Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 30-4 đến 06-5-2018)

TCCSĐT - Kết thúc cuộc họp bàn chính sách trong hai ngày 01 và 02-5, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra quyết định duy trì biên độ lãi suất trong khoảng 1,50 - 1,75%, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục đà gia tăng gần đây để tiến tới gần ngưỡng mục tiêu 2% mà Fed đề ra, mở đường cho cơ quan ngày tăng lãi suất trong tháng Sáu tới.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng cục Thuế yêu cầu lên kế hoạch thanh tra doanh nghiệp đa cấp

Lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân tích rủi ro, lập kế hoạch thanh tra với các đơn vị bán hàng theo phương thức đa cấp. Với hoạt động đa cấp, lãnh đạo ngành thuế nhận định, đây là vấn đề phức tạp và được dư luận, báo chí quan tâm. Nhiều doanh nghiệp đã bị cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra xử phạt và thu hồi giấy phép kinh doanh. Đại diện ngành thuế khẳng định trong quá trình quản lý, cơ quan này đã thường xuyên thanh kiểm tra và xử lý các đơn vị kinh doanh đa cấp.

Tuy nhiên, trong văn bản gửi tới các cục thuế, lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị các đơn vị căn cứ vào cơ sở dữ liệu thu thập từ các cơ quan chức năng về các đơn vị bán hàng đa cấp, tiến hành phân tích và lập kế hoạch thanh, kiểm tra.

Lãnh đạo ngành thuế cũng yêu cầu các cục thuế công khai thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra thuế kịp thời, khách quan với các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp toàn quốc.

“Trường hợp phát hiện vi phạm liên quan tới các bộ, ngành thì cung cấp thông tin kịp thời để xử lý theo quy định có liên quan”, văn bản của Tổng cục Thuế nêu rõ.

Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm một loạt điều kiện đầu tư kinh doanh

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định số 1408/QĐ-BCT ngày 27-4-2018 phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa một loạt các thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương năm 2018 trên 10 lĩnh vực, trong đó có năng lượng, điện, quản lý cạnh tranh, tiêu chuẩn đo lường, xúc tiến thương mại, an toàn thực phẩm và xuất nhập khẩu...

Kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng được thực hiện từ tháng 01-2017 đến tháng 02-2018 được công bố mới đây cho thấy, Bộ Công Thương đang đi đầu trong các bộ khi đáp ứng đúng và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 01 của Chính phủ khi đã cắt giảm 402 danh mục trong tổng số 702 mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành.

Hiện nay, theo quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư, Bộ Công Thương và ngành Công Thương ở các địa phương được phân công quản lý 28/243 lĩnh vực, ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, trong đó có khoảng 1.216 điều kiện đầu tư, kinh doanh theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng thời thực hiện công tác kiểm soát đối với 451 thủ tục hành chính (trong đó thực hiện ở cấp trung ương là 296 thủ tục; cấp tỉnh là 142 thủ tục; cấp huyện là 13 thủ tục).

Theo quyết định số 1408/QĐ-BCT ngày 27-4-2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, sẽ có 54 thủ tục hành chính nằm trong diện bãi bỏ, đơn giản hóa. Trong đó, bãi bỏ 12 thủ tục và đơn giản hóa 42 thủ tục đối với 10 lĩnh vực, tại 19 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 10 Thông tư, 1 Thông tư liên tịch, 1 Quyết định của Thủ tướng và 7 Nghị định.

Cụ thể, đối với lĩnh vực Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, điều chỉnh và bãi bỏ 9 thủ tục hành chính liên quan đến việc Xác nhận đăng ký thực hiện khuyến mại theo hình thức mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên hoặc theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 07/2007/TTLT-BTM-BTC.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương bãi bỏ thành phần hồ sơ quy định về hình ảnh hàng hóa khuyến mại và hàng hóa dùng để khuyến mại. Mẫu vé số dự thưởng đối với chương trình khuyến mại có phát hành vé số dự thưởng. Thay thế Giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa, dịch vụ khuyến mại và hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật bằng Bản sao giấy tờ về chất lượng của hàng hóa khuyến mại theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ cũng bãi bỏ quy định trách nhiệm chậm nhất 7 (bảy) ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại thương nhân gửi văn bản thông báo cho Sở Công Thương nơi thực hiện khuyến mại kèm theo bản sao văn bản xác nhận của Bộ Công Thương. Thay vào đó, trách nhiệm thông báo này thuộc về Bộ Công Thương cung cấp cho Sở Công Thương nơi thương nhân tổ chức khuyến mại nội dung chương trình đã được xác nhận để phối hợp quản lý.

Tiếp đến, Bộ cũng bãi bỏ quy định về việc thông báo yêu cầu thương nhân hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ khi hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Đồng thời, cho phép thương nhân được lựa chọn một trong 3 cách thức đăng ký thực hiện khuyến mại bao gồm: Qua đường bưu điện, trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, dịch vụ công trực tuyến (trước đây không có cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến).

Điểm đáng ghi nhận trong lần cắt giảm này, lĩnh vực xúc tiến thương mại đã được giảm thời gian thực hiện từ 7 ngày làm việc xuống còn 5 ngày làm việc. Đối với quy định về việc thông báo thực hiện khuyến mại, thời hạn gửi thông báo đến Sở Công Thương được giảm từ 7 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại...

Đối với lĩnh vực An toàn thực phẩm, Bộ Công Thương bãi bỏ, đơn giản hóa 8 thủ tục hành chính. Trong đó bãi bỏ quy định việc phải có bản sao có xác nhận của cơ sở, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề kinh doanh thực phẩm theo quy định về việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm do Bộ Công Thương thực hiện và do Sở Công Thương thực hiện.

Quy định này cũng bãi bỏ nội dung “diện tích nhà xưởng”, “hệ thống thông gió”, “hệ thống chiếu sáng’ tại bản thuyết minh về cơ sở vật chất theo Mẫu 2a quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 58/2014/TT-BCT.

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương bãi bỏ quy định về việc Cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc lá để kinh doanh hàng miễn thuế quy định tại Nghị định số 167/2016/NĐ-CP. Giảm thời hạn thực hiện từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc đối với hoạt động cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương quy định Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng bãi bỏ văn bản xác nhận của Bộ quản lý chuyên ngành, đồng thời giảm thủ tục từ 10 ngày xuống còn 5 ngày làm việc đối với hoạt động Cấp Giấy phép gia công xuất khẩu có yếu tố nước ngoài quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BCT…

Liên quan đến Nghị định 109/CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo gây nhiều tranh cãi thời gian qua, Bộ Công Thương cũng tiến hành điều chỉnh thời gian thực hiện thủ tục từ 15 ngày làm việc xuống còn 10 ngày đối với hoạt động cấp lại, điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Đồng thời bãi bỏ quy định về việc “Cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thay thế Giấy chứng nhận sắp hết hiệu lực”.

Giới chức Fed đánh giá tỷ lệ lạm phát Mỹ có thể vượt quá mục tiêu

Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ có thể vượt mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Dự trữ liên bang (Fed) đề ra, song điều này không phải là mối bận tâm quá lớn đối với nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Trao đổi với hãng CNBC, Chủ tịch Fed chi nhánh tại San Francisco John Williams, người sẽ sớm tiếp quản chức Chủ tịch Fed chi nhánh New York có tầm ảnh hưởng lớn, cho biết yếu tố then chốt là phải duy trì tỷ lệ lạm phát trung bình ở mức 2% và đây là mức mục tiêu "cân đối".

Ông cũng cho biết việc tỷ lệ lạm phát có thể đôi khi vượt quá mức 2% trong một thời gian ngắn không phải là điều đáng quan ngại. Quan chức Fed này cũng cho việc điều chỉnh lãi suất cơ bản ba hoặc bốn lần trong năm nay phù hợp với kế hoạch tăng lãi suất từng bước của thể chế tài chính này.

Trong khi đó, ông William Dudley, Chủ tịch Fed chi nhánh New York sắp mãn nhiệm, cũng bày tỏ hài lòng đối với tỷ lệ lạm phát hiện tại, trong bối cảnh những nỗ lực kích thích kinh tế hậu khủng hoảng tài chính của Fed đã giúp chỉ số này trở lại mức mục tiêu 2%.

Hồi cuối tháng Tư vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ cho biết chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát được Fed theo dõi sát sao nhất, đã đạt mức mục tiêu 2% lần đầu tiên trong hơn một năm qua.

Đây là một tín hiệu đáng mừng với Fed khi lạm phát ở mức thấp dai dẳng vẫn luôn là bài toán khó đối với ngân hàng trung ương này suốt nhiều năm qua.

Tuy nhiên, lạm phát chạm mức mục tiêu và những dấu hiệu cho thấy tiền lương đang bắt đầu tăng lên đã làm gia tăng những đồn đoán rằng Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm ba lần nữa trong năm nay, điều đã khiến cổ phiếu rớt giá trong vài tuần trở lại đây.

EU nêu điều kiện đàm phán thỏa thuận thương mại mới với Mỹ

Ngày 04-5, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom tuyên bố EU đã để ngỏ việc theo đuổi một thỏa thuận thương mại "hạn chế " với Mỹ, một khi Washington đồng ý miễn hoàn toàn thuế đối với sản phẩm thép và nhôm của châu Âu.

Cao ủy Malmstrom tuyên bố một thỏa thuận có giới hạn là điều có khả năng đạt được nếu các nước châu Âu muốn nhận được kết quả một cách nhanh chóng.

Bà Malmstrom đưa ra lời phát biểu trên chỉ một vài ngày sau khi Mỹ trao cho châu Âu cùng một số đồng minh khác thời hạn một tháng để áp đặt các mức thuế gây tranh cãi đối với sản phẩm thép và nhôm, hành động trên đã giúp tạm tránh được nguy cơ bùng phát một cuộc chiến thương mại.

Mức thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm lẽ ra đã được thực hiện từ ngày 01-5 vừa qua, nhưng chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã quyết định trì hoãn nhằm đạt được những nhượng bộ thương mại từ phía EU.

Bà Malmstrom tuyên bố rằng một thỏa thuận thương mại với Mỹ là vấn đề hoàn toàn khác với Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đầy tham vọng, vốn đã bị hủy bỏ sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống.

Bà Malmstrom cho biết đây chính là lý do khiến EU có thể chỉ xem xét về mức thuế nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa và hoa quả, trong khi vẫn loại trừ những yếu tố nhạy cảm nhất như những quy định của Mỹ và EU về y tế hay an ninh.

Thỏa thuận này cần nhiều thời gian với một quá trình chuẩn bị công phu và sự thông qua của toàn bộ các nước thành viên EU để các nhà đàm phán có thể bắt đầu công việc của mình.

Theo bà Malmstrom, EU có thể bắt đầu thăm dò để có được một ý tưởng tốt nhất về tình hình, tiếp đó các nhà đàm phán của châu Âu cần sự nhất trí của các nước thành viên để bắt đầu đàm phán. Bà nhấn mạnh ý tưởng trên chỉ có thể khả thi sau khi nhận được quyết định miễn hoàn toàn thuế thép, nhôm từ phía Mỹ.

Bà Malmstrom cho hay bà đã tiếp xúc với Bộ trưởng Thương mại của Mỹ Wilbur Ross vài lần một tuần và hiện các cuộc thảo luận vẫn được tiếp tục.

Châu Âu đã xuất khẩu 7,7 tỷ USD thép, nhôm vào thị trường Mỹ năm 2017, đồng thời vạch ra các mức thuế trừng phạt riêng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm các mặt hàng mang tính biểu tượng như xe máy Harley-Davidson, quần jean hay rượu uýtxki ngô.

Cao ủy Malmstrom tuyên bố các nước thành viên EU đã chuẩn bị một danh sách trừng phạt nhưng vẫn đang cân nhắc việc có phải sử dụng đến các biện pháp này hay không.

Fed chính thức quyết định duy trì biên độ lãi suất cơ bản

Kết thúc cuộc họp bàn chính sách trong hai ngày 01 đến 02-5, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra quyết định duy trì biên độ lãi suất trong khoảng 1,50-1,75%, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục đà gia tăng gần đây để tiến tới gần ngưỡng mục tiêu 2% mà Fed đề ra, mở đường cho cơ quan ngày tăng lãi suất trong tháng Sáu tới.

Ủy ban ấn định lãi suất của Fed cũng coi nhẹ việc tốc độ tăng trưởng kinh tế và việc làm gần đây chậm lại, thay vào đó nhấn mạnh rằng kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục mở rộng ở mức độ vừa phải trong khi thị trường tiếp tục tạo ra đáng kể việc làm trong những tháng qua.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, trong tuyên bố về quyết định lãi suất, Fed thể hiện sự tin tưởng vào triển vọng nền kinh tế Mỹ bằng cách khẳng định đầu tư cố định của các công ty tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết cơ quan này sẽ theo đuổi cách tiếp cận trung dung đối với chính sách tiền tệ, nghĩa là từng bước nâng lãi suất để tránh khiến lạm phát tăng vọt.

Quyết định của Fed duy trì lãi suất cơ bản hoàn toàn nằm trong dự đoán của giới đầu tư. Lần tăng lãi suất gần đây nhất là vào tháng Ba và Fed dự định tiến hành hai đợt tăng nữa trong năm nay mặc dù ngày càng nhiều nhà hoạch định chính sách dự đoán có thể có ba đợt tăng.

Hiện đại đa số các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp bàn chính sách sắp tới vào ngày 12 và 13-6. Tốc độ tăng lãi suất đã được đẩy nhanh hơn kể từ khi Fed bắt đầu chu kỳ thắt chặt tiền tệ hồi tháng 12-2015.

Trong năm 2016, Fed chỉ nâng lãi suất duy nhất một lần, song năm ngoái đã tăng tổng cộng ba lần trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường lao động mạnh lên.

Mặc dù nền kinh tế đã chậm lại, đạt tốc độ tăng trưởng 2,3% trong quý 1 năm nay, trong khi mức tăng việc làm cũng nguội bớt trong tháng Ba, song giới phân tích dự đoán nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khởi sắc hơn trong những tháng tới một phần nhờ các gói giảm thuế và kích thích tài chính của chính quyền Tổng thống Trump.

Nền kinh tế Mỹ hiện đang trong giai đoạn tăng trưởng kéo dài thứ hai kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,1%, mức thấp nhất trong 17 năm qua, trong khi đang có những dấu hiệu cho thấy tiền lương đang có xu hướng tăng ổn định sau một thời kỳ dài chững lại.

Tuy nhiên, tuyên bố về chính sách của Fed không đề cập tới những rủi ro kinh tế bắt nguồn từ những căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Trong các tuyên bố gần đây, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã cảnh báo về những tác động tiêu cực do tranh chấp thương mại gây ra, song giữ quan điểm "chờ xem"./.

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/kinh-te/2018/50757/thong-tin-kinh-te-dang-chu-y-trong-tuan-tu-ngay-304.aspx