Tiến trình hòa bình tại Afghanistan bị đe dọa
Theo CNN, ngày 13-5, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã ra lệnh cho quân đội chuyển sang 'trạng thái tấn công' thay cho chính sách phòng vệ hiện nay. Trong khi đó, lực lượng Taliban cũng tuyên bố sẵn sàng phản công.
Bạo lực leo thang
Tuyên bố trên của Tổng thống Ghani được đưa ra sau 2 vụ tấn công xảy ra tại khu vực Kabul và miền Đông Afghanistan nhằm vào một bệnh viện phụ sản và một lễ tang khiến hàng chục người thương vong. Chính phủ Afghanistan cho rằng, thủ phạm là lực lượng Taliban và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành. Tuy nhiên, lực lượng Taliban đã bác bỏ dính líu đến các vụ tấn công.
Tổng thống Ghani khẳng định, để đảm bảo an ninh cho những địa điểm công cộng và các mối đe dọa từ Taliban cùng các nhóm khủng bố khác, lực lượng an ninh Afghanistan bắt đầu chiến dịch chống lại kẻ thù. Hành động mở lại chiến dịch tấn công nhằm vào lực lượng Taliban vốn là điều mà phía Chính phủ Mỹ không mong muốn do lo ngại thỏa thuận Washington đạt được với Taliban hồi tháng 2 bị sụp đổ.
Lo ngại những diễn biến mới nhất có thể ảnh hưởng đến kế hoạch rút chân ra khỏi chiến trường Afghanistan hao tiền tốn của nhiều năm qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngay lập tức trấn an và xoa dịu căng thẳng. Ông Mike Pompeo đã kêu gọi Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban hợp tác. Dù khẳng định những vụ tấn công trên là “kinh hoàng”, nhưng Ngoại trưởng Mike Pompeo lưu ý Taliban đã bác bỏ trách nhiệm liên quan và việc giảm bạo lực chưa được duy trì và không đạt được những tiến triển đáng kể hướng tới một giải pháp đàm phán chính trị. Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách đối ngoại Josep Borrell cũng lên án cuộc tấn công và kêu gọi bắt hung thủ ra trước pháp luật, đồng thời duy trì thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại Afghanistan.
Tình hình thực tế diễn ra trong thời gian gần đây ở Afghanistan cho thấy bạo lực vẫn đang gia tăng sau khi Mỹ và Taliban ký thỏa thuận về việc lực lượng nước ngoài do Mỹ đứng đầu rút khỏi Afghanistan, đổi lấy việc bảo đảm an ninh từ Taliban. Báo cáo gần đây của Phái bộ hỗ trợ của Liên hiệp quốc tại Afghanistan (UNAMA) cho biết, các cuộc xung đột diễn ra trong 3 tháng đầu năm nay tại Afghanistan đã khiến gần 1.300 dân thường thương vong, trong đó có 152 trẻ em và 60 phụ nữ. Số dân thường thiệt mạng tăng 20% so với 3 tháng đầu năm 2019.
Nguy cơ thỏa thuận sụp đổ
Thỏa thuận trên bao gồm cam kết của lực lượng Taliban và Chính phủ Afghanistan hướng đến một nền hòa bình tại quốc gia Nam Á này. Việc trao đổi tù nhân này sẽ mở đường cho các cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban. Tuy nhiên, Chính phủ Afghanistan lại không tham gia đàm phán thỏa thuận trên. Những điều kiện gần như tiên quyết của Taliban đều được Mỹ đáp ứng trong khi những nhượng bộ của Taliban đều chỉ là cam kết chung chung. Hòa ước này không bao hàm những cơ chế hay chế tài để đảm bảo tính khả thi mà chỉ có những chốt khóa khác nhau là nếu bên này không thực hiện cam kết này thì phía bên kia sẽ không thực thi cam kết nọ. Trong hòa ước cũng không đề cập cụ thể tới chính quyền hiện tại ở Afghanistan. Còn Taliban từ một chính thể bị Mỹ lật đổ trở thành đối tác đối thoại với Mỹ và được Mỹ xác nhận là tác nhân quyền lực không thể bỏ qua trong bất cứ kịch bản nào cho tương lai của Afghanistan.
Căng thẳng leo thang tại Afghanistan diễn ra trong bối cảnh quân đội Mỹ vẫn tiếp tục kế hoạch rút quân khỏi nước này. Dự kiến, Mỹ sẽ rút lực lượng xuống còn khoảng 8.600 quân vào giữa tháng 7, giảm khoảng 4.000 quân kể từ khi thỏa thuận được ký kết. Giới quan sát tại chỗ lo ngại những diễn biến mới này đe dọa tiến trình hòa bình vốn mong manh tại Afghanistan, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang vật lộn với đại dịch Covid-19. Bạo lực leo thang cho thấy Afghanistan vẫn đối mặt với nhiều thách thức trên con đường hướng tới một nền hòa bình lâu dài ngay cả sau khi Mỹ và Taliban đạt được thỏa thuận hòa bình.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tien-trinh-hoa-binh-tai-afghanistan-bi-de-doa-662184.html