Tiếc nuối oanh tạc cơ siêu thanh M-50 Myasishchev đặc biệt của Liên Xô

Máy bay ném bom siêu thanh M-50 Myasishchev từng được đánh giá là bản thiết kế mang tính cách mạng của Liên Xô, nhưng vì sao nó lại 'chết yểu'?

Ngày 27/10/1959, nguyên mẫu của máy bay ném bom siêu thanh M-50 Myasishchev được thiết kế để mang tên lửa lần đầu tiên cất cánh, nó mang trong mình rất nhiều hy vọng của các công trình sư cũng như lãnh đạo Liên Xô.

Chiếc máy bay mang tính cách mạng này được thiết kế để xuyên thủng hệ thống phòng không đối phương ở độ cao lớn với tốc độ Mach 2, nhưng đáng tiếc là ngành công nghiệp Liên Xô không thể nhận ra tất cả những gì mà các nhà thiết kế đã nghĩ đến.

Trong suốt quá trình hoạt động của mình, chiếc M-50 chỉ hoàn thành được 19 chuyến bay trong số 35 đã được lên kế hoạch, chủ yếu là do động cơ yếu, khiến việc vượt qua rào cản âm thanh không thành công.

Chiếc M-50 đã tham gia cuộc duyệt binh trên không qua Tushino và đi đến "bãi đáp vĩnh cửu" của lực lượng Không quân - Bảo tàng ở Monino, nơi nó chia sẻ với người hàng xóm T-4 danh hiệu những mẫu trưng bày quan trọng nhất.

Quay lại lịch sử, vào giữa những năm 1950, các đối thủ tiềm tàng của Liên Xô đã sử dụng những hệ thống tên lửa phòng không và máy bay chiến đấu với khả năng hoạt động ở độ cao lên tới 20 km.

Do đó chiến thuật cũ là đưa bom nguyên tử đến khu vực phía trên vùng bao phủ của phòng không đã trở nên kém hiệu quả. Vì máy bay không hoạt động ở độ cao hơn nữa, nó cần phải nhanh hơn - nhận định trên đã được quyết định tại phòng thiết kế Myasishchev.

Công việc nghiên cứu chế tạo đối với chiếc Myasishchev M-50 bắt đầu vào năm 1956. Các công trình sư thiết kế một phương tiện tác chiến mới hoàn toàn, họ nhận yêu cầu cho ra đời chiếc oanh tạc cơ mang tên lửa, và sau đó thành một máy bay ném bom riêng biệt.

Chiếc máy bay dài 58 mét sẽ được điều khiển bởi phi hành đoàn hai người, gồm một phi công và một hoa tiêu, trong buồng lái song song. Theo đó, cần phải tự động hóa rất nhiều quy trình, trong đó chủ yếu là: thí điểm, dẫn đường và ném bom.

Tổng cộng 410 hạng mục thiết bị mới đã được đưa vào thiết kế của máy bay, 242 trong số đó là thử nghiệm. Để cải thiện chất lượng khí động học của cánh, bộ phận đáp không có thiết kế tối ưu cho lắm, đòi hỏi kỹ năng cao của phi hành đoàn khi hạ cánh.

Hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cỗ máy nặng 238 tấn khỏi mặt đất, càng đáp trước được thiết kế đặc biệt khiến chiếc mũi máy bay ngẩng lên khá cao. Và để giảm quãng đường khi hạ cánh, M-50 được bổ sung một phanh trượt ở đuôi.

Vấn đề lớn nhất đối với chiếc M-50 là "trái tim". Nhà máy Kazan đã giành chiến thắng trong cuộc thi chế tạo loại động cơ phản lực mạnh nhất thế giới cho M-50, nhưng họ lại không có thời gian để hoàn thiện.

Điều này dẫn tới thực tế là các động cơ VD-7 yếu hơn được lắp đặt để thử nghiệm trên máy bay ném bom. Trên các giá treo dưới cánh, một phiên bản động cơ không có bộ đốt sau đã hiện diện, điều này khiến tốc độ không được như kỳ vọng.

Với động cơ này, máy bay chỉ có thể thực hiệncác thử nghiệm đơn giản như cất cánh, đạt độ cao 5 km và tốc độ 1090 km/h mà không phá vỡ rào cản âm thanh. Xét rằng chiếc máy bay được cho là sẽ chiến đấu với tốc độ Mach 2, kết quả rõ ràng là không đủ.

Thực tế trên cùng với sự phát triển của công nghệ tên lửa đạn đạo khiến Tổng bí thư Nikita Khrushchev đưa ra lệnh hạn chế các cuộc thử nghiệm đối với máy bay ném bom Myasishchev M-50.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiec-nuoi-oanh-tac-co-sieu-thanh-m-50-myasishchev-dac-biet-cua-lien-xo-post521342.antd