Tiếng ai gọi từ tên đất, tên buôn

Những cung đường dẫn đến các buôn làng Tây Nguyên bao giờ cũng có một hấp lực đặc biệt đối với tôi. Cảm xúc đó có thể bắt nguồn từ những trảng dã quỳ rực vàng điểm trên những cánh rừng thông bạt ngàn tít tắp, có thể bắt nguồn từ những triền cỏ hồng miên man trong nắng ban mai. Nhưng có lẽ sự thôi thúc đó đã được khởi nguyên từ sự linh thiêng, huyền bí của đại ngàn, từ những tiếng thì thầm, da diết của lớp lớp bậc tiền nhân như lời đồng vọng về tên đất, tên buôn, về cơ man nào những điều mơ hồ của xứ cao nguyên miền thượng…

Ding Val ngày xưa - Đinh Văn (Lâm Hà) hôm nay

Ding Val ngày xưa - Đinh Văn (Lâm Hà) hôm nay

Vào một ngày đầu mùa khô năm 2021, tôi cùng hai nhà báo Uông Thái Biểu và Mai Văn Bảo trở lại Đưng K’Nơh. Đây là một xã cực bắc của huyện Lạc Dương và của tỉnh Lâm Đồng. Đứng giữa trung tâm vùng đất này tôi có cảm giác chơi vơi và mông lung bởi những ngôi nhà chênh vênh bên sườn dốc, bởi màu xanh thẫm mênh mang của rừng già. Gần hai thập niên trước, khi chưa có tuyến đường Trường Sơn Đông, đồng bào Cil tụ cư nơi đây cách biệt với thế giới bên ngoài bởi rừng nhưng họ biết dựa vào rừng, hòa hợp với rừng và biết cúi đầu trước sự linh thiêng, huyền bí của rừng. Bà con không ai biết tổ tiên của họ có mặt tại Đưng K’Nơh từ khi nào nhưng ai cũng có thể hào hứng kể về tên buôn, tên xứ của mình. Có người cho rằng, Đưng K’Nơh có nghĩa là con dốc cạnh bãi bằng trên cao. Có người lại nói ông bà xưa đặt tên buôn là Đưng Kơnrơh tức là bãi bằng linh thiêng, huyền thoại.

Suối Liêng Lơhìr chảy về đâu? Bà K’Mai không biết, nhiều đứa trẻ cũng không biết. Rơ Ông Ha Tin, một cựu sinh viên Đại học Tây Nguyên nói một cách hình ảnh: Mỗi giọt nước ở đây đều nhập vào sông Krông Nô để rồi nó chảy về trường giang Mê Kông. Điều này thôi thúc chúng tôi ngay lập tức theo đường Trường Sơn Đông với gần 30 km để đến tận bờ sông Krông Nô. Tôi biết con sông này bắt nguồn từ xứ Klong Klăn (con trăn dưới vũng nước) nơi tiếp giáp ba tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa và Đắk Lắk. Nó đã oằn mình qua bao nhiêu ghềnh thác, núi cao, vực thẳm để bây giờ hiện ra trước mắt chúng tôi tại buôn Đạ Long cũ. Đến đây con sông trở nên hiền hòa, lững lờ trôi giữa rừng già thơ mộng. Cả không gian yên ắng. Bỗng chúng tôi phát hiện ra một con chim to lớn đang sải cánh qua sông Krông Nô hướng về đỉnh núi Chư Yang Sin bên phía Đắk Lắk. Anh chàng người Cil dẫn đường cho chúng tôi giải thích đó là con đại bàng, một loại chim quý hiếm còn sót lại của núi rừng Tây Nguyên. Uông Thái Biểu bạn tôi bất chợt cất lên tiếng hát cao vút và truyền cảm: “Anh gọi núi, núi không trả lời/ Anh gọi suối, suối vẫn dịu dàng/ Anh gọi gió, gió vẫn bay đi/ Anh gọi em, em có nghe không?...”. Còn tôi, tôi muốn kêu lên thật to, thật vang: Ơi Yàng Ndu, ơi Yàng Mắt Tơngai, ơi Nữ thần Mặt trời, ơi Yàng Brê, Yàng Bơnơm, xin hãy gửi linh hồn và sức sống Tây Nguyên vào dòng chảy Mê Kông cho đến muôn đời!...

Trở về trong buổi chiều muộn, nghe tiếng chuông nhà thờ chậm buông trong không gian trầm mặc bỗng thèm một điệu chiêng Wă rò năc hay Pep rơjun vang lên trong đêm Đưng K’Nơh.

Rời mảnh đất này, tôi ước gì trong tương lai gần, đây sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách muôn phương. Cung đường Đà Lạt - Đưng K’Nơh gần 60 km uốn lượn giữa những cánh rừng già của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà sẽ dẫn họ tới Ngã ba Đưng K’Nơh - Đạ Long (Đam Rông) để tắm suối nước nóng rồi vượt qua dòng Krông Nô để tới khu du lịch hồ Lắk trước khi thăm thành phố Buôn Ma Thuột; đường Trường Sơn Đông từ Đưng K’Nơh qua Krông Bông đi M’Đrăk dẫn đến xứ sở của người Ba Na ở Krông Pa, Ayun Pa và Kbang quê hương của anh hùng Núp…

* * *

Ngày hôm sau, với sự trợ giúp của các chàng trai Đưng K’Nơh, chúng tôi đã vượt 30 km đường rừng để đến Đạ Long, Đạ Tông và Đạ M’Rông của huyện Đam Rông. Khu vực này ngăn cách cao nguyên Lang Biang bởi dãy núi Bơnơm Lơmbur (cao gần 2.000 m) hay còn được gọi là núi trơn trượt bởi ngày xưa bà con hai bên qua lại bằng con đường mòn trên núi rất trơn trượt vào mùa mưa. Đây là nơi tụ cư của một nhóm ít người Mơ Nông từ trước năm 1945. Khoảng từ năm 1946 đến năm 1948, một số đông người Mơ Nông chạy giặc Pháp từ Đắk Lắk vượt sông Krông Nô đến định cư ở thung lũng Dăm Roòng (người Kinh phát âm là Đăm Ròn hoặc Đăm Ròng). Sau năm 1960, nhiều người Cil từ đầu nguồn sông Đạ Đờng, sông Đạ Nhim, sông Krông Nô tụ về đó để định cư cho đến ngày nay. Chính vì vậy, tại Đam Rông có sự hợp hôn và giao thoa văn hóa Mơ Nông và văn hóa Cơ Ho Cil.

Đến Đam Rông bao giờ tôi cũng liên tưởng đến sử thi Đam San của người Ê Đê. Trong từ vựng tiếng Mơ Nông và nhiều dân tộc khác, Dăm (đọc thành đăm hoặc đam) để chỉ chàng trai khỏe mạnh, cường tráng, giàu có và quyền quý. Roòng trong tiếng Mơ Nông, Cơ Ho, Mạ có nghĩa là nuôi, chăm sóc. Vậy từ Dăm Roòng được hiểu là chàng trai nuôi. Theo lời kể của người già tại vùng Dăm Roòng, thủa xưa, dân ở vùng này đói khổ lắm đã được một chàng trai thuộc tầng lớp Dăm cưu mang, cho cơm ăn, áo mặc. Để ghi nhớ công ơn của chàng trai, người Mơ Nông ở xứ này đã đặt tên cho buôn mình là Dăm Roòng. Tên huyện Đam Rông có thể là do sự biến âm từ Dăm Roòng mà ra nhưng từ Đam Rông không còn mang nét nghĩa ghi nhớ công ơn của người Mơ Nông xưa nữa. Tuy nhiên, trong tâm thức dân gian Mơ Nông, Cơ Ho Cil, vùng Dăm Roòng bên dòng Krông Nô vẫn mãi là địa danh thân thương và tự hào của họ…

Trẻ em người Cil ở Đưng K’Nơh (Lạc Dương) vẫn nghe ông bà kể tên quê mình ngày xưa là Đưng Kơnrơh

Trẻ em người Cil ở Đưng K’Nơh (Lạc Dương) vẫn nghe ông bà kể tên quê mình ngày xưa là Đưng Kơnrơh

Trong chuyến đi này, chúng tôi cũng đã đến Đinh Văn (Lâm Hà). Đây là địa bàn sinh sống lâu đời của đồng bào Cơ Ho Cil với các buôn: Bô Liêng, Sdiêng Nách, Rơdông Srê, Brong Rết. Cư dân các buôn này phần lớn là bà con, họ hàng với nhau nên sự kết tụ cộng đồng khá thân thiết. Cả khu vực mấy buôn trên được người Cil đặt tên là Ding Val. Tên gọi này không biết có từ khi nào và được bà con giải nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Trong tiếng Cil, ding là ống, cái ống (tre), val là cùng, chung. Một số cụ già ở buôn Brong Rết cho biết, ngày xưa các buôn vùng Ding Val đều tổ chức chung các lễ hội, họ dùng các ống tre để chế tác ra một loại đàn được gọi là ding gle hoặc ding kliă để tấu các bản nhạc cầu thần và cho các bài hát dân ca của dân tộc mình. Từ đó họ cho rằng Ding Val là cùng nghe chung âm thanh ống tre trong mùa lễ hội.

Tuy nhiên, người già ở buôn Rơdông Srê lại cho rằng từ Ding Val là để chỉ người Cil khu vực này đều là bà con, họ hàng như cùng một ống tre, cùng một cây tre. Cũng ở buôn này, có người cho rằng địa danh Đinh Văn xuất phát tên gọi Ding băng (dùng ống tre làm dụng cụ chắn qua suối hoặc lạch nước đẻ bắt cá như người Việt dùng cái đó).

Như vậy, Đinh Văn có thể là sự Việt hóa của từ Ding Val trong tiếng Cil. Đinh Văn đã trở thành địa danh hành chính của huyện Lâm Hà nhưng đồng bào dân tộc bản địa tại đây vẫn gọi là Ding Val bởi âm thanh địa danh cổ truyền này đã hằn sâu trong khát vọng và lối sống của họ.

Quay về Nam Ban bên dòng Cam Ly thượng đúng vào dịp cuối năm, chúng tôi lại nhớ đôi câu đối của thầy giáo quá cố Đoàn Đức Huyến: “Tết đến chợt nhớ cánh đào hồng đất Bắc/ Xuân về vui treo nhành lan biếc trời Nam”. Đây là nỗi nhớ quê hương xứ sở của những người con đất Bắc. Nửa thế kỷ rồi, những tên xã, tên làng mang theo chuyến di dân vẫn không đổi nhưng họ vẫn canh cánh: Ai đã đặt tên cho vùng đất rộng lớn này là Nam Ban? Những người Hà Nội có mặt sớm nhất tại đây cho biết, khi họ đến, cái tên này đã có rồi. Gần đây, ông Ha Hiệp ở buôn Hang Hớt (xã Mê Linh) cho biết, quê cũ của ông là buôn Nhar Mbar, gần khu vực Bệnh viện Nam Ban bây giờ. Khi đó (khoảng năm 1968), các anh bộ đội Giải phóng quân cứ đọc Nhar Mbar thành Nam Ban như bây giờ. Trong tiếng Cil, Nhar Mbar là lá cơm nếp, buôn lá cơm nếp. Tên buôn từ ngày xưa vẫn sống trọn vẹn trong ký ức của những người con của núi rừng…

Trở về Đà Lạt sau chuyến hành trình, chúng tôi mang theo cả dáng điệu lam lũ của đồng bào Tây Nguyên, mang theo cả triết lý không lời: Sống dựa vào rừng, hòa hợp với rừng và tôn thờ sự huyền bí của rừng. Cho đến tận khi viết những dòng chữ này, tôi vẫn ám ảnh và day dứt khôn nguôi bởi những lời nhắn gửi có khi thì thầm, có khi thành tiếng gọi tha thiết từ tên đất, tên buôn của các bậc tiền nhân người Thượng.

ĐẶNG TRỌNG HỘ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/bao-xuan-2022/202202/tieng-ai-goi-tu-ten-dat-ten-buon-3101718/