Thuyết duyên khởi của đạo Phật

Giáo lý duyên khởi là căn bản của hệ thống triết học Phật giáo. Học thuyết này giúp con người ta thấy rõ sự thật của con người, cuộc đời và giá trị hạnh phúc; nó thuyết minh về sự liên hệ hỗ trợ giữa các sự vật, hiện tượng hay các pháp.

Thuyết duyên khởi của đạo Phật cho rằng, đời sống hay thế giới này tạo thành là do một chuỗi tương quan liên hệ, trong đó sự sinh khởi và hoại diệt của các yếu tố tùy thuộc một số yếu tố khác làm điều kiện cho chúng. Kinh điển Phật giáo diễn tả khái quát nội dung này bằng đoạn kinh sau: “Do cái này có mặt, cái kia có mặt/ Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt/ Do cái này sinh, cái kia sinh/ Do cái này diệt, cái kia diệt”.

Đó là dạng tổng quát nhất của học thuyết hay giáo lý duyên khởi được đức Phật giảng dạy. Nó cho thấy, mọi hiện hữu trong thế giới này đều vận hành theo nguyên tắc của sự tương thuộc, tương quan lẫn nhau. Sự vật, hiện tượng này sinh khởi do hội đủ điều kiện hỗ trợ cho sự sinh khởi ấy. Và ngược lại, sự vật, hiện tượng chấm dút hay hoại diệt khi các điều kiện, các thành phần, yếu tố cấu tạo nên chúng thay đổi hay không còn nữa. Và ngay cả các điều kiện hỗ trợ này cũng lại tùy thuộc vào các yếu tố, điều kiện khác để sinh khởi, tồn tại và hoại diệt.

Duyên khởi là học thuyết cốt tủy của đạo Phật, thuyết minh về sự liên hệ hỗ trợ giữa các sự vật, hiện tượng hay các pháp. Tuy nhiên, không được hiểu duyên khởi là một học thuyết thuyết minh về nguồn gốc thế giới. Theo các nhà Phật học, nội dung chính của duyên khởi chủ yếu thuyết minh về quá trình sinh khởi của con người. Nói đúng hơn, duyên khởi giải thích tại sao chúng ta cứ luân hồi, khổ đau và làm sao chúng ta thoát khỏi luân hồi, khổ đau đó.

Tạm gác lại yếu tố duy tâm tôn giáo về luân hồi, hiểu theo quan điểm triết học duy vật thì thuyết duyên khởi ở góc độ nào đó thể hiện cái nhìn biện chứng về sự vật hiện tượng trong thế giới. Vạn vật trong thế giới này đều vô thường, cuộc đời sắc sắc - không không. Đôi khi được đấy nhưng cũng là mất đấy; cái rủi mặt này nhưng lại là cái may xét ở mặt khác; bất hạnh của người này nhưng lại là may mắn của người kia...

Ví như trong quá trình phát triển, hoại diệt của một cái cây: cây lớn lên, ra hoa, kết trái, hoa tàn trái rụng. Đến đây có thể coi là hết một vòng đời của cây, nhưng thực ra nó vẫn đang vận động, luân hồi ở một vòng đời khác khi hoa tàn, trái rụng những thực chất không hẳn đã mất đi mà lại mọc lên một lớp cây mới và lại khởi tạo vòng đời luân hồi tiếp theo...

Những nội dung này cũng được quán chiếu vào định nghĩa duyên khởi trong đạo Phật: "Do vô minh, có hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức, có danh sắc sinh; do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có xúc sinh; do xúc, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có hữu sinh; do hữu, có sinh sinh; do sinh sinh, có lão tử, sầu, bi, khỗ, ưu, não sinh, hay toàn bộ khỗ uẩn sinh. Ðây gọi là Duyên khởi”.

Đó là mười hai chi phần duyên khởi được quán sát ở chiều thuận, tức chiều sinh khởi. Ở chiều nghịch, tức chiều đoạn diệt, các chi phần này được quán sát như sau: "Do vô minh diệt, hành diệt; do hành diệt nên thức diệt; do thức diệt nên danh sắc diệt;do danh sắc diệt nên lục nhập diệt; do lục nhập diệt nên xúc diệt; do xúc diệt nên thọ diệt; do thọ diệt nên ái diệt; do ái diệt nên thủ diệt; do thủ diệt nên hữu diệt; do hữu diệt nên sinh diệt; do sinh diệt nên lão tử, sầu bi, khỗ, ưu, não diệt

Cần lưu ý, duyên khởi là cái nhìn trí tuệ của Đức Phật, soi rọi vào quá trình sinh tử luân hồi của chúng sinh, chứ không phải là một học thuyết trình bày về nguồn gốc của thế giới.

Trong mười hai chi phần duyên khởi, vô minh, hành thuộc về đời sống quá khứ; thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu là những yếu tố thuộc kiếp sống hiện tại. Hai yếu tố còn lại thuộc kiếp sống tương lai. Có một điểm cần lưu ý, mặc dù duyên khởi được trình bày theo thứ tự mười hai chi phần, khởi đầu từ vô minh cho tới lão tử, sầu, bi, khỗ, ưu, não nhưng tuyệt đối không có nghĩa rằng vô minh là nguyên nhân đầu tiên của duyên khởi. Việc liệt kê thứ tự mười hai chi phần duyên khởi ở đây chỉ là hệ quả của vấn đề biện luận, lý thuyết. Trên thực tế, không có chi phần nào là nguyên nhân đầu tiên, mà chỉ có các yếu tố hình thành nên quá trình duyên khởi.

Như vậy, duyên khởi là cái nhìn trí tuệ của đức Phật, soi rọi vào quá trình sinh tử luân hồi của chúng sinh. Nó giúp con người nhìn thấy sự vô minh của bản thân để sửa mình; vì chưa được giác ngộ, khát ái nên chìm đắm vào đời sống khổ đau; nhưng đồng thời nó cũng cho thấy bằng trí tuệ, con người hoàn toàn có khả năng đoạn diệt tham ái, cắt đứt, vượt thoát khổ đau, thiết lập đời sống an lạc, hạnh phúc cho chính bản thân mình và thế giới xung quanh.

(Đón đọc kỳ cuối: Học thuyết tánh không)

Diệu Minh (biên soạn)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dao-va-doi/thuyet-duyen-khoi-cua-dao-phat-512958.html