Thú đam mê xương rồng

Từ niềm đam mê mãnh liệt với xương rồng, nhiều người đã gây dựng được cho mình khu vườn riêng, nhận lại nguồn thu nhập ổn định từ loài cây này.

Hoa xương rồng mang nét đẹp đặc sắc thu hút người đam mê

Hoa xương rồng mang nét đẹp đặc sắc thu hút người đam mê

Hơn 40 năm gắn bó với niềm đam mê xương rồng, ông Phạm Phúc Giác (sinh năm 1964, ngụ thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú) đã sưu tầm, lai tạo và nhân giống hàng trăm ngàn cá thể, trên 2.000 giống loài khác nhau. Ông “bén duyên” với xương rồng khi còn rất trẻ. Ngày đó, hễ nghe ở đâu có xương rồng, ông đều tìm đến xin, hoặc mua về trồng. Giai đoạn mới bắt đầu sưu tập xương rồng, ông gặp không ít gian nan. Có những giống xương rồng khó khăn lắm mới tìm mua được, nhưng chưa biết cách chăm sóc, mang về trồng không bao lâu thì cây chết.

Biết ông Giác có đam mê “lạ” với cây xương rồng, nhiều người khuyên ông đừng làm chuyện phí công, phí của. Họ cho rằng, xương rồng chỉ sống được ở vùng sa mạc, đất đai khô cằn, mang chúng về vùng sông nước trồng làm sao khả thi. Nhưng ông Giác tin, loài cây gai góc này có ý chí mãnh liệt, bất cứ nơi đâu cũng sống được, vấn đề là phải tìm hiểu được “tính nết” của chúng để có cách chăm sóc phù hợp. Ông đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc, rút tỉa kinh nghiệm từ những cây bị khô héo, thối rễ chết, tìm ra đặc tính của từng giống loài. Dần dần ông gầy dựng được “ngôi nhà chung”, “nuôi” hàng trăm loài xương rồng với nhiều “quốc tịch” khác nhau.

Theo ông Giác, dù chúng có xuất xứ từ vùng khô hạn, nhưng không phải loại nào cũng ưa nắng, kén nước. Phải am hiểu đặc tính sinh học của từng loài, tỉ mỉ từ khâu chế biến đất trồng sao cho đảm bảo dinh dưỡng, triệt tiêu nấm bệnh; tưới nước và đặt rễ cây nông sâu sao cho phù hợp; ngăn tia bức xạ, hạn chế nhiệt độ, ngăn mưa, nhưng phải đảm bảo thoáng gió và không ẩm thấp…

Từ am hiểu và kinh nghiệm trồng xương rồng phong phú của mình, ông Giác giành được nhiều giải thưởng khi tham gia dự thi, triển lãm xương rồng khắp cả nước. Tên tuổi ông dần được người đam mê xương rồng trong và ngoài nước biết đến. Nhiều khu du lịch lớn, doanh nghiệp tìm đến, đặt ông sưu tầm, lai tạo, nhân giống thành bộ sưu tập xương rồng quy mô đến vài trăm cá thể, làm kỹ thuật viên thiết kế khu vườn xương rồng cho họ.

Không riêng cánh “mày râu”, phái nữ cũng yêu thích và chịu khó “nuôi dưỡng” đam mê với cây xương rồng, như trường hợp của chị Phan Thị Phụng Tiên (sinh năm 1978, ngụ thị trấn Cái Dầu). Gần 20 gắn bó, chị Tiên phát triển hàng ngàn cá thể xương rồng, hơn 500 chủng loại tại vườn nhà. Chị bỏ công sức đầu tư, sưu tầm xương rồng từ nhiều nơi, tìm hiểu chúng qua nhiều nguồn khác nhau, tự rút tỉa kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc.

Cũng nhờ “mát tay”, ngay cả những cây xương rồng bị bệnh, sắp chết, bị người khác bỏ đi, qua bàn tay chăm sóc của chị, chúng phục hồi ngoạn mục, phát triển tốt và trổ hoa. Đặc biệt, trong khu vườn của chị còn có những cây xương rồng đột biến, mang hình dạng lạ mắt, hiếm gặp, có giá trị cao hơn cây thông thường.

Chị Tiên chia sẻ: “Xương rồng có nhiều loại. Tùy theo sở thích, người chọn chơi cây có hoa, người chọn cây ít gai, người chọn cây thân lớn… Nhưng hầu như đa số người chơi xương rồng đều đặc biệt thích thú khi được ngắm hoa nở, vì hoa xương rồng có nhiều màu sắc, hình dáng bắt mắt, thu hút. Tôi yêu thích xương rồng vì chúng có sức sống mãnh liệt. Sau giờ làm, ra chăm sóc khu vườn, tôi cảm giác thư giãn, tìm thấy niềm vui. Mỗi cây xương rồng như lời động viên con người luôn vươn lên, vượt qua khó khăn trong cuộc sống”.

Ban đầu, chị Tiên trồng xương rồng vì yêu thích chúng và ý nghĩa mà chúng mang lại. Theo thời gian, khu vườn được mở rộng, tăng về số lượng và chủng loại. Thấy nhiều người đến tham quan, nên chị Tiên chia sẻ sản phẩm của mình rộng rãi hơn. Có thêm thu nhập từ xương rồng, chị lại đầu tư, phát triển khu vườn, nuôi dưỡng đam mê với loài cây nhiều gai mà đầy sức sống.

MỸ LINH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/thu-dam-me-xuong-rong-a409556.html