Thừa Thiên Huế: Huy động tổng lực khắc phục hậu quả của bão số 13

Bão số 13 đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm hàng nghìn nhà dân bị tốc mái, nhiều công trình, trường học, trụ sở cơ quan bị hư hỏng và nhiều tàu thuyền bị đánh chìm.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ kiểm tra tình hình sạt lở ven biển tại xã Giang Hải, huyện Phú Lộc.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ kiểm tra tình hình sạt lở ven biển tại xã Giang Hải, huyện Phú Lộc.

Ngày 16/11, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì cuộc họp triển khai phương án khắc phục hậu quả bão số 13.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, bão số 13 không có thiệt hại về người, nhưng đã gây thiệt hại lớn về vật chất tại tuyến ven biển, làm sập 6 nhà, tốc mái 4.687 nhà (các huyện có số nhà bị tốc mái cao là Phú Vang 2.150 nhà, Phú Lộc 909 nhà, Quảng Điền 785 nhà…). Nhiều trụ sở cơ quan, trường học bị tốc mái. Hạ tầng giao thông, điện lực, viễn thông cũng thiệt hại đáng kể.

Ngoài ra, bão số 13 làm gãy đổ 90ha rừng trồng, gần 200 cây xanh đường phố; nhiều tàu thuyền bị sóng đánh hư hỏng, chìm. Triều cường, sóng lớn, nước dâng cao đã làm cho bờ biển toàn tỉnh bị xói lở nặng với chiều dài 14km, tập trung ở các đoạn xung yếu qua xã Giang Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền (Phú Lộc), Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải, Vinh Thanh (Phú Vang), Hải Dương (thị xã Hương Trà), Phong Hải (Phong Điền)… Trên sông Bồ, sông Hương, sông Ô Lâu tiếp tục bị sạt lở…

Chủ tịch Phan Ngọc Thọ chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương nỗ lực tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt gắn với tái thiết phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân.

Triển khai ngay nguồn lực hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai bão lụt một cách thiết thực, hiệu quả; trong đó tập trung hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, trường học, khôi phục lại sản xuất, khắc phục công trình hạ tầng bị hư hỏng nhằm sớm ổn định lại cuộc sống và sản xuất của người dân.

Tàu đứt dây neo buộc đâm sập nhà dân.

Tàu đứt dây neo buộc đâm sập nhà dân.

Ngành giáo dục chú trọng giải pháp để học sinh các vùng thấp trũng sớm trở lại trường học đảm bảo an toàn, tính đến phương án mượn cơ sở vật chất đối với các trường ngập úng lâu ngày. Đồng thời, rà soát, ưu tiên hỗ trợ sách giáo khoa, bàn ghế.

Đối với ngành Y tế, ông Thọ đề nghị các phòng ban chức năng hướng dẫn những địa phương, đơn vị tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát sau bão lũ.

“Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh, thiên tai đã tác động và ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, xã hội cũng như đời sống của người dân. Những tháng còn lại của năm 2020, các đơn vị, địa phương cần xây dựng phương án, kịch bản cụ thể, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Anh Tuấn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thua-thien-hue-huy-dong-tong-luc-khac-phuc-hau-qua-cua-bao-so-13-401938.html