Thưởng Tết giáo viên: Người khấp khởi vui, người chạnh lòng buồn

Trong khi người lao động tại nhiều doanh nghiệp được thưởng Tết hàng chục triệu đồng thì với những thầy, cô giáo đang ngày ngày đứng trên bục giảng, chuyện thưởng Tết vẫn chỉ là… niềm ao ước.

Học trò đến trường đầy đủ đã là món quà Tết động viên tinh thần thầy cô. Ảnh: N.V

Ngậm ngùi giáo viên vùng cao

10 năm cắm bản, gắn bó với xã vùng cao Nậm Mười (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), nơi liên tục chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ, thầy Nguyễn Viết Thành (giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Nậm Mười) đã coi trường học là nhà, học sinh là con. Đường đến trường hiểm trở, khó khăn, thầy và nhiều giáo viên khác phải ở nội trú tại trường, chỉ cuối tuần mới tranh thủ vượt mấy chục cây số đường đèo để về thăm gia đình, cho con đỡ quên mặt.

Những ngày cuối năm, thấy báo đài đăng chuyện thưởng Tết của ngành nọ, ngành kia, trong khi ngành mình thì im lìm, thầy và giáo viên trong trường không khỏi chạnh lòng. “Chọn nghề giáo, hay đi làm cả năm đâu vì mấy đồng thưởng Tết. Nhưng tâm lý giáo viên cũng như người lao động khác, sau một năm làm việc vất vả, nếu được chút tiền thưởng động viên thì cũng ấm lòng. Hằng năm, Ban chấp hành Công đoàn trường cố gắng dành dụm một phần quà nho nhỏ, khoảng 200.000 đồng để gửi đến gia đình đoàn viên, động viên tinh thần thầy cô. Còn triệu lớn, triệu bé, hay thưởng tháng lương thứ 13 như các ngành nghề khác thì chúng tôi chưa bao giờ biết tới” - thầy Thành tâm sự.

Cô Kim Hảo (Trường Tiểu học Văn Chấn, Yên Bái), sau 15 năm làm giáo viên vùng cao, cũng chưa bao giờ biết thưởng Tết là gì. “Có năm, hiệu trưởng thương giáo viên, cố gắng động viên thầy cô bằng hộp mứt, chai nước mắm cũng thấy ấm lòng rồi. Việc không có tiền thưởng Tết mãi rồi cũng quen, giờ chỉ cần nhận đủ, nhận đúng hạn tiền lương là giáo viên bản vui rồi. Có nhiều thì ăn Tết to; có ít thì cũng sắm được con gà, cặp bánh chưng, mua cho con bộ quần áo mới. Rồi Tết cũng sẽ qua” - cô Hảo tự động viên mình.

Không chỉ với các thầy cô vùng cao, mà giáo viên đang công tác ở nhiều địa phương khác trên cả nước, dành cả đời gắn bó với nghề nhưng không biết tiền thưởng Tết là gì. Lúc đầu, cứ nhắc đến Tết, đến thưởng là chạnh lòng, nhưng mãi rồi cũng thành quen.

Thưởng Tết giáo viên đang thiếu công bằng?

Theo quy định, ngành giáo dục không có quỹ để chi tiền thưởng Tết cho giáo viên. Khoản thưởng hằng năm mà các trường chi cho giáo viên thật ra là khoản kết dư cuối năm theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Căn cứ vào khoản tiền từ ngân sách rót về trường hằng năm, sau khi trừ đi các kinh phí dành cho hoạt động, còn lại bao nhiêu nhà trường mới chia thu nhập tăng thêm dành cho giáo viên. Vì chi vào dịp cuối năm, nên giáo viên vẫn gọi là thưởng Tết.

Cũng vì không có quỹ, quy định riêng về việc thưởng Tết trong giáo dục, nên tiền thưởng Tết giáo viên ít hay nhiều, có hay không phụ thuộc vào tài “khéo co thì ấm” của hiệu trưởng. Nếu như ở thành phố, các trường có thêm nguồn thu từ việc tổ chức ngoại khóa, học nâng cao, lấy đó làm quỹ phúc lợi chia cho giáo viên, thì ở các tỉnh miền núi, không trường nào có thể làm được điều đó. Với các thầy cô vùng cao, chỉ mong vận động phụ huynh cho con đến trường đầy đủ là mừng. Cũng vì lẽ đó, dù cùng công tác trong ngành, nơi giáo viên được thưởng vài chục triệu đồng, nơi lại chẳng có gì.

Như năm nay, tại TPHCM, các thầy cô có cái Tết tươm tất. Ngoài nhận được số tiền thưởng từ tiết kiệm chi như mọi năm, giáo viên đang công tác trong ngành sẽ có thêm một khoản thu nhập tăng thêm nhờ cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 03 của HĐND TPHCM. Theo tiết lộ của bà Nguyễn Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Văn Hát (Q.9, TPHCM), tết năm nay, nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giáo viên của trường có thể được nhận thêm gần 13 triệu đồng mỗi quý. Nếu tính cả 3 quý trong năm học 2017 - 2018 (trừ tháng 6, 7), giáo viên có thể được nhận thêm khoản tiền là gần 40 triệu đồng. Điều này khiến những thầy cô nhiều vùng miền khác phải xuýt xoa, ao ước.

“Đọc báo đài thấy giáo viên ở TPHCM năm nay thưởng Tết cao, thấy mừng cho thầy cô lắm. Nhưng đó là chuyện “trường nhà người ta”. Giáo viên ở trường chúng tôi, năm nào nhiều thì được nhận 200.000 - 300.000 đồng gọi là quà Tết. Với số tiền thưởng này, ra chợ ngày Tết biết mua cái gì? Đến cây đào, cây quất còn chẳng mua nổi. Tôi nghĩ, để giáo viên cả nước ai cũng có chút quà động viên khi Tết đến, nên chăng quy định hẳn có tháng lương thứ 13 cho giáo viên như người lao động ở các ngành nghề khác. Đó cũng là nguồn thu chính đáng mà người lao động xứng đáng được hưởng sau một năm cống hiến” - cô Đỗ Thị Huyền Trang (giáo viên Trường Mầm non Tân Khánh, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) kiến nghị.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Viết Thành (giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Nậm Mười) đề xuất: “Mong các cấp lãnh đạo có những quan tâm, có quy định khi phân bổ ngân sách sẽ dành riêng ra một khoản cho việc thưởng. Tránh việc cùng công tác trong ngành giáo dục, người hân hoan vì được thưởng lớn, còn thầy cô khác thì chạnh lòng”.

ĐẶNG CHUNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/thuong-tet-giao-vien-nguoi-khap-khoi-vui-nguoi-chanh-long-buon-653990.ldo