Thú bông bán kẹo

Thú bông bán kẹo không phải mới mẻ, nhưng gần đây công việc này lại được các bạn trẻ tìm đến rất nhiều. Chọn cho mình những bộ đồ thú đáng yêu, nào là thỏ hồng, nào là gấu Pool, chuột Mickey... các bạn trẻ rong ruổi đi bán hàng khắp nơi.

Nhiều bạn trẻ chọn mặc hình thú để đi bán hàng

Dọc các con đường ăn uống trong TP. Huế, hay những địa điểm đông người là nơi hoạt động của những chú thú bông đáng yêu này. Đa phần là sinh viên, bởi đây là một hình thức kinh doanh không cần quá nhiều vốn lại có thể chủ động về thời gian. Chỉ cần từ 1 - 2 triệu đồng để đầu tư cho mình một bộ đồ thú bông ngộ nghĩnh là có thể kiếm được mỗi đêm khoảng 80.000 - 100.000 đồng sau khi đã trừ chi phí mua kẹo.

“Mình làm nghề này đã được hơn năm nay. Trước đây mình đi thuê áo quần của người khác. Do chi phí thuê áo quần khá cao so với thu nhập nên mình quyết định vay mượn bạn bè để mua bộ đồ gấu về tự đi làm. Giờ cứ tối nào không có lịch học thì mình mới đi bán. Vì thế mình chủ động thời gian hơn rất nhiều”, Nguyễn Quốc Đạt, sinh viên Trường đại học Khoa học Huế, trong vai chú gấu bán kẹo cho hay.

Cuối tuần mới đây, đưa gia đình về biển Vinh Thanh thư giãn, thấy một chú người “gấu” bước đi có vẻ nặng nhọc đến bàn mời mình mua kẹo. Chú gấu đó chia sẻ, công việc hàng ngày là đi làm cơ khí, chiều đi làm về em lại tranh thủ ra đây, đi dọc bờ biển này bán hàng kiếm thêm thu nhập trang trải cho gia đình. Trời nắng nóng, cùng với vô số là bụi bặm, vẫn phải chịu đựng đội lên người một “bộ đồ thú” với những lớp vải nỉ dày và bông gòn nặng cũng cỡ chừng 6 - 7kg, rồi phải “căng” mình ra mà đi, mà múa máy, gặp trẻ con lại phải nhún nhảy liên tục cho không khí thêm sôi động như những con thú trong các bộ phim hoạt hình mới mong bán được hàng. Thỉnh thoảng, lại còn phải tạo dáng chụp hình lưu niệm với khách, người rã rời vì mệt...

Mai Văn Kiên, sinh viên năm 3 Trường đại học Sư phạm Huế tâm sự, gia đình ở quê vất vả Kiên nên muốn tự đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập và trang trải cuộc sống đỡ cho ba mẹ được phần nào. Thế nên Kiên đã mua bộ đồ thú bông này. Tối nào cũng mặc bộ đồ này đi bán kẹo từ 19 - 22 giờ. Kiên cho hay: “Vì mình làm một mình nên hiệu quả không cao. Cứ làm một tí lại phải nghỉ lấy sức với lại phải cởi mũ ra để nạp không khí chứ không là ngạt. Nhìn những chú gấu nhún nhảy rất đáng yêu thì ai cũng thích. Thế nhưng, đây lại là một công việc không dễ dàng tý nào".

“Đồng tiền nào cũng có cái giá của nó hết, nóng và mệt lắm. Vì bộ đồ này vừa dày vừa nặng. Mặc bộ này vào đứng một chỗ nhún nhảy đã là một vấn đề chứ đừng nói đến chuyện đi khắp nơi để mời chào khách. Mấy ngày đầu mới làm mình chịu không nổi, có lúc gần xỉu luôn. Nhưng điều quan trọng làm cho mình cố gắng là tụi mình còn trẻ và thích làm những gì vừa có thể kiếm tiền vừa tạo niềm vui cho bản thân và cho mọi người xung quanh. Bởi ai tìm đến với tụi mình, họ cũng cười tươi và rất phấn khích”, Kiên nói thêm.

Bên cạnh vẻ ngộ nghĩnh, đáng yêu của những bộ đồ thú này thì những người khi nhập vai cũng gặp phải nhiều nỗi khổ, không chỉ là chuyện chịu đựng nóng nực, bụi bặm, mà còn thường xuyên bị trẻ con trêu chọc. Thậm chí dùng que quẹt, véo tai hay dùng chân đá vào mông để trêu ghẹo. Rồi không ít người tỏ ra khó chịu, bực mình, cảm thấy phiền khi thấy những con thú bông này xuất hiện mời mua hàng.

Cái thú vị của nghề thú bông là không khí trẻ trung, vui nhộn. Đóng vai thú bông, các bạn trẻ được cọ xát, tiếp xúc nhiều, có niềm vui được mọi người chú ý, yêu thích. Hiện nay, nhiều quán ăn, siêu thị… cũng tự thuê riêng 1, 2 "người thú” để thu hút khách hàng. Công việc đóng vai “người thú” đã trở thành một cái nghề hẳn hoi đối với nhiều người.

Ở Huế, dường như ai cũng có thể tìm ra cách để mưu sinh hợp với bản thân mình. Những chú gấu bông xinh xắn, vui nhộn, giấu đằng sau sự mệt nhọc, vất vả và niềm hy vọng vào tương lai của những người trẻ cũng góp phần tạo nên một xứ Huế nhiều màu sắc, đáng yêu.

Bài, ảnh: Ngọc An

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/thu-bong-ban-keo-131097.html