Thúc đẩy hợp tác quốc tế, cùng vượt qua thách thức

Nhận lời mời của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới-G20 (HNTĐ G20) được tổ chức trực tuyến từ ngày 21 đến 22-11.

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự HNTĐ G20, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, góp phần khẳng định sự ủng hộ, hợp tác tích cực của Việt Nam và ASEAN vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với những thách thức đang nổi lên.

HNTĐ G20 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2020 suy thoái sâu, triển vọng phục hồi bấp bênh, không đồng đều, tiềm ẩn nhiều rủi ro do đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng. Các vấn đề an ninh phi truyền thống gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội của nhiều nước, việc triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững...

Đó là những thách thức rất đáng lo ngại. Nhưng mối quan ngại lớn nhất được nhận diện lại là sự suy giảm hợp tác quốc tế trong bối cảnh hợp tác toàn cầu cần phải đóng vai trò lớn hơn. Đại dịch Covid-19 đang tàn phá các nền kinh tế dễ bị tổn thương và khiến các nền kinh tế lớn cũng phải lao đao. Dự báo hậu quả của Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ lớn hơn cuộc khủng hoảng năm 2008 có nguy cơ trở thành hiện thực. Hơn lúc nào hết, thế giới cần cùng nhau hành động để chiến thắng đại dịch và hồi phục nhanh nhất có thể.

Vì vậy, HNTĐ G20 năm 2020 với chủ đề “Hiện thực hóa các cơ hội trong thế kỷ 21 vì mọi người dân” được trông đợi là dịp để các nhà lãnh đạo cùng nhau bàn thảo những biện pháp thúc đẩy và tăng cường hợp tác trong các nội dung ưu tiên được xác định.

G20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn, gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu (EU), hiện chiếm 2/3 dân số thế giới, hơn 90% GDP toàn cầu và khoảng 80% thương mại quốc tế. Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng để các thành viên G20 phát huy vai trò là lực lượng chủ chốt của nền kinh tế thế giới, phối hợp hành động để đưa ra những phản ứng kịp thời. Thời gian đã chứng minh G20 không chỉ là diễn đàn của các cam kết chính trị, mà còn là nơi thúc đẩy các sáng kiến hành động thực chất và hiệu quả, với các mục tiêu rõ ràng. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 mới đây đã cam kết “làm mọi thứ” để hỗ trợ sự ổn định tài chính và kinh tế toàn cầu; nhất trí gia hạn thêm 6 tháng đối với Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) cho các nước nghèo nhất thế giới năm nay và sẽ xem xét lại vấn đề này vào tháng 4-2021...

Trong nỗ lực chung toàn cầu, sự tham gia của Việt Nam vào G20 tiếp tục khẳng định các nỗ lực chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương nói chung. Việc Việt Nam thường xuyên được mời tham dự các hội nghị của G20 những năm gần đây cũng cho thấy vai trò, vị trí và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng gia tăng trên trường quốc tế. Việt Nam được mời tham dự HNTĐ G20 tại Canada và Hàn Quốc vào năm 2010 với tư cách Chủ tịch ASEAN. Năm 2017, trên cương vị chủ nhà Năm APEC, Việt Nam được mời tham dự HNTĐ G20 và các hoạt động liên quan trong năm Đức làm chủ tịch. Nhiều sáng kiến đóng góp của Việt Nam đã được G20 ghi nhận trong Tuyên bố chung như đề cao hợp tác quốc tế trong xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, phát triển bao trùm và bền vững, nông nghiệp và an ninh nguồn nước, việc làm trong kinh tế số. Năm 2019, Nhật Bản mời Việt Nam tham dự diễn đàn này với tư cách khách mời. Tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu đề cập những vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu, được các nước ghi nhận, đánh giá tích cực và phù hợp với các mục tiêu của diễn đàn.

Năm 2020, mặc dù bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào các hoạt động đa phương trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự HNTĐ G20 một lần nữa góp phần khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là dịp để Việt Nam đóng góp hơn nữa vào nỗ lực chung toàn cầu nhằm ngăn chặn Covid-19 với tư cách một quốc gia đã khống chế và kiểm soát thành công đại dịch, được thế giới đánh giá cao; khẳng định hình ảnh đất nước phát triển năng động, khả năng thích ứng, cởi mở, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Tham dự diễn đàn, Việt Nam sẽ góp thêm tiếng nói cùng với các nước giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, G20 với nỗ lực của mình cùng các quốc gia trên thế giới đã đưa thế giới vượt qua nhiều gian khó. Chúng ta tin tưởng thông qua HNTĐ G20 lần này, G20 một lần nữa sẽ phát huy sức mạnh và vai trò đầu tàu kinh tế, góp phần củng cố và thúc đẩy hợp tác quốc tế, đưa thế giới vượt qua “cơn bĩ cực” mang tên Covid-19 và tiếp tục phát triển.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/xa-luan/thuc-day-hop-tac-quoc-te-cung-vuot-qua-thach-thuc-644427