Thương lắm, những thiên thần bé nhỏ

Một ngày đầu xuân ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, chúng tôi bắt gặp mấy em đang cặm cụi thu hái rau, sản phẩm tự các em trồng. Mấy em khác đang quét dọn sân. Còn những em lớn tuổi hơn phụ giúp người lớn sắp xếp lại nơi ở, khu bếp, nhà ăn... để bắt đầu cho các hoạt động trong năm mới. Mỗi người một việc, gọn gàng, ngăn nắp như một đại gia đình. Đằng sau mỗi gương mặt rạng rỡ ấy là một hoàn cảnh khác nhau. Trong số đó, không ít em chưa một lần biết mặt bố mẹ đẻ và gốc gác của mình.

Vườn rau bắp cải do các em mồ côi trồng và chăm sóc.

Gặp em Giàng A Ly, năm nay 17 tuổi, nhưng dáng người nhỏ thó như đứa trẻ lên 10, lọt thỏm trong chiếc áo đồng phục rộng thùng thình. Sau vài phút đợi Ly tưới xong luống rau bắp cải do chính các em trồng để cải thiện đời sống, chúng tôi mới có thời gian trò chuyện. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở bản Tư Làng A, xã Mường Bám (Thuận Châu). Năm 2011, bố của Ly qua đời vì bệnh tật. Năm 2012, mẹ Ly đi lấy chồng xa, rồi sau đó cũng qua đời, để lại Ly bơ vơ khi em mới 8 tuổi. Thương cháu côi cút, ông nội đưa Ly về nuôi, nhưng tuổi cao, sức mọn nên chẳng thể kiếm tiền nuôi cháu. Ông đành gửi cháu vào Trung tâm. Năm nay, Ly mới học lớp 8. Năm nào Ly cũng là học sinh khá của lớp, luôn chăm ngoan, lễ phép. Ly tâm sự: Từ ngày vào đây, gần như năm nào cháu cũng ăn Tết ở Trung tâm. Tết ở đây vui lắm, được các mẹ chăm sóc, chúng cháu được gói bánh chưng và tặng nhiều bánh, kẹo... Cháu sẽ cố gắng học giỏi hơn nữa để không phụ lòng các bố, mẹ ở đây.

Chị Dương Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh, chia sẻ: Trung tâm có chỉ có 24 cán bộ, nhân viên, nhưng có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, hướng dẫn, dạy nghề và phục hồi chức năng cho các đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khác do UBND tỉnh quyết định. Hiện, Trung tâm tiếp nhận và nuôi dưỡng 80 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các cháu luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành; đặc biệt sự chăm lo của các cán bộ trong Trung tâm. Vì thế mà các con luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập và lao động tăng gia. Nhiều cháu vượt qua những thiếu thốn về tinh thần, tự lực vươn lên và đạt nhiều thành tích trong học tập.

Điển hình có em Đinh Đức Anh, 23 tuổi, quê ở bản Liếm, xã Tân Phong (Phù Yên). Năm 2000, bố ốm nặng rồi mất. 3 năm sau, cơn bạo bệnh đã cướp mất người mẹ của em. Được bà ngoại nuôi dưỡng, nhưng do gia đình quá hoàn cảnh khó khăn nên em được Trung tâm nuôi dưỡng từ năm 2007. Trải qua 6 năm được nuôi dưỡng, Đức Anh luôn đạt kết quả học tập tốt. Trong kỳ thi đại học năm 2014, em đã đỗ Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Còn em Giàng A Lạnh, 22 tuổi, sinh ra tại xã Sam Kha (Sốp Cộp). Bố, mẹ của A Lạnh mất sớm. Em được tiếp nhận và nuôi dưỡng, học tập tại Trung tâm từ năm 2007. Dù hoàn cảnh khó khăn từ nhỏ không được chăm sóc của bố mẹ và người thân, sống trong môi trường tập trung, nhưng em luôn nỗ lực phấn đấu chăm chỉ học tập, lao động tăng gia, giúp các thầy, cô trong Trung tâm bảo ban các em học tập. Từ nỗ lực của bản thân, trong 12 năm học THPT, em đều là sinh giỏi. Trong kỳ thi đại học 2020, em đã đỗ Học viện Cảnh sát nhân dân. Đây là tấm gương sáng để các em nhỏ trong Trung tâm học tập và noi theo.

Đặc biệt nhất là câu chuyện về em Lường Xuân Nhi. Cất tiếng khóc chào đời, Nhi chưa được hưởng trọn vẹn dòng sữa nóng của người mẹ, thì em đã bị bỏ rơi. Chị Nguyễn Thị Thanh, kỹ thuật viên Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa Sơn La), nghẹn giọng kể lại: Hôm ấy, khoảng 12h15p, ngày 17/7/2013, tôi phát hiện một bé gái khoảng 12 tháng tuổi, được quấn trong chăn đặt trước cửa nhà vệ sinh nữ của Khoa. Do không ai biết người nhà của đứa trẻ, tôi đã chuyển cháu lên khoa Nhi. Tại đây, các bác sĩ khám và xác định Nhi bị bại não bẩm sinh, tỷ lệ khuyết tật 81%, cơ thể chậm phát triển, em chỉ có thể nằm một chỗ. Giờ đây, bé Nhi nằm bất động trong chiếc xe lăn bé xíu, đã 8 tuổi nhưng em chỉ nặng chừng vài cân. Ngày nào những “người mẹ” ở Trung tâm cũng chăm chút cho Nhi từ việc ăn cháo, vệ sinh, thay quần áo.... Chẳng thể nói, cũng chẳng thể biểu cảm, nhưng từ ánh mắt bé Nhi khiến chúng tôi cảm nhận được bé đang hạnh phúc bên những người cha, người mẹ. Mặc dù họ không sinh ra em, nhưng họ cho em vòng tay ấm áp trong mùa đông này.

Gắn bó với những trẻ mồ côi từ nhiều năm nay, chị Bùi Thị Hiệp, cán bộ Trung tâm, đã chứng kiến nhiều mảnh đời của các em thiếu cha, vắng mẹ. Chị bảo: Các con ở đây chủ yếu là bố mẹ đã chết, mất tích, đang chấp hành án phạt tù hoặc bị bỏ rơi. Năm nào Đảng, Nhà nước cũng quan tâm, chăm lo Tết cho các con. Ngoài ra, Trung tâm cũng liên kết với các đơn vị, như Tỉnh Đoàn, Công an tỉnh và một số đơn vị, các nhà hảo tâm trong tỉnh tổ chức gói bánh chưng, tặng quà; tổ chức các hoạt động văn nghệ thể thao cho các con để các con quên đi những thiếu thốn về tinh thần. Thương lắm, vì các con chưa từng được gói bánh chưng cùng gia đình, cũng chẳng bao giờ được sắm sửa quần áo mới hay cùng bố mẹ du xuân. Mong sao trên đời không còn những mảnh đời như vậy nữa.

Một năm mới đã bắt đầu, cũng như bao mùa xuân đã qua, những cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp tục chăm lo cho các em, để nơi đây tràn ngập tiếng cười, để lại những kỷ niệm đẹp trong ký ức tuổi thơ của các em. Cũng tại đây, sự sống đã hồi sinh, mang niềm vui cho những đứa trẻ thiệt thòi thêm ấm áp, đong đầy tình người.

Vũ Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thuong-lam-nhung-thien-than-be-nho-37724