Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử

Sáng 12/2/2020, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Hội nghị hôm nay nhằm tổng kết, đánh giá một năm triển khai Chính phủ điện tử để nhân rộng những cách làm hay và bổ sung, hoàn thiện các giải pháp một cách thực chất. Hội nghị sẽ thảo luận về các cản trở, khó khăn trong xây dựng Chính phủ điện tử, đưa ra những nhiệm vụ mới, giải pháp mới để năm 2020 thực hiện đạt kết quả tốt, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vào lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam.

Theo Thủ tướng, Chính phủ điện tử không phải làm một lúc là xong được mà chia làm nhiều giai đoạn, có những giai đoạn quan trọng, trong đó năm 2020 là năm nhiều thách thức, nhất là đang diễn ra dịch nCoV. Do đó, chúng ta phải có định hướng triển khai có hiệu quả nhất để tăng năng suất lao động.

Nhấn mạnh các cản trở, khó khăn hiện nay trong đó có tình trạng mạnh ai nấy làm, Thủ tướng kỳ vọng Hội nghị sẽ đưa ra được những giải pháp hiệu quả, để đạt kết quả thiết thực, từ nhận thức đến hành động.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2019, công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tăng gấp đôi. Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được khai trương và đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả bước đầu; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện.

Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (9/12/2019) đến nay, đã có 47.377 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có hơn 13,7 triệu lượt truy cập; hơn 945.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái. Đến thời điểm này, đã có 9/22 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ khai trương (ngày 12/3/2019) đến ngày 10/2/2020, đã có hơn 1,26 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia.

Bên cạnh những kết quả như trên, trong triển khai các nhiệm vụ Chính phủ điện tử vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chưa hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật làm khung thể chế cho triển khai Chính phủ điện tử, chưa hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai. Trên 70% các bộ, ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu...

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-truc-tuyen-uy-ban-quoc-gia-ve-chinh-phu-dien-tu-post73586.html