Thủ khoa đầu ra Đại học Kinh tế Quốc dân: Khi đã có đam mê, điều còn lại chỉ là mức độ cố gắng

Thủ khoa đầu ra của Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ câu chuyện đầy cảm hứng về quá trình học tập và chặng đường công việc sắp tới liên quan ngành khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh.

Anh Mai Xuân Bách nhận danh hiệu thủ khoa đầu ra ngành khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh tại lễ tốt nghiệp của Đại học Kinh tế quốc dân. (Ảnh: NVCC)

Anh Mai Xuân Bách nhận danh hiệu thủ khoa đầu ra ngành khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh tại lễ tốt nghiệp của Đại học Kinh tế quốc dân. (Ảnh: NVCC)

Trong kỷ nguyên số, dữ liệu không chỉ là tài nguyên, mà còn là “vàng mới” của thời đại. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, ngành khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh (DSEB) đã nhanh chóng vươn lên trở thành một ngành học hấp dẫn thu hút hàng nghìn sinh viên với kỳ vọng làm chủ công nghệ, dẫn đầu xu thế và mở ra những cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Là thủ khoa đầu ra ngành DSEB thuộc khoa Toán kinh tế của Đại học Kinh tế Quốc dân, anh Mai Xuân Bách đã lựa chọn tiếp tục theo đuổi con đường khoa học dữ liệu mới mẻ nhưng đầy tiềm năng. Hy vọng những chia sẻ từ chàng thanh niên tài năng sẽ là “ngọn đèn” soi đường cho các bạn trẻ - những người đang có niềm đam mê và mong muốn gắn bó với ngành khoa học dữ liệu.

Cơ duyên nào đã khiến anh quyết định lựa chọn gửi gắm 4 năm đại học của mình với chuyên ngành DSEB tại Đại học Kinh tế Quốc dân?

Hồi học lớp 12, mình khá hoang mang trong việc lựa chọn ngành học. Trong thời điểm đó, bạn bè của mình thường lựa chọn theo xu hướng, gia đình, bạn bè hoặc các anh chị đi trước. Bản thân mình cũng vật lộn trong vô vàn lựa chọn, chưa lựa chọn được hướng đi cho bản thân. Nhưng nhờ có sự tư vấn từ gia đình, đặc biệt là các anh chị ở châu Âu, mình bắt đầu quan tâm tới ngành khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh - một lĩnh vực phát triển, được coi trọng ở nước ngoài và có tiềm năng phát triển tại Việt Nam trong tương lai.

Thay vì lựa chọn những trường về công nghệ thuần túy, mình quyết định gửi gắm bốn năm thanh xuân của mình vào Đại học Kinh tế Quốc dân vì chương trình ở đây tập trung nhiều vào ứng dụng trong kinh doanh và nền tảng toán học. Ngành học của mình thuộc khoa toán, nên bên cạnh kiến thức về công nghệ, mình còn được đào tạo bài bản về toán và các phương pháp phân tích. Mình nhận thấy đây là hướng đi phù hợp với bản thân và có thể giúp mình giải quyết các bài toán thực tế trong doanh nghiệp sau này.

Với mọi người, ấn tượng về Đại học Kinh tế Quốc dân là một trường trọng điểm về kinh tế, song ngành khoa học dữ liệu - một ngành đặc thù về công nghệ thông tin và không thuộc top mũi nhọn của trường cũng đang dần nhận được sự quan tâm từ phía các em học sinh. Theo anh, hướng tiếp cận của trường có điểm gì đặc biệt?

Theo mình, điểm đặc biệt của ngành khoa học dữ liệu tại Đại học Kinh tế Quốc dân là sự kết hợp giữa tính học thuật và tính ứng dụng. Trường thường mời các chuyên gia từ doanh nghiệp lớn đến trực tiếp giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với nhu cầu thực tế của thị trường.

Ngoài ra, mình thấy việc ngành đặt ở khoa toán là vô cùng hợp lý, vì toán chính là nền tảng cốt lõi, yếu tố then chốt trong khoa học dữ liệu. Theo góc nhìn của mình, so với công nghệ hay kinh tế, toán vẫn là mảnh ghép lớn nhất giúp xử lý bài toán dữ liệu một cách hiệu quả.

Trong quá trình học tập và làm việc, chắc hẳn bạn đã từng chứng kiến hoặc trực tiếp đối mặt với những rủi ro về an toàn dữ liệu. Anh có thể chia sẻ cụ thể một vài trải nghiệm xương máu của mình về vấn đề này được không?

Thực ra, câu chuyện về dữ liệu bản chất nó đang tồn tại rất nhiều xung quanh cuộc sống. Nếu nói về một trải nghiệm thực tế thì mình nghĩ không cần làm trong ngành mới thấy rõ rủi ro. Ngay khi chúng ta trao đổi thông tin, hay đang nói chuyện thì trên thực tế dữ liệu cá nhân đã có thể bị thu thập mà mình không hề hay biết.

Chỉ cần một lời nói, cuộc gọi video hay từ khóa bất kì, lập tức những quảng cáo liên quan có thể xuất hiện. Rất nhiều người bị gọi điện lừa đảo, bị theo dõi hành vi tiêu dùng, bị lộ thông tin cá nhân mà không biết nguồn rò rỉ từ đâu. Ngay cả người trong ngành cũng không phải ngoại lệ.

Điều đó cho thấy khai thác dữ liệu và bảo mật dữ liệu là hai khía cạnh quan trọng, cần được thực hiện song hành, đồng thời với nhau. Vì vậy, để tự bảo vệ mình và những người xung quanh, mỗi chúng ta cần tự bảo mật dữ liệu cá nhân, không chia sẻ thông tin bừa bãi trên các nền tảng không rõ ràng.

Là một người đã có ít nhiều kinh nghiệm chinh chiến trong ngành, theo anh, những cơ hội mới nào của ngành DSEB đang dần mở ra cho các bạn sinh viên trẻ trong tương lai?

Với mình, để gọi là “kinh nghiệm” thì vẫn hơi sớm, và những gì mình chia sẻ chỉ dựa vào những trải nghiệm cá nhân trong quá trình học, thi các cuộc thi về dữ liệu, làm việc trực tiếp với dữ liệu thực tế. Mình nhận thấy cơ hội trong ngành khoa học dữ liệu là rất lớn, nhưng kèm với đó là những thách thức không nhỏ.

Về mặt cơ hội, hiện nay tiềm năng việc làm rộng mở, nhiều công việc liên quan đến dữ liệu cần được giải quyết. Ví dụ trong ngành tài chính-ngân hàng, các tổ chức tài chính thường sử dụng dữ liệu để phân tích hành vi khách hàng, từ đó giúp cá nhân hóa dịch vụ, đưa ra các chương trình ưu đãi, chăm sóc khách hàng hiệu quả hơn. Bên cạnh ngành tài chính-ngân hàng, các lĩnh vực khác đều phụ thuộc vào nguồn dữ liệu khổng lồ. Vì vậy, vai trò của người làm dữ liệu ngày càng quan trọng và cần thiết.

Tuy nhiên, để từ dữ liệu thô thành sản phẩm hoàn chỉnh cần trải qua nhiều bước như thu thập, làm sạch, phân tích và ứng dụng. Mỗi bước có yêu cầu về kỹ năng riêng, có thể hình dung đây là ma trận với nhiều công đoạn, nơi mỗi giao điểm là một cơ hội nghề nghiệp. Cơ hội nhiều đi đôi với thách thức lớn, để nắm bắt được, mỗi người cần trang bị cho bản thân nền tảng kiến thức vững vàng, kỹ năng thực hành tốt và sự quyết tâm theo đuổi đến cùng.

Theo bạn, hiểu biết về luật pháp dữ liệu từ sớm có vai trò như thế nào đối với một người có dự định theo đuổi ngành DSEB?

Việc hiểu biết về luật pháp dữ liệu là điều bắt buộc, đặc biệt khi làm việc với dữ liệu thật-những thông tin gắn với con người thật, sự việc thật. Khi còn là sinh viên, dữ liệu mình tiếp cận chủ yếu là dữ liệu mô phỏng, được công bố công khai và không liên quan đến quyền riêng tư. Nhưng khi đi làm, mình sẽ tiếp xúc với dữ liệu cá nhân được pháp luật bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Hiện nay, Việt Nam đã có những văn bản pháp lý quy định về vấn đề này như Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quy định rõ thông tin cá nhân, thông tin cần bảo mật, và trách nhiệm của người xử lý dữ liệu. Thực tế, các quy định đang đi sâu vào thực tiễn, thay đổi thói quen và hành vi trong xã hội. Ví dụ, theo quy định mới, các cơ sở lưu trú không còn được phép giữ căn cước công dân của khách hàng. Việc chủ động tìm hiểu và biết về luật pháp là nghĩa vụ của bất kỳ ai mong muốn theo đuổi ngành dữ liệu.

Lễ trao danh hiệu Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học trên địa bàn Hà Nội năm 2024. (Ảnh: NVCC)

Lễ trao danh hiệu Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học trên địa bàn Hà Nội năm 2024. (Ảnh: NVCC)

Dựa trên quan điểm và quá trình hoạt động của mình, bạn nghĩ rằng những phẩm chất nào là quan trọng nhất đối với người công tác trong ngành DSEB?

Mình nghĩ là phẩm chất quan trọng nhất là trung thực. Khi làm việc với dữ liệu, nhiệm vụ là phân tích, dự báo và đưa ra thông tin để trình bày với cấp trên hay các bên liên quan nhằm hỗ trợ ra quyết định. Vì vậy, trung thực và khách quan là hai yêu cầu đặc biệt quan trọng. Dù có đội kiểm tra lại, nhưng họ không thể kiểm soát được hoàn toàn quá trình. Người trực tiếp xử lý dữ liệu phải đảm bảo không để yếu tố chủ quan hay thiên kiến cá nhân ảnh hưởng đến kết quả. Thay vì cố điều chỉnh kết quả theo ý mình, người làm dữ liệu cần tìm hiểu nguyên nhân thực sự đằng sau đó.

Với những cơ hội và thách thức về an toàn dữ liệu đã được thảo luận, bạn có lời khuyên nào dành cho các em đang và sẽ theo đuổi ngành DSEB tại Đại học Kinh tế Quốc dân để có thể dễ dàng thích ứng và phát triển bản thân trong tương lai?

Với các bạn đang và sẽ theo đuổi ngành khoa học dữ liệu, đặc biệt là DSEB, không có lời khuyên nào là hoàn toàn đúng, phù hợp cho tất cả vì mỗi người sẽ có hành trình, con đường khác nhau. Tuy nhiên, có ba điều quan trọng cần ghi nhớ.

Thứ nhất, nếu ngưỡng mộ hay mong muốn đạt được kết quả như ai đó đang làm trong ngành, hãy học theo chính con đường mà họ đã đi. Điều này không chỉ tạo thêm động lực mà còn tăng khả năng đạt được kết quả tương tự.

Thứ hai, hãy trau dồi song song hai yếu tố: kỹ năng cứng (kiến thức chuyên môn về công nghệ thông tin, dữ liệu, toán học) và kỹ năng mềm (trải nghiệm dữ liệu thật để hiểu rõ về cách dữ liệu được ứng dụng và vận hành trong thực tiễn).

Cuối cùng, học đi đôi với hành là yếu tố then chốt để tạo ra giá trị thực tiễn. Việc chỉ giỏi lý thuyết nhưng thiếu trải nghiệm thực tế sẽ khó tạo nên sự khác biệt. Với lĩnh vực dữ liệu – nơi kiến thức và ứng dụng luôn song hành - người làm nghề cần trang bị cả nền tảng chuyên môn vững chắc lẫn trải nghiệm thực tế để thực sự trở thành người tạo ra giá trị thực.

Đó là lời nhắn của bạn tới các bạn sinh viên đúng không nhỉ? Còn với các em sinh năm 2007 - những sĩ tử đang chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia và có đam mê, hứng thú với ngành học này, bạn có điều gì muốn chia sẻ, động viên hay định hướng dành riêng cho các em không?

Miễn là các em thật sự đam mê, sẵn sàng đánh đổi để theo đuổi ngành học này thì cơ hội sẽ luôn chờ đón và rộng mở với các em. Thực tế có thể sẽ khó nhưng hãy tin rằng ngày mai mình sẽ làm tốt hơn. Khi đã có đam mê, điều còn lại chỉ là mức độ cố gắng mà thôi.

Trung Hiếu - Ngọc Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-khoa-dau-ra-dai-hoc-kinh-te-quoc-dan-khi-da-co-dam-me-dieu-con-lai-chi-la-muc-do-co-gang-315130.html