Thủy điện, hồ chứa có làm gia tăng lũ lụt?

PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng thủy điện giống như bất kỳ dự án nào khác, đều có cả mặt lợi và hại. Trong khi chưa có nguồn năng lượng nào khác thì thủy điện là giải pháp chủ yếu, việc cần làm là cân nhắc về lợi và hại, nếu làm người dân bị ảnh hưởng thì phải đền bù thỏa đáng, nếu hiệu quả không có thì phải xem xét lại.

Đơn vị cảnh báo phải có trách nhiệm đến cùng

Sáng 5/11, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức tọa đàm trực tuyến Lũ lụt bất thường và sạt lở đất ở miền Trung: Thiên tai hay nhân tai?.

Tại tọa đàm, liên quan đến nguyên nhân gây ra lũ lụt, sạt lở đất vừa qua tại một số tỉnh miền Trung, cả PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản và PGS.TS Vũ Thanh Ca, Nguyên Viên trưởng viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam đều cho rằng, rừng núi miền Trung có độ dốc, mưa to và lâu ngày thấm vào trong, tạo thành những dòng chảy ngầm, làm rửa trôi đất, làm kết cấu trong đất yếu hơn. Đất bị ảnh hưởng bởi hai lực, một là trọng lực, trượt xuống dưới. Thứ hai, nước ở trong đất tạo áp suất thủy tĩnh rất lớn.

Toàn cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh

Toàn cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh

Liên quan đến việc có thể cảnh báo được sạt lở đất không, ông Trần Tân Văn cho biết, các nhà địa chất đã để ý, nghiên cứu hiện trạng, phân vùng cảnh báo nhiều năm nay, đặc biệt là các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Phú Yên. Tuy nhiên, dù điều tra, cảnh báo, nhưng sạt trượt vẫn diễn ra, điều này cả ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia đều bị hàng năm, gây ra nhiều thiệt hại.

PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản. Ảnh: Quang Vinh

PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản. Ảnh: Quang Vinh

Ông Văn cho rằng, Chính phủ cũng đã giao Bộ TN&MT điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo cho 37 tỉnh, thành miền núi. Hiện, đang điều tra được khoảng 22/37 tỉnh. Về công tác này, Thái Lan làm tốt hơn Việt Nam, chi tiết hơn. Ở Việt Nam, tốc độ có vẻ “hơi chậm”.

Đặc biệt, theo ông Văn, việc chuyển giao kết quả điều tra này cần phải thay đổi. Trước đây, chỉ chuyển giao cho địa phương là xong trách nhiệm, nhưng sau vụ việc thời gian gần đây, ông Văn cho rằng, cần phải có trách nhiệm đến cùng.

“Đơn vị chuyển giao phải có trách nhiệm đến cùng, làm sao người được chuyển giao phải hiểu được, thực hiện được. Công đoạn này chưa để ý một cách đúng mức. Sau đợt mưa lũ vừa rồi, chúng tôi phải điều chỉnh lại, đề xuất bổ sung thêm nội dung là ngay trước mùa mưa bão thì phải điều quân đi khắp nơi để điều tra, cảnh báo, phòng tránh để giảm nhẹ thiệt hại, chỗ nào thấy nguy hiểm về chuyên môn phải cảnh báo khẩn cấp”, ông Văn nói.

Về câu hỏi, những vụ sạt trượt, lở núi vừa qua có yếu tố tác động của con người hay không, ông Trần Tân Văn cho rằng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói chính xác về việc có thể đối mặt với mưa bão, nhưng sạt lở đất là kẻ thù giấu mặt.

Ông Văn cho rằng, về câu hỏi thiên tai hay nhân tai, không thể nói một cách cực đoan. Không riêng gì miền Trung, Việt Nam, mà tất cả các nước đều cho rằng, các hoạt động nhân sinh ngày càng quan trọng, trong một số trường hợp là nguyên nhân chính gây ra các vụ sạt lở. Nhưng cần chú ý một điều, địa chất thì bao năm nay vẫn thế.

Nhưng trước đây dân số thưa thớt, giờ tăng lên nhiều, người dân phải chọn vị trí không thuận lợi để sinh sống. Như nhiều khi, đi trên đường, chẳng may gặp đúng điểm sạt lở thì đã có thiệt hại rồi. Vì thế, Chính phủ hiện đang có một số chính sách như phục hồi thảm thực vật, loại bỏ một số thủy điện nhỏ để giảm bớt nguy cơ các vụ sạt lở…

PGS.TS Vũ Thanh Ca, Nguyên Viên trưởng viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh

PGS.TS Vũ Thanh Ca, Nguyên Viên trưởng viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh

Ông Vũ Thanh Ca cũng cho rằng, người dân hiện nay thường bạt núi, làm nhà, với độ dốc lớn, gặp mưa lớn có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Muốn di dời thì lại phải lo sinh kế, phải có nguồn lực lớn. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải làm quyết liệt. Tuyên truyền thôi không đủ, mà cần có biện pháp hành chính đi kèm…

Phá rừng, thủy điện nhỏ có phải là nguyên nhân?

Một câu hỏi đặt ra tại tọa đàm, là việc phát triển thủy điện, chặt phá rừng, đặc biệt là thủy điện nhỏ có phải là nguyên nhân gây ra tình trạng lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng?

Theo ông Vũ Thanh Ca, một nghiên cứu của Châu Âu ông tiếp cận được và quá trình nghiên cứu của ông cho rằng, đập, kể cả đập thủy điện và đập thủy lợi đều giảm nhẹ lũ lụt, không có thông tin nào cho rằng hồ chưa làm tăng lũ lụt. “Không có chuyện thủy điện làm gia tăng lũ lụt”, ông Ca khẳng định.

Ông Ca phân tích, hồ chứa giữ lại nước, sau đó xả như sông tự nhiên, nên không thể nói là do hồ xả nước làm hạ du nhiều nước hơn.

Ông Ca cũng thông tin về cách rừng giữ nước thế nào khi có mưa. Theo đó, kể cả khi rừng hoàn toàn khô, cành cây, thân cây, thảm thực vật hoàn toàn khô thì chỉ lưu giữ được lượng mưa khoảng 50mm. “Tôi tạm nâng lên thành 200mm, nghĩa là lưu giữ được 0,2 mét là cực đại. Còn mặt hồ lưu giữ được ít nhất 4 mét nước hoặc hơn”, ông Ca nói. Ông Ca cũng cho rằng, nghiên cứu của Châu Âu kết luận rằng, rừng có khả năng làm chậm lũ, điều tiết lũ chậm và cục bộ, nhưng đối với lũ lớn thì không hiệu quả.

Chuyên gia độc lập về thủy điện Nguyễn Tài Sơn

Chuyên gia độc lập về thủy điện Nguyễn Tài Sơn

Ông Trần Tân Văn cho rằng, đặt câu hỏi thủy điện có gây ra lũ lụt, làm trầm trọng hơn lũ lụt không là câu hỏi không toàn diện. Vấn đề đặt ra chỉ nên là tác động của thủy điện đến môi trường và xã hội. Theo ông Văn, thủy điện giống như bất kỳ dự án nào khác, đều có cả mặt lợi và hại. Trong khi chưa có nguồn năng lượng nào khác thì thủy điện là giải pháp chủ yếu, việc cần làm là cân nhắc về lợi và hại, nếu làm người dân bị ảnh hưởng thì phải đền bù thỏa đáng, nếu hiệu quả không có thì phải xem xét lại.

Ông Văn cho rằng, ông Vũ Thanh Ca dẫn nhiều ví dụ và nghiên cứu ở châu Âu, nhưng ở Việt Nam có một số khác biệt về quy trình phê duyệt, thi công, vận hành, điều tiết, phục hồi rừng. “Sự khác biệt đó phải xem xét. Phải đặt câu hỏi toàn diện, xem xét thảm thực vật trên diện rộng, chất lượng rừng ra sao, nguyên sinh hay trồng lại. Vì rừng nguyên sinh hấp thụ khác hẳn so với rừng trồng chỉ có một tầng cây…Cần phải tính đến đầy đủ hơn nữa các yếu tố tác động của thủy điện để cẩn trọng hơn”, ông Văn nói.

Chuyên gia độc lập về thủy điện Nguyễn Tài Sơn cho rằng, hồ chứa nước có tác động đến môi trường. Trước đây có xu hướng phản đối xây dựng thủy điện lớn, ủng hộ thủy điện nhỏ, vì cho rằng tác động môi trường ghê gớm quá. Nhưng đến nay lại thấy các hồ thủy điện lớn tốt, nên lại phản đối thủy điện nhỏ, vì gây phá rừng…

Theo ông Sơn, hồ chứa của thủy điện để điều hòa lượng nước, trữ lại lúc nhiều để sử dụng lúc ít. Giống như hồ Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu… trữ nước cho toàn bộ đồng bằng sông Hồng, chứ không chỉ riêng về phát điện.

Ông Sơn cho biết, quy trình vận hành hồ chứa yêu cầu không cho phép xả lớn hơn lũ tự nhiên và khi lũ về có xả tràn. Quy trình này được thực hiện rất chặt chẽ.

“Vừa rồi ở miền Trung, tất cả hồ thủy điện đều cắt được lũ hết, còn hồ thủy lợi thì không làm được”, ông Sơn thông tin.

Ông Sơn minh chứng, đợt lũ vừa qua, 6 hồ thủy điện ở khu vực miền Trung đã cắt được 20 – 74% lũ lụt. “Đó là giá trị cắt được lũ, chứ không phải gây ra lũ”, ông Sơn khẳng định. Cũng theo quan điểm của ông Sơn, các thủy điện thực ra là phát triển rừng chứ không phải là phá rừng, bởi một phân chi phí của thủy điện trở thành chi phí môi trường rừng, ủng hộ trực tiếp cho người dân phục hồi rừng…

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/thuy-dien-ho-chua-co-lam-gia-tang-lu-lut-1745772.tpo