Thủng màng nhĩ, vỡ hốc mắt do cố ra sức... xì mũi

Thời tiết chuyển lạnh cũng là lúc nhiều người thường xuyên gặp các vấn đề về đường hô hấp, điển hình như ngạt mũi, sổ mũi. Khi đó, xì mũi là một trong những lựa chọn phổ biến để làm sạch mũi. Vậy xì mũi như thế nào là đúng cách?

Xì mũi là phản ứng hoàn toàn tự nhiên của cơ thể để đẩy các chất ứ đọng ra ngoài giúp dễ thở hơn. Tuy nhiên, nếu xì mũi không đúng cách, xoang có thể bị tổn thương. Xì quá mạnh, nhiều lần làm tăng nguy cơ viêm khí phế quản, chảy máu cam, tổn thương niêm mạc mũi.

Ảnh minh họa.

Xì mũi không đúng cách làm các chất ứ đọng trong mũi bị đẩy vào các khu vực như xoang, khoang tai giữa. Điều này có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus, nhiễm trùng xoang. Nếu xì mũi quá mạnh, áp lực không khí khiến màng nhĩ căng hơn dẫn đến đau tai, chất lượng âm thanh giảm.

Mặc dù cực kỳ hiếm, một số tai biến thực sự đã được ghi nhận trong y văn, bao gồm rách thực quản và đau đầu nghiêm trọng do không khí bị đẩy vào hộp sọ. Mặc dù rất khó xảy ra, nhưng xì mũi quá mạnh cũng có thể gây thủng màng nhĩ hoặc vỡ hốc mắt.

Có những báo cáo về các biến chứng ở những người không bị bệnh gì khác, nhưng những trường hợp lạ này thường liên quan đến một vấn đề tiềm ẩn xuất phát từ phẫu thuật hoặc chấn thương trước đó. Nếu có chỗ khuyết ở xương ngăn cách mắt hoặc não với mũi, thì xì mũi mạnh có thể đẩy không khí vào những khoang này, và có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn ảnh hưởng đến thị lực hoặc hệ thống thần kinh trung ương.

Làm sạch mũi thế nào mới đúng?

Các chuyên gia khuyên mọi người nên bỏ cách xì thật mạnh cả hai bên mũi. Cách này tuy đẩy chất ứ đọng ra nhanh hơn nhưng dễ làm thủng màng nhĩ. Thay vào đó, người ốm nên xử lý từng bên mũi một có thể giúp hạn chế sự gia tăng áp lực lên mũi và các bộ phận liên quan.

Cách đơn giản và hiệu quả nhất khi bị nghẹt mũi là nhỏ một ít dung dịch nhỏ mũi trong 1-2 phút trước khi xì mũi. Khi xì dùng một ngón tay bịt một bên mũi, bên mũi còn lại để thoáng. Tiếp theo hơi cúi đầu, ngậm miệng và thở mạnh. Đổi bên và làm lại tương tự 3-4 lần đến khi cảm thấy mũi sạch và thoáng.

Ảnh minh họa.

Nếu cần xì mạnh hơn, hãy mở rộng bàn tay, dùng hai ngón trỏ bịt hai tai lại. Cách này giúp áp suất trong tai ở mức tối thiểu và không bị thay đổi quá nhiều. Xịt mũi, rửa mũi bằng nước muối, hút mũi bằng dụng cụ chuyên dụng cũng giúp làm sạch xoang và phòng tránh nguy cơ tổn thương niêm mạc mũi do xì mũi không đúng cách.

3 cách giảm tình trạng nghẹt mũi

Uống đủ nước, thức uống ấm

Uống nhiều nước khi đang bị nghẹt mũi làm tan và loãng dần dịch nhầy, thông mũi và giảm ngứa họng, hạn chế ho và đau họng. Chưa có nghiên cứu cho thấy sự khác nhau giữa uống nước ấm và nước lạnh. Tuy nhiên, hơi ấm, chất lỏng ấm có thể giúp nhanh loãng và đẩy nhanh quá trình thông thoáng mũi hơn. Người trưởng thành được khuyến nghị uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày và nên uống nhiều nước hơn khi đang mắc bệnh tai mũi họng.

Nếu bị nghẹt mũi do cảm lạnh, người bệnh có thể uống trà chanh gừng ấm. Vitamin C trong thức uống có thể giảm mức độ nặng của bệnh, gừng hỗ trợ thông mũi.

Nếu đau họng, có đờm trong họng, hãy thêm mật ong vào để chữa ho tự nhiên. Phụ huynh lưu ý không nên chữa ho cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi bằng mật ong, có thể gây ngộ độc cho trẻ.

Xông hơi mặt, tắm nước ấm

Vệ sinh cơ thể sạch có thể loại bỏ các tác nhân như bụi bẩn, mùi mạnh... gây kích ứng tai mũi họng. Do đó, khi nghẹt, sổ mũi không cần phải kiêng tắm. Tắm nước ấm không những giúp thư giãn toàn thân mà hơi nước vào mũi làm loãng dịch nhầy, giúp thông mũi. Sau khi tắm, cần lưu ý lau người thật khô và có thể sấy khô sau gáy và tóc để tránh nhiễm lạnh.

Ngoài ra, xông mặt bằng nước nóng cũng có thể giúp giảm chảy nước mũi và thông đường hô hấp, giúp dễ thở, cảm thấy thư giãn hơn. Có thể xông mũi ngày 2 lần để làm ấm mũi, giảm phù nề, sát khuẩn. Không nên xông quá nhiều hoặc quá nóng gây tổn thương niêm mạc gây nghẹt mũi nhiều hơn.

Ảnh minh họa.

Khi xông nên để khoảng cách giữa mặt và nước là 30cm để tránh bỏng da, hít thở sâu để hơi nước vào mũi, sau đó, xì mũi để loại bỏ chất nhầy. Có thể cho thêm vài giọt tinh dầu hoặc dầu gió vào tô nước để tăng hiệu quả. Một số loại tinh dầu giúp thông mũi như bạch đàn, bạc hà, hương thảo, quế, sả, bưởi…

Tạo độ ẩm không khí trong nhà

Hít thở không khí ẩm, trong lành giúp làm dịu các mô mũi bị kích ứng, giảm viêm xoang và loãng dịch nhầy. Do đó, vào mùa đông thời tiết khô hanh, việc chuẩn bị máy tạo ẩm hoặc thiết bị phun sương làm mát trong nhà, văn phòng rất quan trọng. Tuy nhiên, cần lưu ý thay nước, vệ sinh thiết bị thường xuyên, tránh vi khuẩn và nấm mốc phát triển trong máy.

Nếu nghẹt mũi kéo dài hơn một tuần không cải thiện, kèm theo sốt, đau đầu hoặc đau mặt, người bệnh nên thăm khám để tìm nguyên nhân và điều trị.

Phương Anh (Theo Live Strong)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/thung-mang-nhi-vo-hoc-mat-do-co-ra-suc-xi-mui-d195036.html