Tiền Giang: Các sở, ngành và địa phương khẩn trương lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030

Sáng 2-8, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Tiền Giang, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh theo Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 8-12-2023 của HĐND tỉnh hơn 4.973 tỷ đồng (cấp tỉnh hơn 3.770 tỷ đồng, cấp huyện hơn 1.203 tỷ đồng).

Cụ thể, vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách địa phương hơn 3.573 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 1.400 tỷ đồng.

Đồng chí Trần Văn Dũng phát biểu kết luận hội nghị.

Đồng chí Trần Văn Dũng phát biểu kết luận hội nghị.

Ngay sau khi được HĐND tỉnh thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 cho các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện đạt 100%. Trong đó, đã bố trí vốn cho 403 công trình cấp tỉnh quản lý gồm: 281 công trình chuyển tiếp, 105 công trình khởi công mới, 17 công trình thanh quyết toán thuộc các ngành, lĩnh vực.

Tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh theo Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 19-7-2024 của HĐND tỉnh hơn 6.795 tỷ đồng, tăng hơn 1.821 tỷ đồng so với Nghị quyết số 40/NQ-HĐND.

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Đình Thông báo cáo tình hình thực hiện đầu tư công trong những tháng đầu năm.

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Đình Thông báo cáo tình hình thực hiện đầu tư công trong những tháng đầu năm.

Ngày 22-7-2024, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 (điều chỉnh) với tổng số vốn hơn 6.795 tỷ đồng, đạt 100%.

Tổng giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công 7 tháng đầu năm 2024 hơn 2.732 tỷ đồng, đạt 54,9% kế hoạch gồm: Cấp tỉnh hơn 2.204 tỷ đồng, đạt 58,5%; cấp huyện hơn 528 tỷ đồng, đạt 50,4%.

Lãnh đạo các sở, ngành phát biểu ý kiến.

Lãnh đạo các sở, ngành phát biểu ý kiến.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, nhiều sở, ban, ngành tỉnh và địa phương đã chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, có 10/33 sở, ban, ngành tỉnh và 3/11 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của tỉnh là 54,9%. Vốn ngân sách Trung ương giải ngân tốt về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ cao hơn so với cùng kỳ.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Văn Bon phát biểu tại hội nghị.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Văn Bon phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, vốn ngân sách địa phương giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ; trong đó, nguồn vốn phân cấp, bổ sung có mục tiêu về cấp huyện chỉ đạt 42,6%.

Cũng theo Sở KH&ĐT, tổng số dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025 của Tiền Giang hơn 6.339 tỷ đồng, tăng 27,5% so với kế hoạch đầu tư công năm 2024 đầu năm đã được Chính phủ giao.

Các địa phương báo cáo tình hình thực hiện đầu tư công trong những tháng đầu năm.

Các địa phương báo cáo tình hình thực hiện đầu tư công trong những tháng đầu năm.

Cụ thể, vốn trong cân đối ngân sách địa phương hơn 4.078 tỷ đồng; vốn đầu tư ngân sách Trung ương trên 2.261 tỷ đồng.

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đã báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư trong những tháng đầu năm; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Đồng thời, thông tin về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm.

Các địa phương báo cáo tình hình thực hiện đầu tư công trong những tháng đầu năm.

Các địa phương báo cáo tình hình thực hiện đầu tư công trong những tháng đầu năm.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Văn Dũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương phối hợp tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành văn bản liên quan đến các luật mới có hiệu lực quy định thuộc thẩm quyền của tỉnh.

Đồng thời, rà soát lại những nội dung nào không còn phù hợp với luật mới có hiệu lực để làm thủ tục xóa bỏ ngay; tham mưu phân cấp, phân quyền.

Đối với các chủ đầu tư, tư vấn đều phải có chương trình tập huấn về công tác đầu tư, pháp luật; cán bộ, nhân viên phải tự học, nghiên cứu.

Sở KH&ĐT phải hướng dẫn các chủ đầu tư để thực hiện các cơ chế theo logic. Về công tác chuẩn bị đầu tư, ngay từ đầu phải chuẩn bị kế hoạch. Các sở, ngành và địa phương khẩn trương lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030 và kế hoạch năm 2025.

Các đơn vị tư vấn báo cáo tại hội nghị.

Các đơn vị tư vấn báo cáo tại hội nghị.

Các đơn vị cần xác định nguồn lực để đầu tư. Sở KH&ĐT và các địa phương nghiên cứu rút ngắn thời gian thẩm định dự án.

Đối với công tác đầu thầu, trong hồ sơ mời thầu, các chủ đầu tư phải đảm bảo công bằng, cạnh tranh, công khai, minh bạch. Đồng thời, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thi công. Sở KH&ĐT tiếp tục điều chuyển, bổ sung vốn từ nay tới cuối năm.

Công tác thanh quyết toán không tập trung ở thời điểm cuối năm; chủ đầu tư nhắc nhở các nhà thầu hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán khi có khối lượng.

M. THÀNH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202408/tien-giang-cac-so-nganh-va-dia-phuong-khan-truong-lap-ke-hoach-dau-tu-cong-trung-han-giai-doan-2026-2030-1017230/