Thủ tướng Chính phủ: Xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn

Xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo'. Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật vào sáng 04/3.

Các thành viên Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần phải đầu tư cho công tác xây dựng thể chế tương xứng với một trong ba đột phá chiến lược. Cần tập trung hơn nữa cho việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Các cơ quan cần tiếp tục rà soát các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, những vấn đề mới phát sinh nổi lên, những vấn đề chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng lạc hậu với tình hình.

Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng pháp luật phải huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Pháp luật phải bao quát được các đối tượng điều chỉnh, tránh tình trạng bỏ trống, bỏ sót. Thủ tướng lưu ý cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát; cố gắng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tinh thần là một việc chỉ cần một cơ quan giải quyết một lần, tránh một việc phải nhiều cơ quan giải quyết và giải quyết nhiều lần.

Nêu rõ quan điểm cơ quan nào làm tốt nhất thì giao việc, Thủ tướng yêu cầu tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, thực tiễn cho thấy nếu đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo, các bộ trưởng liên quan tăng cường phối hợp, hỗ trợ thì công việc sẽ trôi chảy, hiệu quả, vừa bảo đảm tiến độ, vừa nâng cao chất lượng các dự án luật. Thủ tướng cũng lưu ý, xây dựng pháp luật là việc khó, đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ, do đó cần quan tâm, đầu tư xứng đáng về lãnh đạo, chỉ đạo, cơ sở vật chất, nhân lực, cơ chế, chính sách, tài chính cho công tác này./.

Thực hiện : Diệu Linh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thu-tuong-chinh-phu-xay-dung-phap-luat-phai-xuat-phat-tu-thuc-tien