Tiếc đứt ruột 'sát thủ tàu sân bay' Nga chuẩn bị rã sắt vụn

Những tuần dương hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Kirov, biểu tượng sức mạnh một thời của Hải quân Liên Xô từng mang danh 'sát thủ tàu sân bay'.

Mới đây, một số cư dân mạng Nga đã chụp được bức ảnh cho thấy tàu tuần dương “Đô đốc Lazarev”, đang được kéo về Nhà máy đóng tàu Số 30 của Nga vào tháng 5 năm nay, để bắt đầu công việc tháo dỡ làm sắt vụn.

Hầu hết cấu trúc thượng tầng của con tàu đã bị tháo dỡ, sonar, thiết bị điện tử và vũ khí pháo binh cũng bị tháo dỡ, chỉ còn lại thân tàu và ống phóng tên lửa thẳng đứng, vì vậy Đô đốc Lazarev cũng trở con tàu lớp Kirov đầu tiên bị tháo dỡ.

Tàu tuần dương lớp Kirov (Đề án 1144) là tàu tuần dương chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên và duy nhất của Hải quân Liên Xô. Yêu cầu nghiên cứu và phát triển của lớp tàu này bắt đầu từ những năm 1960.

Vào thời điểm đó, bị kích thích bởi các tàu chiến chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Mỹ và yêu cầu triển khai toàn cầu của Hải quân Liên Xô; lãnh đạo Liên Xô đã ra lệnh thiết kế một tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường, chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Năm 1977, chiếc tàu tuần dương đầu tiên của Đề án 1144 ra đời mang tên Kirov được hạ thủy (và các tàu của Đề án này được gọi là lớp Kirov).

Vào thời điểm đó, tàu Kirov vẫn có thể nhìn thấy dấu vết bóng dáng của tàu tuần dương chống ngầm ở bên ngoài, khi tàu được lắp bệ phóng tên lửa chống ngầm RPK5 kép (SS-N-14) trên boong trước của tàu.

Mặc dù các tàu tuần dương lớp Kirov vào thời điểm đó có hỏa lực chống ngầm 4 lớp rất uy lực (từ trực thăng đến tên lửa, ngư lôi và rocket chống ngầm); nhưng lợi thế về khả năng chống ngầm rõ ràng bị lu mờ bởi hỏa lực chống hạm cực mạnh, với 20 tên lửa hành trình chống hạm mới nhất P-700 Granit.

Do đó, theo nhận thức chủ quan của mọi người, tàu tuần dương lớp Kirov, cũng thường được gọi là “sát thủ hàng không mẫu hạm” và đủ sức đương đầu với cả biên đội tàu sân bay Mỹ.

Vào tháng 7/1978, việc đóng chiếc tàu thứ hai lớp Kirov mang tên Frunze (chính là chiếc Đô đốc Lazarev hiện nay) được đặt ky. Trước khi bắt đầu đóng tàu Đô đốc Lazarev, các kỹ sư Liên Xô cũng đã điều chỉnh các chi tiết vũ khí của tàu Đô đốc Lazarev, theo ý tưởng là phòng không hạm đội.

Mặc dù những tàu chiến của Liên Xô trước kia thiên về chức năng chống ngầm; nhưng vào cuối thập niên 1970, ít có khả năng các tàu ngầm Mỹ áp sát lãnh thổ Liên Xô để phóng tên lửa hạt nhân.

Nhưng Hải quân Mỹ lúc này với sự vượt trội về công nghệ, các tàu mặt nước và đội hình tàu sân bay của Mỹ mang tên lửa hành trình Tomahawk, đã trở thành mối đe dọa lớn đối với Hải quân Liên Xô.

Trong tình hình như vậy, tính năng chống ngầm trong thiết kế ban đầu của lớp Kirov có vẻ “hơi thừa”; ngược lại, do giá trị kỹ chiến thuật rất lớn của tàu tuần dương chạy bằng năng lượng hạt nhân, nên yêu cầu khả năng phòng không hạm được đặt nên hàng đầu.

Vào thời điểm đó, tên lửa đất đối không tầm ngắn 4K33 Osa, trang bị cho tàu lớp Kirov không đáp ứng được yêu cầu; do đó các nhà thiết kế Liên Xô đã bố trí loại tên lửa phòng không hiện đại nhất của Liên Xô khi đó là S300F lên trên lớp tàu này.

Nhiều thiết kế cũng được sửa đổi trên tàu Đô đốc Lazarev, như 4 ụ pháo phòng không tầm gần AK630 bố trí ở hai bên đuôi tàu cũng được chuyển sang hai bên phía sau thượng tầng. Các loại tên lửa bố trí trên tàu Đô đốc Lazarev là tên lửa phòng không tầm ngắn Tor (24 tên lửa), phòng không tầm xa S300F, tên lửa chống hạm P-700.

Tổng cộng đã có 300 tên lửa các loại được bố trí trên chiếc tuần dương Đô độc Lazarev, đưa tải trọng toàn bộ con tàu lên mức đáng kinh ngạc 25.800 tấn; do đó trong mắt nhiều nhà quan sát phương Tây, đó là tàu chiến-tuần dương, biểu tượng của thời đại tên lửa.

Sự xuất hiện của tàu tuần dương lớp Kirov cũng đánh dấu lần đầu tiên Hải quân Liên Xô có khả năng phòng không khu vực đáng tin cậy, và lực lượng hải quân mặt nước cũng có khả năng hoạt động độc lập, ngoài bán kính tác chiến của lực lượng không quân hải quân.

Theo ước tính của Hải quân Liên Xô, dựa trên hiệu quả tấn công của tàu sân bay Mỹ vào đầu những năm 1980, một tàu tuần dương lớp Kirov, cùng với hỏa lực của từ 2-6 tàu mặt nước khác, có thể đương đầu với một biên đội tàu sân bay của Hải quân Mỹ.

Năm 1985, chiếc Đô đốc Lazarev mới được đưa vào biên chế và khởi hành từ Nhà máy Đóng tàu Baltic, đi về phía nam từ Đại Tây Dương, đi qua Ấn Độ Dương và đi về phía bắc dọc theo Tây Thái Bình Dương đến cảng Vladivostok.

Chuyến đi của Đô đốc Lazarev về “nhà mới”, đã thu hút sự chú ý theo dõi của các lực lượng hải quân nhiều quốc gia. Tàu Đô đốc Lazarev phục vụ trong biên chế Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Liên Xô và trở thành tàu nổi mạnh nhất.

Theo kế hoạch sẽ có 5 chiếc tàu tuần dương lớp Kirov được đóng, nhưng chỉ có 4 chiếc được đóng thì Liên Xô tan rã. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Hải quân Nga được kế thừa toàn bộ số tàu này, nhưng hiện chỉ còn 1 chiếc đang hoạt động là chiếc Peter Đại đế (đang là soái hạm của Hạm đội Phương Bắc) và chiếc Đô đốc Nakhimov đang nâng cấp, đến năm 2023 mới trở lại biên chế. Nguồn ảnh: Pinterest.

Tuần dương hạm lớp Kirov từng một thời "ngang dọc" khắp các đại dương trên thế giới. Nguồn: Iz.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tiec-dut-ruot-sat-thu-tau-san-bay-nga-chuan-bi-ra-sat-vun-1615368.html