Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: Giải pháp có 1% diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp

Bài 1 - 'Điểm nghẽn' phát triển công nghiệp (HBĐT) - Những năm qua, việc phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp (CN) được quan tâm và có những kết quả đáng kể, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều 'điểm nghẽn' trong quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển CN.

Công ty May xuất khẩu Sungilvina hoạt động ổn định tại cụm Công nghiệp Đông Lai - Thanh Hối (Tân Lạc) giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Ảnh: P.V

Công ty May xuất khẩu Sungilvina hoạt động ổn định tại cụm Công nghiệp Đông Lai - Thanh Hối (Tân Lạc) giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Ảnh: P.V

Công nghiệp đóng vai trò quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) giai đoạn 2014-2020, tập trung chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng. Một số chỉ tiêu quan trọng về phát triển CN đạt nghị quyết đề ra.

Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Trần Văn Thành cho biết: Tỉnh có 8 KCN nằm trong quy hoạch phát triển KCN Việt Nam đến năm 2020, tổng diện tích quy hoạch 1.507,43 ha, bằng 0,33% diện tích tự nhiên của tỉnh. Đã có 3/8 KCN là Lương Sơn, Yên Quang, bờ trái sông Đà có nhà đầu tư hạ tầng, 4 KCN có nhà đầu tư thứ phát. Các KCN có 98 dự án, gồm 26 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký 518,05 triệu USD và 72 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 7.396,87 tỷ đồng. Tổng số dự án đang sản xuất, kinh doanh trong các KCN khoảng 60 dự án, chiếm 60,6% dự án đăng ký. Về cơ bản, các doanh nghiệp KCN tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, thực hiện tốt pháp luật môi trường, quy định về phòng, chống cháy nỗ, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp NSNN, giải quyết việc làm cho địa phương.

Giá trị sản xuất CN tại các KCN giai đoạn 2016-2019 tăng 40,13% so với giai đoạn 2011-2015, góp phần đưa giá trị sản xuất CN trong các KCN ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất CN toàn tỉnh. Năm 2019, giá trị sản xuất CN đạt 16.071/37.399 tỷ đồng, chiếm 42,97%; 9 tháng năm 2020 đạt 11.350/31.700 tỷ đồng, chiếm 35,8%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 633,17/791,9 triệu USD, chiếm 79,95%; 9 tháng năm 2020 đạt 440,81/645,23 triệu USD, chiếm 68,3%. Thu ngân sách 9 tháng năm 2020 chiếm 5,7% toàn tỉnh. Giải quyết việc làm cho khoảng 15.700 lao động... 9 tháng năm 2020, giá trị xuất khẩu đạt 645,233 triệu USD, tăng 7,64% so với cùng kỳ năm trước, bằng 62,52% kế hoạch năm; nhập khẩu đạt 581,091 triệu USD, tăng 27,07% so với cùng kỳ, bằng 66,41% kế hoạch năm. Tỉnh hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, thực hiện giá trị xuất, nhập khẩu tăng 3,5 lần so với năm 2015, đạt 1.700 triệu USD; giá trị kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 1.198 USD/người/năm, gấp 3,5 lần so với năm 2015.

Công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN được quan tâm, 2 KCN là bờ trái sông Đà và KCN Lương Sơn có hạ tầng tương đối đồng bộ; tỷ lệ lấp đầy KCN Lương Sơn đạt 98,87%, KCN bờ trái sông Đà đạt 76,97%. Diện tích đất đã GPMB có thể cho các nhà đầu tư thuê khoảng 129 ha tại các KCN.

Những "điểm nghẽn" phát triển công nghiệp

Theo đánh giá của Ban Quản lý các KCN tỉnh: Dù vậy, số dự án đầu tư chưa nhiều, vốn đăng ký nhỏ, GPMB khó khăn; công tác quy hoạch, hạ tầng CN chưa đồng bộ, suất đầu tư cho đất thương phẩm cao, không hấp dẫn nhà đầu tư thứ phát; quỹ đất sạch để thu hút đầu tư chưa nhiều…

Tỷ lệ đầu tư kết cấu hạ tầng các KCN đạt thấp, hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN chưa được quan tâm đúng mức; nhiều KCN chưa triển khai đầu tư; hầu hết các KCN đều phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết; số KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung ít, mới có 2/8 KCN (Lương Sơn, bờ trái sông Đà). Hạ tầng điện tại các KCN chưa đảm bảo, ổn định (trừ 2 KCN Lương Sơn và bờ trái sông Đà), vẫn còn xảy ra tình trạng điện chập chờn, sụt điện hoặc mất điện không được báo trước, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong KCN.

Việc lựa chọn chủ đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm xây dựng và phát triển hạ tầng các KCN còn hạn chế, hầu hết các KCN của tỉnh đều phải thay đổi chủ đầu tư hạ tầng. Một số KCN gặp khó khăn trong việc thu hồi chủ trương, quyết định đầu tư để giao cho nhà đầu tư khác có năng lực triển khai thực hiện. Chỉ tính riêng dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN Lạc Thịnh (Yên Thủy) của Tập đoàn BTG đầu tư, do dự án không khả thi, các sở, ngành và địa phương phải mất 4 năm để giải quyết những tồn tại, theo đó bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư vào KCN này. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch các KCN thiếu đồng bộ, hầu hết quy hoạch chi tiết các KCN đều phải điều chỉnh cục bộ, điều chỉnh phân khu chức năng, một số KCN chưa quy hoạch khu tái định cư, hạ tầng xã hội KCN; chưa kiên quyết xử lý thu hồi đối với các nhà đầu tư không triển khai, hoặc chậm triển khai dự án. Cơ chế, chính sách chưa đủ thông thoáng để thực hiện công tác đầu tư phát triển hạ tầng các KCN, GPMB tạo quỹ đất sạch nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn ngân sách dành cho đầu tư hạ tầng KCN đã được bố trí khoảng 289,3 tỷ đồng, trong đó, bố trí vốn GPMB, tạo quỹ đất sạch 181,364 tỷ đồng, chiếm 62,7% tổng vốn đầu tư, còn lại bố trí đầu tư các công trình thiết yếu như: Trạm xử lý nước thải, đường vào, đường trục chính... của các KCN. Mặt khác, giá thuê đất tại KCN của tỉnh cao và chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Đây là những "điểm nghẽn” để phát triển các KCN của tỉnh.

(Còn nữa)

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/147044/thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-dang-bo-tinh-lan-thu-xvii-giai-phap-co-1-dien-tich-dat-danh-cho-phat-trien-cong-nghiep.htm