Thông tin về công tác tiếp công dân và các vấn đề xử lý đơn thư đã tới Tổng Thanh tra Chính phủ hàng ngày, hàng giờ

Khẳng định như vậy với Tạp chí Thanh tra, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (TCDTƯ) Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh sự quan tâm, trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ và các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo(KN,TC). Các vấn đề giải quyết đơn thư đặc biệt là đơn thư tồn đọng, phức tạp, kéo dài tại các địa phương đã và sẽ được giải quyết triệt để hướng tới phục vụ cho Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (ảnh đứng) trong một lần tiếp công dân tại Hà Nội

Các Bí thư Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo và học hỏi kinh nghiệm tiếp dân

+ Được biết Ban Tiếp công dân Trung ương (Ban TCDTƯ) đã tham mưu và xây dựng, ban hành các kế hoạch tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ và Trụ sở TCDTƯ từ tháng 3/2019. Ông đánh giá như thế nào về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư KN, TC tại các địa phương thời gian qua?

- Có thể nói, trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong tháng 9/2019 tại Trụ sở TCDTƯ, mặc dù vẫn còn đoàn đông người đến đơn thư KN,TC nhưng tính bức xúc, gay gắt giảm so với thời gian trước. Đối với các địa phương, Ban TCDTƯ đã chỉ đạo, giải quyết các vụ việc ngay từ cơ sở. Đặc biệt, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết một số vụ việc KN,TC đông người, phức tạp, kéo dài do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Tổ trưởng theo Quyết định 1849/QĐ-TTg (Tổ công tác) đều làm việc cả Thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, yêu cầu các địa phương thường xuyên báo cáo tình hình về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư KN,TC. Qua nắm bắt tình hình của các đoàn thuộc Tổ công tác cho thấy, ý thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KN,TC được nâng cao rõ rệt.

Cần nhấn mạnh, trong quá trình làm việc của Tổ công tác với cấp ủy, chính quyền địa phương chúng tôi nhận thấy, việc thực hiện Quy định số 11-Qđi/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân được thực hiện rất nghiêm túc. Một số Bí thư tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo công tác này.

Có thể nhắc đến, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khi nhận trách nhiệm với Phó Thủ tướng và Tổ công tác sẽ cùng với Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo giải quyết việc Tổ công tác giao. Hay Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, trực tiếp chỉ đạo, thậm chí có chỉ đạo khác cả với các cơ quan tham mưu theo hướng có lợi cho người dân và dám chịu trách nhiệm.

Trong khi, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình chủ động gặp trực tiếp Ban TCDTƯ để trao đổi, tìm hiểu kinh nghiệm và đề nghị Ban TCDTƯ tư vấn, hỗ trợ cho tỉnh giải quyết vụ việc kéo dài tới 20 năm. Như vậy, có thể thấy sự trăn trở, sự vào cuộc, sự thấy trách nhiệm một cách rất quyết liệt của Bí thư cấp ủy bên cạnh trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh trong thời gian qua khác rất nhiều so với trước đây.

Công tác tiếp dân được chỉ đạo tại Quy định số 11-Qđi/TW của Bộ Chính trị, được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Lãnh đạo các địa phương phải chủ động, phải có ý thức, trách nhiệm làm tốt công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư thì tới đây Đại hội Đảng các cấp mới thành công tốt đẹp được. Tôi đánh giá cao ý thức, trách nhiệm của Bí thư cấp ủy các cấp, đặc biệt là các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã vào cuộc, thì không có bất cứ lý do nào để cấp dưới có thể chần chừ việc giải quyết đơn thư của công dân nữa.

Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp

Thông tin về tiếp công dân và các vấn đề xử lý đơn thư đến thường xuyên với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ

+ Về góc độ quản lý nhà nước lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư KN,TC từ Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương như thế nào, thưa ông?

-Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, có thể nói, bắt đầu từ tháng 3/2019 đến nay, hầu như đồng chí yêu cầu Ban TCDTƯ phải báo cáo công việc, đề xuất thường xuyên. Trong các cuộc họp giao ban với các địa phương và chỉ đạo điều hành tác nghiệp trong nội bộ Cơ quan Thanh tra Chính phủ, với trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, Tổng Thanh tra Chính phủ, các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo xử lý rất quyết liệt. Có thể nói, hàng ngày, hàng giờ thông tin về tiếp công dân và các vấn đề xử lý đơn thư đến thường xuyên với Tổng Thanh tra Chính phủ và các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.

Kế hoạch 363/KH-TTCP về kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc KN,TC đông người, phức tạp, kéo dài của Thanh tra Chính phủ được Tổ giúp việc tổng hợp và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh chủ trì, họp nhiều lần, có nhiều chỉ đạo với địa phương. Tới đây, chúng tôi sẽ có báo cáo bước đầu để lãnh đạo Thanh tra Chính phủ có chỉ đạo tiếp theo.

Đồng thời, khi Tiểu ban phục vụ Đại hội Đảng có kế hoạch thì Ban TCDTƯ đã chủ động đề xuất với Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KN,TC phục vụ Đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Trong đó, chỉ đạo các địa phương phải xây dựng các kế hoạch cùng với Thanh tra Chính phủ để có kế hoạch tiếp công dân, giải quyết KN,TC, xử lý đơn thư phục vụ cho Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Cho đến nay, hầu hết các địa phương đã xây dựng xong. Đó là một trong những nét mới của công tác tiếp công dân tại các địa phương từ đầu năm đến nay thể hiện được sự vào cuộc rất trách nhiệm từ cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới các địa phương.

+ Tuy vậy, vẫn còn tình trạng công dân tới Trụ sở TCDTƯ để tiếp tục khiếu tố, thậm chí tập trung đông người. Vấn đề này được đánh giá tình hình và giải quyết ra sao, thưa ông?

- Chúng tôi đánh giá, các vấn đề KN,TC còn nguy cơ, tiềm ẩn sự phức tạp. Đặc biệt, một số vụ việc KN,TC đông người, phức tạp mà các địa phương tích cực giải quyết nhưng kết quả chưa được như mong muốn, người dân chưa đồng thuận cao. Nếu không làm tốt, không làm nghiêm các chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ thì có khả năng người dân sẽ tiếp tục đến các trụ sở tiếp dân Trung ương và Hà Nội để khiếu tố. Ví dụ như các đoàn đông người của Hà Nội, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Hải Dương.

Theo đánh giá chúng tôi, có thể nếu không làm tốt, không dự báo được tình hình, tổ chức tiếp công dân và không tổ chức đối thoại tại cơ sở thì vấn đề tại các địa phương còn tiềm ẩn những phức tạp. Vừa qua, có một số công dân tập trung đoàn đông người đã đến trụ sở TCDTƯ nhưng chúng tôi đã vận động công dân trở về địa phương để tiếp tục giải quyết.

Các tiểu thương Chợ An Đông làm việc tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương Hà Nội

Kiến nghị thanh tra trách nhiệm nếu không xử lý triệt để các vụ việc tồn đọng, kéo dài

+ Nhận diện các vấn đề KN,TC mà người dân bức xúc có còn chỉ tập trung vào lĩnh vực đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng? Ông có thể dẫn chứng một số vụ việc điển hình KN,TC bức xúc thời gian qua mà công dân ra TƯ để KN,TC?

-Ngoài vấn đề liên quan đến đất đai, còn có cả những KN,TC liên quan đến chuyển đổi mô hình chợ, sử dụng đất nông lâm trường, vấn đề tại các chung cư (tập trung Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Một số vụ KN,TC mới phát sinh liên quan đến sự cố môi trường khi xây dựng nhà máy nước thải, nhà hỏa táng,...mà nhân dân chưa đồng thuận và xuất hiện KN,TC đông người.

Trên cơ sở nắm bắt tình hình, đánh giá trên, chúng tôi đã làm việc, đề nghị các địa phương có đánh giá đầy đủ các vụ việc phối hợp với Ban TCDTƯ để tiếp công dân. Với chức năng nhiệm vụ của mình, Ban TCDTƯ cũng sẽ có báo cáo đề xuất với Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ để có những chỉ đạo giải quyết. Nhưng có thể nói rất nhiều địa phương đã làm tốt rồi, nhưng cách giải quyết, cách đối thoại với người dân ở cơ sở còn triển khai chậm, hoặc không thống nhất. Mỗi lần tiếp nói một kiểu, rồi hứa hẹn người dân. Có trường hợp chưa thực hiện được nhưng cũng không thông báo với họ, gây bức xúc, không tin tưởng địa phương lại lên TƯ. Do vậy, cách tuyên truyền, vận động hiệu quả chưa cao.

Ví dụ, vụ việc tại Chợ An Đông (TP Hồ Chí Minh). Trước đây, đã có một nhóm tiểu thương KN nhiều lần liên quan đến việc kinh doanh hàng thực phẩm bên hông chợ. Khi Thành phố thấy việc ảnh hưởng đến giao thông và an toàn thực phẩm và phòng chống cháy nổ thì đã xây dựng địa điểm khác để kinh doanh. Các tiểu thương KN nhiều lần, gay gắt và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã có chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ đã thành lập đoàn thanh tra, công bố kết luận thanh tra, chính quyền địa phương cũng tích cực vào cuộc. Cơ bản từ 2018 đến nay, bà con hộ kinh doanh không có đơn thư, không tới Trụ sở TCDTƯ nữa, TP Hồ Chí Minh báo cáo vụ việc cơ bản đã được giải quyết xong.

Tuy nhiên, vừa qua lại xuất hiện KN từ các tiểu thương có kinh doanh trong Chợ An Đông. Họ KN nhiều nội dung, việc này Phó Chủ tịch TP Hồ Chí Minh đã tiếp, đối thoại năm 2017, nhiều nội dung đã được giải đáp.

Tuy nhiên, việc giải quyết chưa triệt để dẫn đến công dân vẫn tiếp khiếu, Ban TCDTƯ đã nhận được một số nội dung KN cho rằng: Năm 1991, các tiểu thương đã góp hơn 4 tỷ, năm 2013, họ lại góp 237 tỷ, đồng thời họ có công tham gia đóng góp xây dựng chợ trước giải phóng. Sau giải phóng, họ cũng đóng góp tiền cùng với công ty quản lý nhà của địa phương và một công ty khác xây dựng chợ. Số tiền 237 tỷ đồng chưa bao giờ được trừ vào tiền thuê kinh doanh trong khi đó các chợ truyền thống khác tại Thành phố Hồ Chí Minh lại không phải đóng. Ngay cả việc rất nhỏ như thu 200 nghìn đồng/quầy trong chợ, tiểu thương cho rằng họ đã đóng góp nhiều lần, năm 2017, Phó Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh có quyết định tạm dừng nhưng năm 2019 thì lại tiếp tục thu khi chưa có văn bản của Thành phố đồng ý cho tiếp tục thu. đáng nói là, số tiền trên 237 tỷ của hàng trăm tiểu thương đã đóng góp trước đây chưa một lần được công khai minh bạch. Các cơ quan có thẩm quyền xác định quyền lợi cho các hộ tiểu thương.

Theo đơn thư của công dân, họ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình thu chi của Ban quản lý chợ; xác định tính pháp lý của người tiểu thương trước đây tham gia đóng tiền vào xây dựng chợ. Khi công dân còn đang đề nghị chưa được giải quyết thì Ban Quản lý lại ban hành một hợp đồng khác thay thế hợp đồng cũ, khiến các hộ tiểu thương bức xúc, khiếu kiện kéo dài. Do vậy, họ đề nghị thành lập ban quản lý mới theo các quy định hiện hành và có sự tham gia của đại diện các tiểu thương để thực hiện tính công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, các tiểu thương đề nghị lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cùng với các cơ quan chức năng của địa phương và TƯ tổ chức đối thoại giải quyết dứt điểm những khiếu nại nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Theo đánh giá của chúng tôi, đây là một chợ truyền thống có tên tuổi lâu đời với người dân địa phương, không chỉ là nơi kinh doanh, buôn bán mà như một địa điểm sinh hoạt văn hóa giống như chợ Đồng Xuân (Hà Nội).

+ Đây là vụ việc mà dư luận và báo chí đang rất quan tâm, Ban TCDTƯ đã có những động thái xử lý nào trước vụ việc KN của tiểu thương Chợ An Đông. Từ đó, có kiến nghị gì đối với cấp có thẩm quyền để giải quyết triệt để vấn đề phát sinh từ việc chuyển đổi mô hình chợ trên địa bàn cả nước?

-Ban TCDTƯ đã chuyển văn bản tới TP. Hồ Chí Minh đề nghị giải quyết theo thẩm quyền. Theo chúng tôi, Thành phố, cần xem xét, chỉ đạo các cơ quan rà soát lại, tổ chức gặp gỡ, đối thoại với công dân. Không có cái gì tốt bằng công khai minh bạch với người dân – tiểu thương, như vậy tính bức xúc mới đỡ đi. Cần họp bàn lắng nghe tiếng nói, ý kiến của họ, tuyên truyền ủng hộ chính sách của địa phương, tuyên truyền họ làm đúng theo quy định hiện hành và theo các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh khác nữa. Sau khi BTCDTƯ động viên, giải thích, thuyết phục các tiểu thường đã hợp tác quay trở về địa phương và chờ đợi chính quyền TP Hồ Chí Minh tiếp khiếu, xử lý.

Ngay cả Hà Nội và một số địa phương khác cũng một số mô hình chuyển đổi chợ dẫn đến khiếu kiện phức tạp, kéo dài cũng đang cần giải quyết triệt để.

Chúng tôi trước đây đã có đề xuất và hiện tại Thanh tra Chính phủ đang có một khảo sát. Nếu như những vụ việc như thế này mà các địa phương không giải quyết tốt thì với chức năng của Ban TCDTƯ chúng tôi sẽ đề xuất Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, có thể tiến hành Thanh tra trách nhiệm gắn với giải quyết các vụ việc trên góp phần chấm dứt KN,TC, ổn định tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, qua Thanh tra cũng có thể thấy được những văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp hoặc phát sinh những nội dung mới thì sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có thể sửa đổi cho phù hợp hoặc kiến nghị địa phương hủy bỏ, sửa đổi, ban hành mới những văn bản phù hợp với tình hình địa phương theo quy định.

+ Với vai trò là Trưởng Ban TCDTƯ ông đánh giá như thế nào về các kế hoạch triển khai tiếp công dân, xử lý đơn thư từ TƯ đến các địa phương trong thời gian qua, cũng như các giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới, nhất là khi Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc đang ở phía trước?

- Chúng tôi tham mưu và Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư KN,TC phục vụ các kỳ họp Quốc hội và Họp Ban chấp hành TƯ từ rất sớm. Đặc biệt kế hoạch 363/KH-TTCP về kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc KN,TC đông người, phức tạp, kéo dài hướng tới phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đến nay, các địa phương đã lập kế hoạch cơ bản xong.

Mới đây (3/10), Ban TCDTƯ tiếp tục ban hành Kế hoạch phối hợp tổ chức tiếp công dân phục vụ kỳ họp thứ 11 Trung ương Đảng khóa XII và kỳ họp Quốc hội khóa XIV. Trước đó, ngày 3/9/2019, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã ký ban hành văn bản số 1707/TTCP-BTCDTW gửi UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả thực hiện kết luận của Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Theo đó, đối với 44 vụ việc Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiếp dân định kỳ, mới có 20 vụ địa phương báo cáo, còn 24 vụ, yêu cầu địa phương phải báo cáo trước 15/11/2019. Ban TCDTƯ đã có văn bản và Thanh tra Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, song bản thân các địa phương cũng phải kiểm tra các Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, tới đây là Quyết định của Bí thư tỉnh ủy về công tác tiếp công dân theo Quyết định 11-Qđi/TW của Bộ Chính trị. Không phải tiếp công dân xong có văn bản rồi để đấy mà phải được làm rõ, thời gian bao lâu giải quyết, kết quả thực hiện thế nào. Đương nhiên, cấp trên phải kiểm tra việc thực hiện, nhưng người dân cũng có quyền giám sát việc thực hiện đó.

Tới đây, Ban Nội chính TƯ sẽ chủ trì báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc tổng kết Chỉ thị 35 CT/TW của Bộ Chính trị. Chính quyền địa phương sẽ có căn cứ pháp lý tốt hơn, có tổng kết thực hiện tốt hơn. Nhưng chúng tôi suy nghĩ rằng các cấp ủy, chính quyền địa phương phải coi đó như trách nhiệm thường trực, như công việc hàng ngày, chứ không đợi đến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc Tổng Thanh tra Chính phủ đi kiểm tra thì mới thực hiện và thực hiện tốt. Nếu không làm thường xuyên, hàng ngày để phát sinh nhiều vấn đề các cơ quan mới vào cuộc giải quyết thì kết quả sẽ không như mong muốn. Thậm chí, có thể làm xấu hình ảnh của chính quyền địa phương, xấu đi mối quan hệ giữa người dân với chính quyền và từ đó sẽ làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Nhất là tới đây diễn ra Đại hội Đảng các cấp và bầu Hội đồng nhân dân, bầu cử Quốc hội, do đó vấn đề tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KN,TC càng phải được làm tốt.
+ Xin cảm ơn ông!

Nhóm Phóng viên (thực hiện)

http://thanhtravietnam.vn/tin-trong-nganh/bai-3-thong-tin-ve-cong-tac-tiep-cong-dan-va-cac-van-de-xu-ly-don-thu-da-toi-tong-thanh-tra-chinh-phu-hang-ngay-hang-gio-188044

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/thong-tin-ve-cong-tac-tiep-cong-dan-va-cac-van-de-xu-ly-don-thu-da-toi-tong-thanh-tra-chinh-phu-hang-ngay-hang-gio_t114c1059n154999