kiên quyết, nghiêm minh trong xử lý vi phạm cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị là cơ sở để răn đe, cảnh tỉnh chung.

Nhìn lại tiến trình lịch sử ra đời, chiến đấu và trưởng thành cho thấy, nguyên tắc xây dựng luôn phải gắn với chỉnh đốn và việc chỉnh đốn để nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Việc lo ngại chỉnh đốn mạnh, xử lý sai phạm mạnh sẽ ảnh hưởng đến tổ chức Đảng hay cá nhân cán bộ, đảng viên, từ đó bàn lùi “nên dừng lại”, “làm vừa phải” hay “để lúc khác” cũng thường xuất hiện, trong đó các ý kiến này đưa ra những lý lẽ để làm cơ sở biện minh cho quan điểm bàn lùi. Và, ở những bối cảnh lịch sử, ở những giai đoạn cách mạng cụ thể, để thể hiện tinh thần nhất quán, tập trung, kiên quyết chống thói hư tật xấu, triển khai quyết liệt các giải pháp chỉnh đốn Đảng, loại bỏ tư tưởng bàn lùi, loại bỏ các chướng ngại, thử thách luôn gắn với vai trò, bản lĩnh, sự tiên phong của người đứng đầu Đảng ta và sự thống nhất, đoàn kết của Trung ương.

Năm 1939, Đảng tiến hành sinh hoạt “tự phê bình” sâu rộng, khắc phục hạn chế, giải quyết vấn đề về tư tưởng và tổ chức của Đảng trong phong trào Mặt trận dân chủ. Khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích”, xác định mục tiêu, phương châm: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch ra lỗi lầm của mình và tìm phương pháp sửa chữa, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không làm yếu Đảng mà làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ. Làm như thế không sợ địch nhân lợi dụng chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc”. Trái lại nếu “đóng cửa bảo nhau”, giữ cái vỏ thống nhất mà bên trong là hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đấy mới chính là để kẻ thù chửi rủa, hơn nữa đó tỏ ra không phải là một Đảng tiên phong cách mạng mà là một Đảng hoạt đầu cải lương”.

Ở đây, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã nêu rõ tính tất yếu phải kiên quyết xây dựng, chỉnh đốn, phải “tự chỉ trích”; chống tư tưởng bàn lùi bởi hậu quả nguy hại “nếu đóng cửa bảo nhau, giữ cái vỏ thống nhất mà bên trong là hổ lốn một cục”!

Sau Cách mạng Tháng Tám, trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” ngày 17/10/1945, Hồ Chủ tịch đã phê phán, cảnh báo một số căn bệnh của cán bộ nắm chức vụ, quyền hạn trong bộ máy chính quyền như cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo... Sau khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, tháng 10/1947, Bác viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Trong tác phẩm, lần đầu tiên Người dùng từ “chỉnh đốn Đảng”, trong đó Bác đặc biệt lưu ý sự nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân, được xác định “như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”.

Hơn 70 năm trước, trong điều kiện chiến tranh kham khó, vụ án Trần Dụ Châu cảnh báo sự ăn chơi sa đọa của cán bộ nếu không được tu dưỡng. Trước sự thật đau lòng này, Bác Hồ dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”. Khi làm việc với đồng chí Trần Đăng Ninh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cung cấp, xét lá đơn của tử tù, Bác chỉ cho đồng chí thấy một cây xoan đang héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây xoan sắp chết?

- Dạ, thưa Bác vì thân cây đã bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa...

- Thế theo chú muốn cứu cây ta phải làm gì?

- Dạ, thưa Bác phải bắt, giết hết những con sâu đó đi.

Bác gật đầu, nói: “Chú nói đúng, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”. Hồ Chủ tịch đã bác đơn xin tha tội chết của Trần Dụ Châu.

Vụ án Trần Dụ Châu cho thấy rằng, nếu không được rèn giũa, không được giáo dục, chỉnh đốn thì thói hư tật xấu của con người có thể nảy sinh, phát triển bất cứ lúc nào. Trong điều kiện chiến tranh gian khổ mà còn nảy sinh những kẻ sâu mọt, trác táng như vậy thì trong điều kiện đời sống vật chất, tinh thần đổi khác, con người có điều kiện sống hưởng thụ như ngày nay lại càng là môi trường để sinh sôi thói tham lam, ăn chơi sa đọa. Sau này, trong tài liệu có những dòng chữ Bác Hồ (biên bản họp Hội đồng Chính phủ tháng 11/1950) nói về vụ án Trần Dụ Châu rằng: “Chúng ta sinh ra trong một xã hội phong kiến và thực dân, một xã hội ham danh ham lợi. Danh lợi dễ làm hư người. Danh lợi là tập quán. Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách, biện pháp cải tạo cán bộ, đấy là khuyết điểm”.

Ở đây, chúng ta cần hiểu đúng để thực hiện giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn những thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên, trong đó nổi lên là thói “ham danh, ham lợi” (danh lợi) như bút tích của Bác Hồ nói về vụ án Trần Dụ Châu nêu trên. Bác chỉ rõ “danh lợi dễ làm hư người” nhưng “danh lợi là tập quán”. Căn bệnh này không phải tự nhiên sinh ra và không phải chỉ với một vài cá nhân mà có tự lâu đời. Nhưng, không phải cứ tập quán rồi bàn lùi, phó mặc hậu họa. Vì thế, Bác đã chỉ rõ nhiệm vụ của Đảng, của chính quyền: “Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách, biện pháp cải tạo cán bộ, đấy là khuyết điểm”. Bút tích của Bác tới nay đã hơn 7 thập kỷ thì ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị thời sự. Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hôm nay, bằng việc kiểm tra, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm, chúng ta thấy rõ tác hại của sự “ham danh, ham lợi” và nó vẫn là tập quán bám sâu trong bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân. Cải tạo, chỉnh đốn thói xấu đó luôn cần những chính sách, biện pháp và con người thực hiện, đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì.

Thực tế lịch sử đó cho thấy, không phải như một số dư luận lo ngại rằng, nếu chỉ lo chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí mà ngược lại, chính làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy ưu điểm, chống thoái hóa biến chất đã thúc đẩy các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại phát triển. “Có ý kiến cho rằng phải làm cẩn thận kẻo nhụt chí không ai muốn làm, rõ ràng tư tưởng đó sai. Tôi đã nói, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm. Đây là kinh nghiệm lớn, thực tế vừa qua như vậy, mặt được là như vậy, bây giờ tạo phong trào toàn dân tham gia xây dựng Đảng, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống tiêu cực” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

(Còn nữa)

Đăng Trường

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/tieng-noi-tu-lich-su-bai-2--i696364/