Thực hành đúng các tiêu chí ESG giúp doanh nghiệp phát triển xanh, bền vững

Trong xu hướng chuyển đổi xanh đang diễn ra trên thế giới nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam thể hiện sự quan tâm tới các tiêu chí Môi trường-Xã hội-Quản trị (ESG). Tuy nhiên, việc lồng ghép cũng như kết hợp những tiêu chí này vào quá trình phát triển của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

ESG vẫn khá mới mẻ với doanh nghiệp Việt

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiêu chuẩn ESG để các doanh nghiệp và các nhà quản lý có thể ứng dụng hiệu quả trong thực tế, ngày 09/11, tại Hà Nội, báo Việt Nam News trực thuộc Thông tấn xã Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “ESG: Biến cam kết thành hành động”.

Tham gia hội thảo có đại diện các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý doanh nghiệp để cùng thảo luận những chính sách liên quan tới Môi trường-Xã hội-Quản trị (ESG), chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và kết nối trong nỗ lực hiện thực hóa những mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Tọa đàm tập trung thảo luận những khó khăn, thách thức trong quá trình áp dụng các tiêu chí ESG tại Việt Nam, cũng như chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam thực hành ESG một cách hiệu quả hơn.

Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đoàn Thị Tuyết Nhung phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đoàn Thị Tuyết Nhung cho rằng, hiện nay, đã có ngày càng nhiều các doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia một cách tích cực và chủ động vào nỗ lực giảm thiểu carbon, giảm rác thải, cũng như các hoạt động trách nhiệm với cộng đồng như một phần trong các tiêu chí ESG.

Khi áp dụng thành công, ESG sẽ giúp các doanh nghiệp và các nhà quản lý tháo gỡ những khó khăn nổi cộm nhất ở thời điểm hiện tại và nắm bắt cơ hội tốt nhất trong tương lai.

Nhiều nghiên cứu trong những năm gần đây đã chỉ ra rằng ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam thể hiện sự quan tâm tới các tiêu chí ESG như là một phương pháp hữu hiệu để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như thuyết phục người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của mình.

Tuy nhiên, việc lồng ghép cũng như kết hợp những tiêu chí này vào quá trình phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Còn nhiều rào cản đang đặt ra đối với các doanh nghiệp trong áp dụng các tiêu chí ESG để biến cam kết thành hành động, nhất là trong bối cảnh ESG vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Nguyễn Quang Vinh phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) Nguyễn Quang Vinh thông tin, có tới 80% các doanh nghiệp tại Việt Nam được hỏi trong một cuộc thăm dò gần đây của PwC và Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam cho biết đã đặt ra cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG.

Song bên cạnh đó, báo cáo này cũng đưa ra một số con số phần nào thể hiện các thách thức, rào cản trong việc thực hành ESG tại Việt Nam. Cụ thể, có tới 71% doanh nghiệp thiếu hiểu biết về dữ liệu cần có để báo cáo, 70% chưa có hoặc hạn chế báo cáo ESG, và chỉ 36% doanh nghiệp sử dụng đối tác bên ngoài để xác thực các thông tin ESG được công bố.

Doanh nghiệp vẫn thiếu thông tin, nguồn lực trong thực hành ESG

Theo ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, ESG không chỉ là cam kết của doanh nghiệp mà là đòi hỏi thực sự của cuộc sống và thị trường, đòi hỏi của người tiêu dùng với rất nhiều luật lệ.

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ về ESG đối với sự phát triển, lợi thế cạnh tranh của mình, cũng như những cơ hội và cả thách thức mà ESG đem lại.

Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, gần đây, ESG là khái niệm xuất hiện với tần suất nhiều hơn, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã công bố báo cáo ESG và có thành tựu nhất định trong công tác này.

Khẳng định ESG là xu hướng tất yếu, song bà Trịnh Thị Hương cũng nhấn mạnh chắc chắn sẽ có nhiều rào cản cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thực hành ESG.

Theo đó, các doanh nghiệp tiên phong trong ESG đều là các công ty có quy mô lớn, các doanh nghiệp FDI và là các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu, quan tâm đến các yêu cầu của thị trường liên quan phát triển bền vững.

Theo bà Hương, với việc 97,8% các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cần thẳng thắn nhìn nhận ESG vẫn là khái niệm khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Những doanh nghiệp này bản thân đã có nhiều hạn chế, khó khăn cố hữu, như thiếu vốn, yếu về khoa học công nghệ, kỹ năng quản trị kém... Trong các khảo sát gần đây, các doanh nghiệp cho biết, thách thức đầu tiên trong thực hành ESG là thiếu thông tin và kiến thức, đa số doanh nghiệp băn khoăn phải bắt đầu từ đâu, làm như thế nào, thực hành có tốn kém hay không…

Ngoài ra, để thực hành ESG, chẳng hạn như tuân thủ yêu cầu về môi trường, cần cải tiến công nghệ, áp dụng nguồn năng lượng mới…, tất yếu phải có nguồn lực kể cả về tài chính và con người.

ESG là cơ hội để giúp doanh nghiệp phát triển

Các chuyên gia, diễn giả tại tọa đàm. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Tuy vậy, bà Trịnh Thị Hương cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần nhìn nhận ESG không phải là gánh nặng về chi phí, mà cần coi đó là khoản đầu tư, và đầu tư để thu lại lợi ích.

Theo bà Hương, khi thực hành ESG sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tuân thủ đúng quy định pháp luật mà còn đáp ứng yêu cầu thị trường, dẫn đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ cao hơn và từ đó sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn xanh dễ dàng hơn.

Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban Quan hệ đối tác, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho rằng, các khái niệm phát triển ở khối doanh nghiệp, trong đó có ESG có liên quan đến nhau, và ESG chính là công cụ lượng hóa để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, theo ông Hải, việc tiếp cận thông tin để có sự hiểu biết đầy đủ và nắm vững công cụ là một thách thức không chỉ riêng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ mà kể cả doanh nghiệp có quy mô lớn.

“ESG là cam kết có đo lường bằng chỉ tiêu và đó là một thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam và trên thế giới nói chung về thực thi ESG”, ông Phạm Hoàng Hải cho biết.

Để giúp doanh nghiệp lồng ghép các tiêu chí ESG vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, theo ông Hải, VBCSD đã cung cấp các hướng dẫn cụ thể về kết hợp ESG trong chiến lược phát triển.

Theo đó, các doanh nghiệp có thể áp dụng các bộ chỉ tiêu để căn cứ vào đó lượng hóa các tiêu chí ESG và áp dụng vào thực tế doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cho biết, các doanh nghiệp có thể sử dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) xây dựng bởi VCCI để tiến hành tham chiếu và đánh giá tổng thể về khả năng quản trị, kinh tế, xã hội, môi trường và phát hiện ra các lỗ hổng cần khắc phục hay các tiềm năng để phát triển.

Theo nhandan.vn

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/thuc-hanh-dung-cac-tieu-chi-esg-giup-doanh-nghiep-phat-trien-xanh-ben-vung-post57771.html