Thủ tướng: Cố gắng hơn nữa trong việc tạo điều kiện cho bà con vay vốn

Chính phủ luôn có các chính sách về vốn, tín dụng kịp thời nhằm hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp đảm bảo phát triển sản xuất. Vốn hiện nay với nông dân là vô cùng cấp thiết, vì vậy Ngân hàng Nhà nước cố gắng hơn nữa trong việc tạo điều kiện cho bà con vay vốn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại cuộc đối thoại với nông dân lần thứ 3. Ảnh: Khánh Linh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại cuộc đối thoại với nông dân lần thứ 3. Ảnh: Khánh Linh

Chiều 28/9 đã diễn ra hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì; Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao tổ chức thực hiện. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi đối thoại. Hội nghị có sự tham dự của hơn 300 nông dân xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hơn 14 triệu hộ nông dân của cả nước.

Nhà nước có nhiều chính sách tín dụng kịp thời hỗ trợ nông dân

Tại cuộc đối thoại, một trong những vấn đề ‘”nóng” được các nông dân quan tâm liên quan đến chính sách về tín dụng. Nông dân bày tỏ nguyện vọng Chính phủ và ngân hàng cùng các tổ chức tín dụng khác xem xét sớm có giải pháp ưu tiên cho nông dân như giảm lãi suất, coi hợp đồng bảo hiểm là điều kiện vay vốn và cho vay toàn bộ phí mua bảo hiểm đối với cây trồng, trong đó có cây cà phê.

Ở góc độ ngân hàng, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, NHNN đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai chương trình tái canh cà phê, quy mô dự án với nguồn vốn lên tới 12.000 tỷ đồng, dành riêng tái canh cà phê cho 5 tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, mất tới 5 - 7 năm do những vướng mắc cả về chính sách, tâm lý ngại thay đổi của nông dân.

Chính sách hỗ trợ sản xuất cây công nghiệp chủ lực và các cây trồng có tiềm năng ở Tây Nguyên như cà phê, tiêu, điều, bơ, cây ăn quả khác hiện vẫn đang được thực hiện theo Nghị định 55, có sửa lại năm 2018 đã mở ra rất nhiều điều kiện thuận lợi về vay vốn, theo đó bà con không cần tài sản thế chấp vẫn có thể được vay lên đến 3 tỷ đồng, đi kèm với đó là các chính sách bảo hộ, hỗ trợ rủi ro thiên tai khách quan.

Tuy nhiên, đối với chuyện cây tiêu chết hàng loạt năm 2018 vừa qua, đặc biệt là ở địa bàn Gia Lai, Đắk Lắk khiến ngân hàng đang có tới 2.400 tỷ đồng thuộc diện khó đòi. NHNN đã ngay lập tức có văn bản chỉ đạo giãn nợ, cho vay mới để bà con tiếp tục có vốn đầu tư sản xuất, chuyển đổi cây khác. NHNN vẫn tiếp tục tìm cách giúp bà con có giải pháp tháo gỡ, có thu nhập để giải quyết khoản nợ này.

Ông Đào Minh Tú cũng cho biết thêm, về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại nông thôn, đầu năm 2014 đã có Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt và được Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt hướng về vùng nông thôn. Đầu năm 2020, cũng đã ban hành chính sách phát triển tài chính toàn diện, trong đó có thanh toán không dùng tiền mặt. Cách đây 1 tháng, NHNN đã triển khai Mobile Banking. Đây là những phương thức rất thuận lợi cho người dân, bởi không cần ATM hay phòng giao dịch ngân hàng… người dân vẫn có thể thanh toán nếu có sử dụng điện thoại thông minh. Hiện nay là thời điểm NHNN đang rất quyết liệt và trong thời gian cao trào phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Về bảo hiểm nông nghiệp, NHNN đã khuyến khích người dân mua bảo hiểm theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP vì nông nghiệp là lĩnh vực rất nhiều rủi ro. Nghị định quy định rõ, tiền mua bảo hiểm cũng được cho vay; tuy nhiên người dân nếu lấy đó làm đảm bảo tiền vay thì không được. Tham gia bảo hiểm nông nghiệp là điều kiện khuyến khích các ngân hàng quan tâm tạo điều kiện thuận lợi hơn khi cho vay.

Đối với cho vay không cần thế chấp, Nghị định 55 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55 có quy định cho vay không thế chấp lên tới 3 tỷ đồng tùy từng đối tượng. Tuy nhiên, theo cơ chế hiện nay thì thẩm quyền cho vay tín chấp hay không hoàn toàn giao cho giám đốc ngân hàng chịu trách nhiệm. Vì vậy, có những DN vay hàng chục, trăm tỷ đồng mà quản lý được dòng tiền, phương án kinh doanh hiệu quả thì vẫn có thể vay không cần thế chấp. Ngược lại, với DN không rõ mục đích sử dụng vốn, dòng tiền không quản lý được thì sẽ khó được cho vay tín chấp.

Tín dụng đen đã giảm

Cùng với đề xuất ưu tiên cho nông dân như giảm lãi suất, coi hợp đồng bảo hiểm là điều kiện vay vốn… nông dân cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng trước tình trạng rất đáng báo động là những năm gần đây các băng nhóm núp bóng dưới danh nghĩa "công ty tài chính" về các vùng nông thôn để dụ dỗ người dân vay nặng lãi. Người dân rất mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành công an điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần ngăn chặn tình trạng này.

Liên quan về tín dụng đen, Trung tướng Lương Tam Quang – Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, thời gian quan lực lượng công an liên tục mở các đợt cao điểm triệt phá băng nhóm tội phạm như cướp giật, tín dụng đen, triệt xóa các tụ điểm tệ nạn ma túy, cờ bạc, hay các nhóm tội phạm kinh tế…, nhằm bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng cuộc sống an toàn tại nông thôn.

Hàng chục ngàn vụ vi phạm đã được lực lượng công an tiến hành trấn áp, xử lí, trong đó có gần 4.000 vụ phạm tội kinh tế, hơn 1.000 vụ vi phạm về ô nhiễm môi trường, ngoài ra có nhiều vụ phá rừng… Ngoài giải pháp đảm bảo an ninh cây trồng, vật nuôi thủy sản, chế phẩm sinh học, phân bón…, Bộ Công an cũng đã phối hợp với Bộ NN&PTNT làm sao nâng cao giá trị sản xuất nông sản của người nông dân.

Để triệt phá những tổ chức núp bóng công ty tài chính, mà bản chất là tín dụng đen, “Chúng tôi đã cùng NHNN có giải pháp làm sao nguồn vốn NHNN tiếp cận được bà con nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp dễ dàng hơn", Trung tướng Lương Tam Quang nói.

Bộ Công an thực hiện Luật Công an nhân dân, triển khai bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã. Lực lượng này đã triển khai bài bản các mặt công tác, nhờ đó có những chuyển biến rõ rệt ở vùng nông thôn, được bà con đồng tình ủng hộ. Cùng với đó, Bộ Công an cũng đã xây dựng thông tư phối hợp với các bộ ngành xử lí tất cả tin báo tố giác tội phạm. Quan điểm là những tin báo đó phải được xác định điều tra, xử lí triệt để. "Chúng tôi cũng rất cần sự phối hợp của người dân trong việc phát hiện, tố giác những tổ chức, hành vi tín dụng đen. Chúng tôi cũng đã đăng kí với Quốc hội sẽ xử lí trên 90% tin tố giác tội phạm, xác minh, điều tra xử lí triệt để”- Trung tướng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

Đồng thời, cơ quan công an tiếp tục triển khai cao điểm tấn công đối tượng tội phạm này không chỉ ở các vùng nông thôn mà cả ở các nơi khác đối với băng nhóm lợi dụng công ty tài chính để hoạt động phi pháp. Về cơ bản, hiện nay các công ty núp bóng này đã được triệt phá ở rất nhiều địa phương.

Thông tin về tín dụng đen, ông Đào Minh Tú khẳng định, Bộ Công an thời gian qua đã quyết liệt, xử lý loại trừ tội phạm tín dụng đen. Tuy nhiên ông Đào Minh Tú nhấn mạnh: “Xin nói rõ thêm là các công ty tài chính không hoạt động tín dụng đen, mà là các tổ chức tín dụng núp bóng công ty tài chính để hoạt động phạm pháp. Còn lại, nói chung các công ty tài chính hoạt động đúng quy định, giúp bà con tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả. 3 - 4 năm trước, tại địa bàn Tây Nguyên, hay Thanh Hóa các đối tượng này hoạt động rất mạnh, năm 2018 chúng tôi đã khảo sát và phối hợp với Bộ Công an tổ chức hội nghị rộng rãi tuyên truyền tới bà con thế nào là tín dụng đen, khi cần vốn tiếp cận ở đâu? Dưới góc độ ngân hàng, thời gian qua các đối tượng tín dụng đen đã giảm rõ rệt”.

Phát biểu kết luận cuộc đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, các bộ ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách các chính sách đầu tư vốn cho nông nghiệp, chính sách về hạn điền, tích tụ đất đai quy mô lớn; thực hành sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các chuỗi giá trị, thúc đẩy liên kết 6 nhà. Nếu 6 nhà không liên kết tốt thì khó thực hiện hiệu quả, nhất là các nút thắt về vốn, thị trường…

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta còn nhiều vấn đề trăn trở, hi vọng qua hội nghị này những vấn đề đó sẽ được chúng ta cùng nhau giải quyết, góp phần nâng cao đời sống nông dân. Trong đó, giải quyết vốn tín dụng cho nông dân đang là vấn đề bức xúc, cần có phương án giảm, hoãn cho những hộ nông dân ở những vùng bị thiên tai để bà con có vốn tái tạo sản xuất; thứ hai, giải quyết các vướng mắc về đất đai cho bà con, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số…”.

"Vốn hiện nay với nông dân là vô cùng cấp thiết, tôi cho đó là nỗi niềm của bà con, mong rằng NHNN cố gắng hơn nữa trong việc tạo điều kiện cho bà con vay vốn" - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý./.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-09-28/thu-tuong-co-gang-hon-nua-trong-viec-tao-dieu-kien-cho-ba-con-vay-von-92769.aspx