Thông báo rút kinh nghiệm đối với việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự...

VKSND tối cao vừa có văn bản số 50/TB-VKSTC gửi VKSND cấp cao, VKSND các địa phương, đơn vị thông báo kinh nghiệm và rút kinh nghiệm 06 tháng cuối năm về công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, nhằm góp phần giúp cho công tác này trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn.

Phát hiện nhiều vi phạm qua công tác kiểm sát

Theo Thông báo số 50/TB-VKSTC, qua báo cáo của các VKSND cấp cao, các VKSND tỉnh, thành phố cho thấy Viện kiểm sát (VKS) các cấp trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát 6 tháng cuối năm 2018 đã phát hiện được nhiều vi phạm.

Các dạng vi phạm chủ yếu là: Xác định sai tư cách của đương sự; không tiến hành thu thập hoặc thu thập tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ; đánh giá chứng cứ không khách quan, toàn diện dẫn đến quyết định của bản án không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, không thực hiện các thủ tục tống đạt, niêm yết tại nơi cư trú; giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự hoặc không giải quyết hết các yêu cầu của đương sự; không giám định thiệt hại để làm căn cứ bồi thường, việc áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự 2005 và 2015 không đúng theo điều khoản chuyển tiếp; vi phạm trong việc xác định đối tượng khởi kiện; vi phạm về đưa người liên quan tham gia tố tụng.

Tòa án ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nhưng không nêu rõ hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án, không tuyên đình chỉ đối với yêu cầu đương sự đã rút, không nêu hậu quả đình chỉ; vi phạm về nội dung, vi phạm về việc áp dụng thiếu điều luật, vi phạm về việc tính án phí…

Ngoài ra, vẫn còn nhiều các vi phạm khác như: Về thời hạn gửi thông báo thụ lý, gửi bản án, quyết định, vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử, viện dẫn điều luật áp dụng chưa chính xác... Các vi phạm trên của Tòa án cơ bản đã được tổng hợp để kịp thời ban hành kháng nghị để xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

Trước tình hình trên, nhìn chung VKS các cấp đã chấp hành theo Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 6/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm án dân sự, hành chính; Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 22/3/2018 về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự và hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, phá sản và những việc khác theo quy định của pháp luật; Chỉ thị số 01/CT-VKSTC về công tác năm 2018 của ngành KSND, nhiều đơn vị đã cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu nghiệp vụ đề ra. Công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án được chú trọng, kịp thời phát hiện vi phạm để thực hiện kháng nghị.

Tăng cường chỉ đạo cấp huyện, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết án, nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm, đảm bảo tỷ lệ chấp nhận kháng nghị ở mức cao. Các cán bộ, Kiểm sát viên (KSV) làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự đã có nhiều cố gắng, kịp thời tiếp cận và nắm bắt các quy định, văn bản pháp luật mới; chú trọng việc học tập, tích lũy kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo hạn chế thấp nhất số lượng án bị hủy, sửa do trách nhiệm của KSV.

Lãnh đạo VKS các cấp đã có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với việc thực hiện công tác kiến nghị, kháng nghị; xác định được ý nghĩa của công tác kiến nghị, kháng nghị; lựa chọn khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp đáp ứng được yêu cầu công tác.

Chú trọng nâng cao trách nhiệm của KSV trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Xác định việc phát hiện vi phạm để ban hành kháng nghị là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá kết quả công tác.

Công tác thông báo rút kinh nghiệm được quan tâm, chú trọng; nội dung thông báo chỉ ra được những tồn tại, thiếu sót trong hoạt động của KSV trước và sau phiên tòa để giúp các cán bộ, KSV nắm và nhận diện rõ hơn các dạng vi phạm của Tòa án nhằm rút kinh nghiệm chung, nâng cao chất lượng việc thực hiện kháng nghị.

Số kháng nghị của VKS so với bản án, quyết định bị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy, sửa có liên quan đến trách nhiệm của VKS chiếm tỉ lệ thấp. Công tác phối hợp giữa VKS các cấp trong công tác kháng nghị phúc thẩm tiếp tục được tăng cường, một số đơn vị VKS cấp huyện đã chủ động, kịp thời báo cáo các vi phạm của Tòa án để xem xét kháng nghị đồng thời phòng nghiệp vụ cũng đã có hướng dẫn kịp thời cho VKS cấp huyện để đảm bảo thực hiện tốt chức năng, thẩm quyền.

Cụ thể những nội dung cần rút kinh nghiệm

Ngoài việc đánh giá chung về thực hiện quyền kháng nghị; chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; Thông báo số 50/TB-VKSTC còn đề cập cụ thể đến những nội dung cần rút kinh nghiệm.

Cụ thể, đối với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phải có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Viện đối với công tác này. Hằng năm, Lãnh đạo VKS các cấp phải xác định được các nội dung trọng tâm, đề ra các giải pháp cụ thể, đồng thời mỗi cấp kiểm sát cần chọn điểm còn yếu, chưa tốt làm khâu đột phá để để thực hiện có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác.

Phân công Lãnh đạo Viện phụ trách và công chức phòng nghiệp vụ theo dõi cấp huyện gắn trách nhiệm với chất lượng, hiệu quả của công tác của đơn vị được phân công phụ trách và theo dõi. VKS cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, thông báo rút kinh nghiệm.

Chủ động trong công tác tự đào tạo. Có thể tự mình hoặc phối hợp với các VKS cùng cấp trong khu vực tổ chức các buổi trao đổi thảo luận thông qua các chuyên đề hoặc các vụ án. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa VKS và Tòa án để tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm

Đối với công tác tổ chức bộ máy và sử dụng nguồn nhân lực, các VKS địa phương cần có phòng nghiệp vụ chuyên sâu. Mỗi cán bộ, KSV làm khâu công tác này cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng của VKS khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Nâng cao trách nhiệm của KSV được phân công thụ lý giải quyết án, nghiên cứu hồ sơ.

Cần kịp thời cập nhật các văn bản pháp luật, tham khảo,vận dụng đúng các văn bản pháp luật, các thông báo rút kinh nghiệm. Cần sắp xếp, bố trí công chức đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng, đặc biệt chú trọng đến năng lực sở trường công tác của công chức, đảm bảo có các độ tuổi để kế thừa; cấp huyện ít nhất phải có 1 KSV chuyên trách. Đồng thời, công chức phải thường xuyên được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn, hội nghị, hội thảo... và tự học hỏi để nâng cao trình độ.

Đối với công tác chuyên môn, nghiệp vụ, công chức phải thường xuyên cập nhật các quy định mới về nội dung trong lĩnh vực quản lý nhà nước, các hướng dẫn của ngành, của Tòa án và các ngành khác có liên quan trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, phá sản, hành chính, áp dụng các biện pháp hành chính tại tòa. Việc nghiên cứu, lập hồ sơ kiểm sát cần phải được thực hiện theo đúng qui định, hướng dẫn của Ngành.

Kết hợp chặt chẽ kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa, phiên họp; tích cực kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án kịp thời phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị hoặc báo cáo VKS cấp có thẩm quyền để kháng nghị, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp án bị hủy, sửa có trách nhiệm của KSV.

Cần tổng hợp các vi phạm của Tòa án, kịp thời ban hành thông báo rút kinh nghiệm đối với những bản án, quyết định bị hủy, sửa về những vi phạm tố tụng, vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ, tài liệu; những vi phạm về việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong các vụ án; đánh giá chất lượng kháng nghị để kịp thời khắc phục nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc. Tích cực trả lời thỉnh thị và giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ cũng như về áp dụng pháp luật đối với VKS cấp dưới.

Đối với các quyết định sơ thẩm của Tòa án cần chú ý căn cứ để Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ đồng thời gắn với việc theo dõi việc phục hồi giải quyết vụ án không để việc tòa án kéo dài thời hạn tạm đình chỉ mà VKS cùng cấp bỏ quên kiểm sát, đình chỉ có bảo đảm đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự hay không; đặc biệt là việc thỏa thuận của các đương sự đã phù hợp với quy định của pháp luật chưa? có thể gây thiệt hại đến quyền lợi của người thứ ba hay không?

Việc lập quyết định kháng nghị phải đúng mẫu quy định; lập luận phải vững chắc, có đầy đủ căn cứ pháp luật; đối chiếu căn cứ pháp luật cho phù hợp. Nội dung kháng nghị phải nêu cho được vi phạm pháp luật cụ thể của Tòa án trong bản án, quyết định, nêu vi phạm về tố tụng hay luật nội dung…

Ngoài ra, Thông báo số 50/TB-VKSTC còn đề cập đến những phương pháp, kinh nghiệm phát hiện vi phạm của Tòa án; trong nghiên cứu hồ sơ vụ án; kiểm sát phần thủ tục, hỏi tại phiên tòa; phương pháp, kinh nghiệm tích lũy, lưu giữ tài liệu vi phạm; phương pháp, kinh nghiệm thu thập tài liệu, chứng cứ để thực hiện quyền kháng nghị; phương pháp, kinh nghiệm xây dựng quyết định kháng nghị; kinh nghiệm đưa ra tài liệu chứng cứ, lập luận để bảo vệ kháng nghị của VKS tại phiên tòa…

Về một số giải pháp, kiến nghị, Thông báo số 50/TB-VKSTC nêu rõ: Đối với Lãnh đạo VKSND cấp cao, VKS các tỉnh, thành phố quán triệt thực hiện Chỉ thị 01/CT-VKSTC ngày 28/12/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát năm 2019, tiếp tục xác định “công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm”.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/thong-bao-rut-kinh-nghiem-doi-voi-viec-giai-quyet-vu-an-hanh-chinh-vu-viec-dan-su-64863.html