Thủ tướng Brexit bất ngờ trở lại ghế ngoại trưởng Anh

Từ chức Thủ tướng Anh sau khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu Brexit vào năm 2016, nhưng mới đây ông David Cameron đã sải bước trên con đường đầy lá của số 10 Phố Downing để nhận lời bổ nhiệm làm ngoại trưởng.

Thủ tướng Brexit

Đối với ông Sunak, ông Cameron chẳng là gì nếu không phải là cầu nối dẫn đến quá khứ của Đảng Bảo thủ. Những quyết định ông đưa ra và những chính sách ông theo đuổi trước đây đang khiến chính phủ của ông Sunak đau đầu.

Bởi rất ít nhân vật của công chúng có mối liên hệ chặt chẽ với Brexit hơn ông Cameron, người đã kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), và từ chức sau khi đa số hẹp người Anh, bao gồm cả Thủ tướng Sunak, bỏ phiếu ủng hộ nó.

Và chính sách thắt lưng buộc bụng Cameron đưa ra khi ông nhậm chức Thủ tướng vào năm 2010 bị cho là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu thốn các dịch vụ công của Anh, khiến nền kinh tế suy thoái, làm sự ủng hộ của chính phủ ông Sunak cũng bị vạ lây.

Năm 2010, ông Cameron đã thành lập chính phủ liên minh với Đảng Dân chủ Tự do ôn hòa, mở ra kỷ nguyên lâu dài của chính phủ Bảo thủ. Mặc dù ông Sunak đã chấp nhận di sản đó, đặc biệt với việc nhấn mạnh vào trách nhiệm tài chính, nhưng dường như ông cũng đang phản đối nó. “Không còn nghi ngờ gì nữa, đã đến lúc phải thay đổi, và chúng ta chính là người như vậy” - Thủ tướng Sunak nói với các thành viên Đảng Bảo thủ vào tháng trước.

Không rõ việc tuyển dụng một cựu thủ tướng phù hợp với định nghĩa về sự thay đổi như thế nào. Nhưng việc bổ nhiệm ông Cameron làm Bộ trưởng Ngoại giao thay ông James Cleverly chuyển sang làm việc tại Bộ Nội vụ, ông Sunak cần nhân vật quen thuộc, có kinh nghiệm để điều hành Bộ Ngoại giao vào thời điểm các cuộc xung đột vũ trang đang hoành hành ở Ukraine và Gaza.

Timothy Bale, Giáo sư chính trị tại Đại học Queen Mary ở London, cho biết: “Có một cơ hội dù mờ nhạt rằng điều này sẽ giúp Anh có thêm ảnh hưởng trên trường toàn cầu vào thời điểm xung đột quốc tế căng thẳng”.

Đưa ông Cameron vào sẽ giúp ông Sunak kéo Nội các của mình về trung dung, sau thời gian những tuyên bố mang tính kích động của bà Braverman đã gây ra những chỉ trích rằng chính phủ đã trở nên cực đoan và quá khích trong các vấn đề như nhập cư. Ông Cameron cũng rất quan tâm đến chính sách đối ngoại.

Với tư cách là thủ tướng, ông đã thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia theo mô hình ở Nhà Trắng. Jonathan Powell, cựu Chánh văn phòng của Thủ tướng Tony Blair, cho biết: “Sunak không quan tâm đến chính sách đối ngoại. Nên việc để ông Cameron ngồi ghế Ngoại trưởng là để ông Sunak không phải lo lắng về đối ngoại trong năm tới?”.

Sai lầm chính trị, bê bối lobby

Nhưng với vấn đề chính trị trong nước, việc bổ nhiệm ông Cameron “khá khó đoán định”, theo GS. Bale. Ông Cameron vẫn là nhân vật gây chia rẽ, ngay cả trong đảng của ông, vì cách ông xử lý cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Một số đảng viên Bảo thủ cáo buộc ông vì lợi ích chính trị, cố gắng dập tắt cánh hữu trong đảng. Những người khác cáo buộc ông lãnh đạo một chiến dịch mờ nhạt chống lại những người ủng hộ Brexit, như Nigel Farage và một cựu thủ tướng khác, Boris Johnson.

Ông Cameron biện minh cho việc kêu gọi trưng cầu dân ý bằng cách nói rằng người Anh xứng đáng được bỏ phiếu về mối quan hệ của đất nước với EU, sau nhiều thập niên là thành viên. Tuy nhiên, Michael Portillo, cựu Bộ trưởng Nội các, cho biết việc kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 “là sai lầm lớn nhất một thủ tướng Anh từng mắc phải”.

Chưa hết, chính sách thắt lưng buộc bụng về tài chính ông Cameron theo đuổi cũng đã phủ bóng đen lên nhiệm kỳ của ông. Ông Cameron đã bảo vệ chính sách này và ưu ý rằng ông đã để lại cho nền kinh tế Anh nhiều việc làm hơn.

Nhưng việc cắt giảm chi tiêu công đã để lại những vết sẹo sâu. Ông Sunak đã thề sẽ giảm thời gian chờ đợi tại các bệnh viện thuộc Dịch vụ Y tế Quốc gia (N.H.S), biến nó thành 1 trong 5 mục tiêu chính của ông. Các nhà phê bình dự đoán đây sẽ là cuộc đấu tranh khó khăn vì nhiều năm thiếu đầu tư, kể từ thời chính phủ của ông Cameron.

GS. Bale cho biết số phiếu thăm dò ý kiến của ông Cameron vốn đã thấp và danh tiếng càng bị hoen ố sau khi ông vướng vào vụ bê bối vận động hành lang thay mặt cho Greensill Capital, một công ty tài chính Anh-Australia đã sụp đổ vào năm 2021.

Ông Cameron không vi phạm bất kỳ luật nào, nhưng những giao dịch của ông đã làm tăng thêm hình ảnh một cựu lãnh đạo đang rút tiền. Theo tờ Financial Times, ông đã kiếm được 70 triệu USD từ quyền chọn cổ phiếu Greensill. Ông cũng đã tới Ả Rập Saudi cùng với người sáng lập công ty, Lex Greensill, nơi cả hai cắm trại cùng Thái tử Mohammed bin Salman.

Hưu nhưng không hắt

Ông Cameron đã có sự nghiệp hậu chính trị thoải mái. Theo báo cáo, ông đã được trả trước số tiền 800.000 bảng Anh cho cuốn hồi ký của mình. Ông tham gia một số hội đồng và trở thành chủ tịch của một tổ chức từ thiện về bệnh Alzheimer. Ông chơi quần vợt thường xuyên tại một câu lạc bộ gần nhà ở Tây London.

Năm 2017, vợ ông Cameron, bà Samantha, bắt đầu kinh doanh thời trang nữ của riêng mình. Ông Cameron vốn đã là thành viên của giới thượng lưu Anh, giờ đây Vua Charles III đã chấp thuận trao cho ông một ghế trong Hạ viện, cho phép ông trở lại nội các với tư cách bộ trưởng.

6 năm làm việc ở Phố Downingsẽ giúp ông Cameron trở thành ngoại trưởng có mối quan hệ cực kỳ tốt. Nhưng các nhà phê bình đang xem xét kỹ lưỡng quan điểm chính sách đối ngoại của chính phủ ông. Thí dụ, ông Cameron đã tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2015, báo trước một “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ giữa với Bắc Kinh.

Ông tham gia một cuộc can thiệp quân sự do Mỹ lãnh đạo vào Libya năm 2011, dẫn đến việc lật đổ nhà độc tài của nước này, Đại tá Muammar el-Qaddafi, nhưng lại bị chỉ trích ở Anh vì hậu quả hỗn loạn.

Ông Cameron vun đắp mối quan hệ thân thiết với Mỹ, từng tham dự một trận bóng rổ ở trường đại học với tư cách khách mời của Tổng thống Barack Obama. Nhưng cả hai đều gặp khó khăn về kế hoạch ứng phó với Syria, sau khi nước này sử dụng vũ khí hóa học chống lại chính người dân của mình.

Văn phòng Thủ tướng Sunak khẳng định ông Cameron là "người có uy tín trên trường quốc tế" và có nhiều kinh nghiệm để đảm nhận vai trò Ngoại trưởng.

Ánh Vân

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/thu-tuong-brexit-bat-ngo-tro-lai-ghe-ngoai-truong-anh-post109896.html