Thủ tướng yêu cầu dùng flycam phát hiện sớm nguy cơ sạt lở

Sau sự cố sạt lở tại Hà Giang, Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và tỉnh Hà Giang triển khai ngay các flycam bay quét các điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở để cảnh báo sớm.

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở tại Hà Giang

Ngày 30/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 101/CĐ-TTg ngày 30/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ gửi các Bộ: Quốc phòng, GTVT, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự (BCĐPTDS) quốc gia và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang về việc khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở tại Hà Giang và ứng phó với nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét.

Công điện được ban hành sau khi xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng tại khu vực Km 51 Quốc lộ 2 (QL2) thuộc xã Việt Vinh (H.Bắc Quang, Hà Giang) sáng 29/9 khiến 1 người chết, 2 người mất tích và 4 người bị thương. Trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình bị nạn. Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang tiếp tục chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác khắc phục hậu quả và ứng phó nguy cơ sạt lở đất; tập trung tìm kiếm người mất tích; cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình người bị nạn, đồng thời bảo đảm đời sống cho người dân. Văn phòng BCĐPTDS quốc gia điều phối, huy động lực lượng, phương tiện cần thiết, phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét.

Các tỉnh Quảng Ninh đến Bình Định chủ động ứng phó với bão gần Biển Đông

Các tỉnh Quảng Ninh đến Bình Định chủ động ứng phó với bão gần Biển Đông

Đặc biệt, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và tỉnh Hà Giang triển khai ngay các flycam bay quét các điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở, kịp thời phát hiện các vết để cảnh báo sớm và có biện pháp phòng ngừa, di dời dân cư; bảo đảm an toàn cho các lực lượng cứu hộ. Ngoài ra, Bộ GTVT được giao phối hợp với địa phương rà soát, cảnh báo sớm các đoạn, tuyến giao thông (GT) có nguy cơ sạt lở; có phương án phân luồng GT để bảo đảm lưu thông hàng hóa, đi lại an toàn cho nhân dân; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý thông tuyến nhanh nhất khi có tình huống. Bộ TN&MT được giao theo dõi, cảnh báo, dự báo về mưa lũ, thông tin kịp thời về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Bộ NN&PTNT theo nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi sát tình hình, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt ở khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ.

Đã tìm thấy 3 nạn nhân bị vùi lấp

Đại tá Nguyễn Đức Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang cho biết, đầu giờ chiều 30/9, CBCS Công an tỉnh Hà Giang đã tìm thấy thêm một thi thể nạn nhân trong vụ sạt lở nghiêm trọng tại QL2, đoạn Km51 thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh, H.Bắc Quang. Nạn nhân được tìm thấy là T.Đ.Đ (SN 1994, thường trú tại thôn Tân Mỹ, xã Việt Vinh), là người livestream trực tiếp cảnh báo về vụ sạt lở trên Facebook cá nhân trước khi vụ sạt lở xảy ra, được tìm thấy ngay tại vị trí sạt lở nhưng bị vùi ở dưới rất nhiều lớp bùn, đất. Đây là nạn nhân thứ 3 trong vụ sạt lở nghiêm trọng đã được tìm thấy. Trước đó, CBCS Công an tỉnh Hà Giang và các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể cháu M.T.T (SN 2014, ở xã Đồng Tâm) và chị T.T.H (SN 1971, trú tại thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh) bị đất đá vùi lấp, đã bàn giao cho gia đình mai táng. Hiện, vẫn còn 3 người mất tích gồm: Ng.A.T (SN 1992, trú tại thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh), Ng.V.T (chưa rõ năm sinh, trú tại thôn Tân Tiến, xã Tân Quang) và V.T.X (SN 1970, trú tại thôn Thượng Mỹ, xã Việt Vinh) mất tích do nước lũ cuốn trôi. Hiện công tác tìm kiếm người mất tích và khắc phục hậu quả vụ sạt lở nghiêm trọng ở H.Bắc Quang vẫn đang được hàng trăm CBCS Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang và các lực lượng tại địa phương khẩn trương thực hiện.

Trước đó, sáng 30/9, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai tại khu vực sạt lở đất, đá nghiêm trọng tại địa phận thôn Nậm Buông và kiểm tra tình hình khắc phục thiên tai tại thôn Thượng Mỹ, xã Việt Vinh. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chỉ đạo tất cả các đơn vị, địa phương huy động tối đa lực lượng và phương tiện như máy múc, xe tải, khẩn trương tìm kiếm người mất tích; thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" kịp thời hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng chia làm 2 mũi thi công thực hiện múc, san gạt đất, đá ở 2 đầu khu vực sạt lở trên QL2, bảo đảm thông tuyến GT trong thời gian sớm nhất.

Sau khi vụ sạt sở xảy ra, tối 29/9, xã Việt Vinh đã vận động, thực hiện di dời khẩn cấp 46 hộ dân với hơn 170 khẩu tại thôn Thượng Mỹ và 10 hộ dân của thôn Tân Mỹ do bị ảnh hưởng thiên tai và nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến ở tạm tại nhà người thân hoặc tại Nhà văn hóa thôn Tân Mỹ. Chính quyền địa phương cũng huy động các lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân vận chuyển tài sản đến nhà văn hóa thôn Tân Mỹ; bố trí các tổ thiện nguyện, lực lượng đoàn viên thanh niên hỗ trợ, tiếp tế lương thực, thực phẩm bảo đảm cung cấp cho người dân tại khu vực ở tạm thời.

Công an phối hợp các lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người dân bị mắc kẹt do mưa lớn gây sạt lở tại Hà Giang

Chiều 30/9, Bộ NN&PTNT có Công điện số 7341/CĐ-BNN-ĐĐ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định chủ động ứng phó với bão gần Biển Đông. Công điện nêu rõ: Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão Krathon ở vào khoảng 20,4 độ vĩ bắc, 121,3 độ kinh đông, trên vùng biển phía bắc đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 10-15km/giờ; dự báo trong 24 giờ tới, bão Krathon có khả năng đi vào vùng biển phía Đông Bắc khu vực bắc Biển Đông, kết hợp rãnh áp thấp gây mưa giông, sóng lớn ở Bắc Biển Đông và Vịnh Bắc Bộ.

Để chủ động ứng phó với diễn biến, ảnh hưởng của bão, Bộ NN&PTNT đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: Phía bắc vĩ tuyến 18,0; phía đông kinh tuyến 116,5 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo). Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Nhóm PV

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/thu-tuong-yeu-cau-dung-flycam-phat-hien-som-nguy-co-sat-lo_167957.html