Thực thi EVFTA: Đừng để bị bỏ lại phía sau

Khi EVFTA được thực thi, DN nói chung, DN ngành da giày nói riêng cần chủ động nắm bắt thông tin, sẵn sàng về nhân lực, vật lực để tiếp cận và khai thác hiệu quả hiệp định này. Đây là chia sẻ của bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam với phóng viên Báo Công Thương.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, sẽ giúp DN lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch Covid-19. Bà nhận định như thế nào về vấn đề này?

Trước đây, ngành da giày bình quân 1 tháng tăng trưởng 10 - 15%. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả ngành có sự sụt giảm đáng kể, với mức giảm tới 14%. Điều này minh chứng cho việc ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với ngành. Hiệp định EVFTA khi đi vào thực thi sẽ là một cú huých giúp DN có được cơ hội tốt để tiếp tục duy trì, vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, để tận dụng các cơ hội này, DN cần có sự chuẩn bị tốt hơn để thực thi ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Theo bà, DN cần có những hành động cụ thể nào để tận dụng tốt hiệp định này?

Trước cơ hội vàng mà EVFTA mang lại, theo tôi, DN cần chủ động nắm bắt thông tin, sẵn sàng về nhân lực, vật lực để tiếp cận và khai thác hiệu quả hiệp định này. Tuy nhiên, cũng cần sự đồng hành của Chính phủ.

Khi hiệp định đi vào thực thi, các chính sách hỗ trợ cho DN rất cần thiết nhưng làm thế nào để DN bước qua được “cánh cửa” đó lại là câu chuyện không đơn giản. Đối với DN lớn đã đầy đủ tâm thế, nội lực, họ có thể tiếp cận đi đến thành công, nhưng DN nhỏ còn thiếu, yếu, không thể đơn giản chỉ mở cánh cửa là bước đi. Bởi, hiệp định này có một loạt các yêu cầu mới, điều kiện mới được đặt ra, khác so với trước kia.

Để giúp đỡ DN nói chung và DN da giày nói riêng tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA mang lại, nhà nước có thể triển khai ngay một chương trình hành động cụ thể, phối hợp đồng bộ truyền tải thông tin, đào tạo tập huấn cho DN hiểu được quy tắc xuất xứ, các quy định, thủ tục xuất nhập khẩu… Bước tiếp theo là có chiến lược về đầu tư, cụm - khu công nghiệp để dư địa những ngành này phát triển. Theo khảo sát một loạt DN vừa và nhỏ, khả năng sản xuất có, nhưng điều kiện để đáp ứng với khách hàng châu Âu lại chưa tới. Ví dụ, kiểm toán nhà máy, một loạt các điều kiện về lao động, môi trường không đáp ứng được. Vậy, cuối cùng, chúng ta sẽ nhắm vào đối tượng DN nào để phát triển xuất khẩu? DN lớn, DN FDI đã có đầy đủ năng lực để đáp ứng điều kiện đó, nhưng cũng mong muốn DN vừa và nhỏ - chiếm hơn 70% trong ngành da giày - đối tượng được hưởng lợi từ hiệp định.

Trong Báo cáo đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA, một thách thức được đề cập đến là sự gia tăng áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa trong nước do dòng hàng chất lượng cao từ EU được mở rộng cửa vào thị trường Việt Nam. Theo bà, các DN trong nước phải làm gì để đối phó với sự cạnh tranh này?

Khi tham gia vào cuộc chơi lớn, các quy định của luật chơi sẽ áp dụng cho tất cả thị trường. Rõ ràng, thị trường Việt Nam và EU có khoảng cách nhất định, các DN trong nước sẽ đối diện sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam. Đó chính là hàng hóa Việt Nam chưa đảm bảo chất lượng tương đồng với hàng hóa các nước. Chẳng hạn, các sản phẩm xuất khẩu nước ngoài mang thương hiệu Made in Việt Nam, cần phải đáp ứng một loạt các yêu cầu chất lượng, C/O đi kèm theo để chứng minh hàng hóa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thị trường xuất khẩu, cũng như yêu cầu của khách hàng. Cũng một sản phẩm tương tự như vậy vào thị trường Việt Nam, nhưng chúng ta không có hệ thống hàng rào đó, đồng nghĩa sản phẩm của Việt Nam chưa có vị thế tương xứng như khi xuất khẩu ra nước ngoài.

Với khoảng cách đó, nếu DN Việt Nam không kịp thời nắm bắt, tuân thủ đáp ứng, sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi. Vì vậy, tôi cho rằng, cần cập nhật và xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, các yêu cầu hàng hóa ở ngay chính thị trường Việt Nam. Có như thế, mới đảm bảo tính bền vững hiện nay và trong tương lai.

Xin cảm ơn bà!

Hiệp định EVFTA đi vào thực thi được kỳ vọng có thể đóng góp trung bình 0,1% vào tăng trưởng thực GDP mỗi năm của Việt Nam, dao động từ 0 - 0,3%. Trong đó, dệt may và da giày sẽ là lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất do thuế áp lên khu vực này đang ở mức cao nhất.

Tuệ Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-thi-evfta-dung-de-bi-bo-lai-phia-sau-140355.html