Thu hút doanh nghiệp phát triển đô thị xanh

Phát triển đô thị theo hướng xanh là xu thế tất yếu để giải quyết những thách thức lớn trong quá trình phát triển đô thị. Do đó, cần có cơ chế ưu đãi cụ thể để thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Cả nước chỉ có 300 công trình xanh

Ở nước ta, khái niệm về đô thị xanh còn khá mới. Nhiều người vẫn hiểu đô thị xanh là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước, khá hơn thì có thêm việc sử dụng năng lượng bằng pin mặt trời cho các tòa nhà và trồng cây xanh trên mái. Một số khu đô thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được gọi là đô thị sinh thái hay đô thị xanh cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ có nhiều cây xanh, tổ chức không gian công cộng tốt. Điều đó đúng nhưng chưa đủ để đô thị có thể gọi là đô thị xanh.

Đô thị xanh là tổng thể quy hoạch xây dựng của 3 yếu tố gồm môi trường xanh - kinh tế xanh - xã hội xanh. Khái niệm về đô thị xanh - đô thị sinh thái gắn với xu hướng phát triển bền vững xuất hiện trên thế giới vào những năm 80 của thế kỷ XX, kèm theo đó là các tiêu chí rất cụ thể như: không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, môi trường xanh, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh cho đến dân cư xanh… Trong mỗi tiêu chí lại được giải nghĩa rất rõ, rất chi tiết các yêu cầu phải thực hiện. Tất cả đều hướng đến môi trường sống tốt đẹp, an toàn và bền vững cho con người.

Nguồn: ITN

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến tháng 10.2023, cả nước có 902 đô thị, trong đó có hai đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị. Mỗi năm, ước tính các đô thị Việt Nam có thêm từ 1 đến 1,3 triệu dân.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng đô thị thiếu tính đồng bộ khiến đô thị hóa diễn ra tự phát, không có quy hoạch dẫn đến một số đô thị thiếu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, mất cảnh quan đô thị... gây tác động tiêu cực tới môi trường sống.

Một số tỉnh, thành phố của nước ta liên tục đứng đầu về ô nhiễm không khí khiến người dân ngày càng "khát" không gian xanh. Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị nước ta ở mức thấp, chỉ từ 2 - 3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên Hợp Quốc là 10m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25m2/người. Như vậy, tỷ lệ cây xanh đô thị của nước ta chỉ bằng 1/5 - 1/10 của thế giới.

Số lượng dự án xanh thực tế vẫn khiêm tốn so với nhu cầu và số lượng những dự án được xây dựng trong suốt thập niên vừa qua. Cả nước hiện có khoảng 300 công trình xanh (chung cư, bệnh viện, trường học, nhà xưởng) với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu mét vuông sàn xây dựng. Một phần ba số công trình xanh tập trung ở hai “đầu tàu kinh tế” là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, đô thị xanh là mô hình người dân ưa chuộng và là xu hướng tất yếu của tương lai. Vậy nhưng, nhiều chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm làm công trình xanh hoặc lo ngại việc xây dựng và phát triển công trình xanh sẽ khiến chi phí đầu tư tăng 20 - 30%, thậm chí cao hơn. Theo các nghiên cứu trên thế giới, công trình xanh đòi hỏi tăng vốn đầu tư 3 - 8% so với đầu tư thông thường, nhưng sẽ tiết kiệm được từ 15 - 30% năng lượng sử dụng, giảm 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng, 50 - 70% chi phí xử lý chất thải.

Quy hoạch đô thị xanh cần mang tính dài hạn

Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm xây dựng và triển khai thực hiện quy trình đánh giá, chứng nhận, cấp chứng chỉ cho vật liệu, thiết bị, công trình xanh bằng các con số, định lượng cụ thể. Trên thế giới có nhiều hệ thống đánh giá tiêu chuẩn công trình xanh đang được áp dụng như Edge (của tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới); Green Mark (Singapore), Leed (Mỹ)...

Đồng thời, cần có các cơ chế ưu đãi cụ thể đối với công trình xanh sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh. Các doanh nghiệp cũng cần kịp thời định vị lại sản phẩm phát triển để được hưởng lợi từ những ưu đãi và nhu cầu sống xanh ngày càng tăng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, sử dụng các thiết bị thân thiện với môi trường...

Cùng quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế đề xuất Chính phủ, đặc biệt Bộ Xây dựng, cần có những chính sách về quy hoạch một cách nghiêm túc và thậm chí nghiêm khắc để quy hoạch đô thị ít nhất phải tồn tại 50 - 70 năm hay vài trăm năm như các nước khác. Lúc đó, mới có thể có một quy hoạch tổng thể, có độ rộng, đủ cho đô thị xanh. Đồng thời, có những quy chuẩn cụ thể liên quan đến phát triển đô thị xanh. Cấp phép đầu tư xây dựng cần tiến hành đơn giản, thông thoáng để giảm chi phí, nhưng phải kiểm tra, giám sát để bảo đảm tuân thủ quy hoạch.

Nếu chủ đầu tư vi phạm không thực hiện đúng quy hoạch, không bảo đảm diện tích cây xanh trên đầu người hay trên khu đô thị theo quy định thì phải xử phạt thật nghiêm. Thậm chí có thể không cho đấu thầu, không cho nhận dự án đầu tư mới. Bên cạnh đó, cần có những ưu tiên ưu đãi về các mặt như kết nối hạ tầng, phương tiện công cộng, ưu đãi thuế... để người dân, chủ đầu tư có thể yên tâm đầu tư nhà ở đô thị xanh.

Việt Nam đã cam kết đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng là quốc gia chịu tổn thương nặng nề của biến đổi khí hậu nên không thể đứng ngoài xu hướng này. Do vậy, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công trình xanh và xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển đô thị xanh, công trình xanh cần được xếp là nhiệm vụ ưu tiên. Như vậy, quá trình đô thị hóa không chỉ có lợi cho người dân trong hiện tại mà còn cho thế hệ tương lai và môi trường tự nhiên; đồng thời, giúp Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu Net Zero đã cam kết với thế giới.

Lam Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/thu-hut-doanh-nghiep-phat-trien-do-thi-xanh-i361773/