Thực hư Truyền thuyết về Quán Tiên - nỗi khao khát về tình yêu giữa thời chiến
Đời thực có những Quán Gánh, Quán Hàu, Quán Tre… là địa danh. Mới đây trong điện ảnh có Quán Tiên. Chiến tranh đã biến các cô gái ngoại hình thường thường bậc trung trở thành các nàng tiên trong mắt lính. Nó cũng có khi biến những con người bình dị như Mùi thành anh hùng…
Quán Tiên - điểm dừng chân đã thành huyền thoại cho cánh lính lái xe Trường Sơn vào khoảng năm 1966 được nhà văn Xuân Thiều lưu lại trong truyện ngắn Truyền thuyết về Quán Tiên, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ dựng thành phim cùng tên. Tức là để tránh những tai nạn thương vong do mệt mỏi quá sức vì lái xe liên tục, thủ trưởng Lâm đã nghĩ ra một cái quán cho lái xe nghỉ chân 15 phút ăn miếng bánh, nắm xôi, chiêu ngụm trà…
Ba nữ thanh niên xung phong được điều động đến gồm chị cả Mùi, Phượng và Tuyết Lan. Những tưởng đây là nhiệm vụ cũng nhẹ nhàng (đặt trong bối cảnh chiến tranh) hợp với phụ nữ nhưng hóa ra lại phức tạp hơn những gì ông Lâm hình dung. Cô Mùi trong truyện thì không đến nỗi, nhưng Mùi trong phim chưa chi đã muốn bỏ cuộc với một lý do rất nữ tính là “chỉ có ba đứa con gái em sợ”.
Ít lâu sau, Mùi về căn cứ xin thủ trưởng bổ sung thêm một lính nam để đi săn bắn lấy thịt làm nhân bánh cho khách hàng đỡ nhạt miệng. Nhưng thực ra còn vì một lý do khác. Có một con vượn cứ rình trêu Mùi trong khi bỏ qua hai cô gái trẻ chưa chồng kia. Cô hy vọng bóng dáng đàn ông sẽ khiến nó phải chờn.
Đây chính là một điểm mới của những câu chuyện chiến tranh vốn chỉ là chuyện của người với người nên được phim chú ý khai thác sâu hơn, bổ sung thêm một số “truyền thuyết” nông thôn về việc khỉ bắt người… Bên cạnh đó hoàn cảnh đặc biệt khi ba cô gái đơn thân lại ở cùng hang 24/24 với một anh lính trẻ sẽ là một tuyến chuyện hấp dẫn khác.
Ngoài ra phim chọn được những bối cảnh thiên nhiên đẹp, hoang sơ và nên thơ. Tất nhiên không thể trung thành với truyện miêu tả rừng hoa đỗ quyên đỏ rực hay cả đàn hàng trăm con voọc. Trong cái hạn chế lại ló… ý tưởng. Phim dựng chuyện con vượn đực bị bom Mỹ giết cả gia đình nên đâm ra cô đơn bơ vơ… Mới nghe cũng có tính tố cáo, nhưng thực ra vô lý. Con vượn trong phim giống như “thành tinh” với nhiều hành động như người cũng góp phần tăng độ ly kỳ, khiến phim có chút màu kinh dị.
Dòng Nậm Bu thơ mộng như thế kể mà có cảnh bơi khỏa thân sẽ hợp lý và tất nhiên đẹp hơn. Nhưng hẳn điều đó là không thể với một phim đề tài chiến tranh là đặt hàng của Bộ để chiếu đại trà. Chắc vì vậy nên đạo diễn đưa ra giải pháp tình thế là cho Mùi mặc áo ba lỗ (kiểu của các bà già ở quê) thay cho áo lót ở những cảnh quay cận, vẫn kín lại có nét tự nhiên. Truyền thuyết về quán Tiên do đó khởi đầu đầy hứa hẹn có nhiều cái mới lạ để xem, biết đâu lại vượt khỏi khuôn khổ của dòng phim đặt hàng.
Anh bộ đội đầu tiên được điều đến hỗ trợ chị em là Ku Xê, người dân tộc Pa-cô vốn là trợ lý tin cẩn của thủ trưởng Lâm. Trớ trêu là ngay từ buổi đầu đến hang, anh đã gặp cảnh Tuyết Lan lên cơn co giật hysteria, còn gọi là bệnh tâm căn, một triệu chứng bệnh lý thường xuất hiện sau những chấn thương tâm thần do lo sợ cao độ, tức giận bi quan… của những người có nhân cách yếu, thần kinh yếu. Trên báo, bác sĩ Nguyễn Võ Hinh từng chỉ ra một số đặc điểm của đối tượng dễ mắc bệnh này: thiếu tự chủ, thiếu kiềm chế, thích được chiều chuộng, thích phô trương, tinh thần chịu đựng khó khăn kém, thiếu lý tưởng sống vững mạnh…
Quả nhiên nhân vật Tuyết Lan trong truyện sau này có hành động thiếu kiềm chế với Ku Xê, đã có vợ và cũng chẳng ngại nói thẳng luôn không phải vì yêu. Phim giảm tránh bằng cách biến Ku Xê thành giai tân. Thủ trưởng Lâm tất nhiên rất cáu, mắng nhiếc đủ điều nhưng sau đó lại xoay 180 độ cho đôi trẻ 5 ngày để về quê thu xếp. Tuy nhiên biểu cảm, thái độ của nhân vật Lâm ở đoạn này chưa thể hiện được sắc thái chuyển biến tinh tế khiến nhịp phim bị hẫng. Phim cho hai diễn viên thay thường phục để về quê, nhưng áo của Ku Xê chính là đồ thổ cẩm cải biên bây giờ làm mất hẳn tính chân thực.
Qua cách xử lý này, nhân vật Lâm trong phim cũng đỡ “phản diện” hơn. Trong truyện, ông này là người miền Nam tập kết xa vợ con đâm ra càng thêm khó tính và luôn xử nặng các cặp có tình ý. Phim cũng lý tưởng hóa Phượng (so với truyện) khi bắt cô phải đến nơi xa xôi chỉ để trông ngôi mộ của người yêu mà cả hai cũng chỉ có vài lần thư từ gặp gỡ.
Nói chung phim kín đáo, có tình yêu, có mang bầu nhưng không có cảnh hở hang, nói gì đến sex. Cũng có khi vì thế mà chỉ một cái ôm của Tuyết Lan dành cho người lính không quen biết khi anh này đề nghị muốn biết một cái ôm con gái trước khi vào chiến trường lại tạo hiệu ứng cảm xúc hơn bình thường.
Hysteria thường được dân gian hiểu lầm là “bệnh thiếu hơi trai”. Chính vì thế Mùi đưa ra cách trị bệnh thô thiển là để cho Ku Xê cầm tay an ủi Tuyết Lan… Thế mới ra nông nỗi. Tuy nhiên bệnh này có biểu hiện đa dạng hơn nhiều. Và chiến trận chính là hoàn cảnh thuận lợi cho căn bệnh hoành hoành. Theo mô tả y học thì bệnh sợ khỉ của Mùi hay kể cả điếc tạm thời của Thiệt cũng có thể liên quan (truyện kể sau thời gian công tác ở Quán Tiên, Thiệt điếc “như có phép màu đã nghe được khá hơn”). Một trong nhiều đặc điểm của bệnh là bệnh nhân rất dễ bị ám thị và tự ám thị dẫn tới nhận thức không đúng về sự vật hiện tượng xảy ra.
Mùi trong áp lực phải đứng mũi chịu sào Quán Tiên, trong tâm trạng vò võ nhiều năm chưa nhận được thư chồng, mới đâm ra thần hồn nát thần tính đi sợ một con vượn. Tất nhiên con này có những biểu hiện dâm dục như bất cứ một con vượn đực trưởng thành nào, nhưng Mùi cho là nó hướng tới mình. Và đó chính là điểm yếu khiến cô không chế ngự được bản thân. Chứ rõ ràng con vượn khá nhỏ so với cô, chưa kể cô còn có súng.
Tuy nhiên ở khía cạnh nghệ thuật, đóng góp của truyện và phim là hướng khán giả tới một tình yêu thương rộng lớn hơn giữa người và loài khác. Về mặt này, truyện giải quyết thuyết phục hơn phim. Trong truyện, Mùi cùng các thành viên Quán Tiên nhất quán trong quyết định giết con vượn “dê”. Rồi sau đó cô mới ân hận khi thấy vẻ rất người của nó trước khi chết. Tất nhiên là cận cảnh này với phim là rất khó, dù là vượn thật hay vượn 3D đi chăng nữa. Đó chỉ là một khoảnh khắc. Cảm xúc của Mùi tiếp tục biến đổi logic khi không cho đồng đội thịt con vượn nhưng lại đâm ra sợ ma con vượn vì đã chôn nó gần cửa hang… Trong phim thì có vẻ cô đã hiểu ra nó cũng chỉ là một con vượn và không có ý định giết nó nữa.
Mặc dù ý tưởng mở quán của thủ trưởng Lâm phải nói là quá hay, vừa thực tế vừa lãng mạn nhưng không trụ được lâu cũng là điều dễ hiểu. Sau khi các cô gái lần lượt có vấn đề phải rời đi, các anh lính được điều động thay thế. Nhưng hóa ra là bộ đội dừng chân không chỉ vì nhu cầu nghỉ ngơi ăn uống đơn thuần mà chủ yếu muốn được một thoáng bước vào “cõi tiên” mà chỉ các cô mới tạo ra được.