Tiền mặt - Kế toán - Tín dụng: 3 trở ngại đối với các DNVVN Việt Nam

Mặc dù tại Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp và đóng góp tới 50% lực lượng lao động nhưng nhóm này lại đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn lực và công cụ cần thiết để tăng trưởng và chưa có một giải pháp chung.

Dựa trên kinh nghiệm làm việc với các DNVVN, Mastercard nhận thấy, 3 trở ngại chính đối với nhiều DN nhỏ tại Việt Nam bao gồm: sự lệ thuộc quá mức vào tiền mặt; việc ghi chép sổ sách kế toán thiếu hiệu quả, không rõ ràng; và khả năng tiếp cận tín dụng còn thấp. Những trở ngại này không riêng biệt mà chồng chéo, khiến các DN rơi vào vòng tròn luẩn quẩn. Với những biến động chưa từng có do COVID-19 gây ra, nhiều DNVVN hiện đang ở điểm ngoặt, đòi hỏi chuyển đổi kỹ thuật số để tồn tại.

Winnie Wong - Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào

Chuyển đổi kỹ thuật số có thể mang lại những lợi ích to lớn, giúp các nhà DN, cũng như nền kinh tế nói chung phục hồi và phát triển.

Sự phụ thuộc vào tiền mặt

Mặc dù Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc trong quá trình số hóa nền kinh tế, hầu hết các DN nhỏ vẫn vận hành chủ yếu bằng tiền mặt, và phải dành phần lớn thời gian cho những việc thủ công như duy trì dòng tiền hay đảm bảo hoạt động kinh doanh nói chung. Vận hành DN dựa trên tiền mặt cũng đòi hỏi thêm nhân sự và có thể làm chậm dòng khách hàng.

Để thúc đẩy quản lý dòng tiền tốt hơn, các DNVVN có thể ứng dụng thanh toán kỹ thuật số thông qua các thiết bị đầu cuối dành cho thẻ truyền thống, hoặc chuyển đổi điện thoại thông minh thành thiết bị chấp nhận thanh toán với chi phí thấp. Điều này mang lại 2 lợi ích: giúp hợp lý hóa việc quản lý dòng tiền và cải thiện hiệu quả kinh doanh; đồng thời giảm thiểu tiếp xúc giữa nhân viên và khách hàng.

Quy trình kế toán lạc hậu và hệ thống sổ sách lỗi thời

Sự phụ thuộc vào tiền mặt cũng khiến các DNVVN tốn nhiều công sức quản lý tài chính trên các phần mềm bảng tính cơ bản, hay sổ sách ghi chép lỗi thời. Việc này đã trở nên dễ dàng hơn trong những năm gần đây với sự xuất hiện của các công cụ kế toán đơn giản mà hiệu quả. Tuy nhiên, “khoảng cách kỹ thuật số” không thể kiểm soát và hiện hữu trong hệ sinh thái thanh toán đang ngăn cản các DNVVN tiếp cận các phần mềm kế toán tiên tiến hay các ứng dụng tiếp thị kỹ thuật số.

Thay vì duy trì sổ sách kế toán trong bảng tính, sẽ tiện lợi hơn cho các DNVVN khi sử dụng công cụ kế toán dựa trên điện toán đám mây để duy trì sổ sách một cách chuyên nghiệp, đồng thời gia tăng mức độ tin cậy đối với các tổ chức tài chính đánh giá dòng tiền để đưa ra quyết định cấp tín dụng.

Thiếu khả năng tiếp cận tín dụng

Nhiều DNVVN Việt Nam bị ảnh hưởng bởi vòng tròn luẩn quẩn: thiếu năng lực tài chính hoặc tài sản đảm bảo để đăng ký hạn mức tín dụng, kéo theo việc không thể xếp hạng tín nhiệm hoặc bị xếp hạng thấp. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á, các DNVVN Việt Nam cho rằng khả năng tiếp cận tài chính là trở ngại lớn nhất để tăng trưởng. Những rào cản này là trở ngại lớn đối với sự thịnh vượng của nền kinh tế nói chung, đặc biệt là ở một quốc gia nơi các DNVVN chiếm đại đa số như Việt Nam.

Xét trên nhiều góc độ, khó tiếp cận tín dụng là hệ quả của cả 2 yếu tố: sự phụ thuộc vào tiền mặt và sổ sách kế toán lạc hậu. Nhiều DNVVN cùng gặp “hội chứng tệp mỏng”, việc thiếu thông tin dữ liệu giao dịch - một phần quan trọng của quá trình đánh giá tín dụng chủ yếu do giao dịch bằng tiền mặt gây ra. Ngoài ra, việc lưu trữ số liệu kế toán thiếu chặt chẽ khiến các DNVVN không đạt được tiêu chuẩn chứng minh cần thiết để tiếp cận tín dụng, không đáp ứng được hệ thống và quy trình đánh giá các khoản vay rất rõ ràng của các tổ chức tài chính. Hệ quả là, hầu hết khoản vay chỉ được thông qua cho các DN lớn.

Đây chính là thời điểm các DN cần phải suy nghĩ về cách thức phát triển của mình. Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã hối thúc nhiều DN chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động sang hình thức trực tuyến, kéo theo cơ hội số hóa hoạt động thanh toán và thủ tục hành chính. Động thái này cho phép cải thiện dòng tiền, hiệu quả kinh doanh và tính minh bạch tổng thể, đồng thời đơn giản hóa việc tiếp cận tín dụng của các DN nhỏ.

Mặc dù nhiều DN vẫn còn do dự khi vay vốn giữa bối cảnh bất ổn hiện tại, những khoản vay này có thể thúc đẩy các DN thay đổi để phát triển, thậm chí là bứt phá khi đối mặt với những thách thức hiện tại và tương lai, như mở cửa hàng trực tuyến hay nâng cấp cơ sở hạ tầng thanh toán. Cần thận trọng về khả năng hoàn trả các khoản vay trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên thực tế cũng cho thấy các phương pháp tiếp cận kỹ thuật số mới có thể mở ra một hệ thống đánh giá & cấp tín dụng hoàn toàn mới, hiệu quả hơn, đem lại những tác động tích cực, sâu rộng đến các DN và tổ chức tài chính trên cả nước.

Việc đạt được những tiến bộ cần thiết để thành công, trong cả trạng thái bình thường hay thời điểm chưa từng có như hiện nay, đòi hỏi tầm nhìn xa, sự đổi mới cùng “cái bắt tay” giữa các bên liên quan. Đó là lý do vì sao Mastercard đã và đang tăng cường hợp tác với nhiều đối tác để đáp ứng tốt nhất các nhu cầu hiện tại của các DNVVN. Bất chấp đại dịch buộc nhiều người trong chúng ta phải xa nhau về khoảng cách, song mong muốn duy trì kết nối vẫn rất lớn, và đây chính là động lực cho phép chúng ta vươn tới một xã hội kỹ thuật số mạnh mẽ hơn, đổi mới hơn và toàn diện hơn.

Winnie Wong - Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tien-mat-ke-toan-tin-dung-3-tro-ngai-doi-voi-cac-dnvvn-viet-nam-144753.html