Thỏa thuận tại Geneva – Bài 1: Tác động đối với hai siêu cường
Truyền thông quốc tế (các tờ Wall Street Journal, The Economist và trang mạng Caixin) đồng loạt đăng các bài viết nhận định về thỏa thuận bất ngờ vừa đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc tại Geneva.

Quang cảnh cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ Wall Street Journal, ngày 12/5, trước sự ngạc nhiên của các nhà đầu tư toàn cầu và các doanh nghiệp đang lo sợ một cuộc chiến thương mại, Mỹ và Trung Quốc cùng đồng ý một thỏa thuận đình chiến. Cụ thể, Mỹ đồng ý hạ thuế quan đối với hầu hết hàng hóa Trung Quốc xuống còn 30%, từ mức 145%, trong khi Trung Quốc cho biết sẽ cắt giảm thuế đối với các sản phẩm của Mỹ xuống 10% từ mức 125%. Thuế phát sinh từ cái gọi là “vấn đề fentanyl” không được đề cập rõ trong tuyên bố lần này.
Thuế của Mỹ đối với nhiều sản phẩm Trung Quốc sẽ cao hơn 30%. Thuế của Mỹ đối với thép, nhôm và ô tô vẫn được duy trì, cũng như một số mức thuế trước đó đối với một số hàng hóa Trung Quốc được áp đặt trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump và thời cựu Tổng thống Joe Biden.
Thị trường đã phản ứng tích cực trước thông tin này. The Economist đưa tin đồng USD tăng khoảng 1% so với đồng euro. Chỉ số S&P 500 của các công ty lớn của Mỹ đã tăng 2,6% khi mở cửa vào ngày 12/5. Thị trường chứng khoán ở Trung Quốc đại lục đã đóng cửa trước khi thỏa thuận được tiết lộ. Nhưng tại Khu Hành chính Đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng, bao gồm nhiều công ty đại lục, đã tăng 1,7% trong giờ giao dịch cuối cùng.
Giá trị đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, phản ánh kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế nhanh hơn của Mỹ khi căng thẳng thương mại giảm bớt. Các nhà đầu tư và nhà phân tích cho biết, kết quả đàm phán này tốt hơn nhiều cho kinh tế toàn cầu so với những gì họ đã dự kiến, khi các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc bắt đầu hai ngày đàm phán chuyên sâu tại dinh thự của Đại sứ Thụy Sĩ tại Liên hợp quốc ở Geneva.
Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý duy trì các mức thuế mới này trong 90 ngày, với mục tiêu hướng tới một thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn trong các cuộc đàm phán tiếp theo. Trung Quốc cho biết sẽ hủy bỏ hoặc đình chỉ một số biện pháp thương mại phi thuế quan mà nước này đã áp đặt để đáp trả Mỹ, có khả năng bao gồm việc nới lỏng hạn chế xuất khẩu đối với các khoáng sản thiết yếu được sử dụng trong pin và các ứng dụng công nghệ cao khác.
Theo trang mạng Caixin, kết hợp với nội dung được tuyên bố, có thể thấy hiện nay đàm phán thương mại Mỹ-Trung có những đặc điểm sau: một là, Mỹ vẫn duy trì mức thuế quan ít nhất 10%, tương tự kết quả đàm phán với Anh. Hai là, Trung Quốc không công nhận việc Mỹ áp đặt thuế dựa trên tính toán đơn giản về tỷ lệ thâm hụt thương mại, nhưng vẫn sẵn sàng đàm phán trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Ba là, đội ngũ đàm phán của hai nước đạt được kết quả lớn chỉ trong hai ngày, cho thấy hai bên vẫn có không gian rộng mở để cùng có lợi trong tiến trình toàn cầu hóa kinh tế. Bốn là, Tuyên bố đề cập đến việc hai bên đồng ý thiết lập cơ chế tham vấn kinh tế thương mại, duy trì đối thoại thường xuyên về các mối quan tâm kinh tế thương mại của mỗi bên, dự kiến sẽ có thêm các kết quả đàm phán tiếp theo.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (phải) và Đại diện thương mại Jamieson Greer trong cuộc họp báo sau đàm phán với đại diện quan chức cấp cao Trung Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 12/5/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Xuất khẩu của Trung Quốc được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng cao. Theo các tính toán từ vòng tăng thuế trước, nếu Mỹ áp thuế 30% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nước này sang Mỹ sẽ giảm khoảng 25 điểm phần trăm. Xét đến tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ đạt 14,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của Trung Quốc, điều này sẽ kéo giảm tăng trưởng xuất khẩu hàng năm khoảng 3,6 điểm phần trăm.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc là 5,9%. Trong 4 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng xuất khẩu đã đạt 6,4%, cho thấy hoạt động ngoại thương vẫn giữ được độ bền vững cao. Thành quả bước đầu của đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng giúp giảm bớt phần nào sự bất định của thương mại toàn cầu trong năm nay. Dự báo, xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2025 sẽ vẫn duy trì mức tăng trưởng cao.Đàm phán thương mại đạt tiến triển thực chất sẽ giúp cải thiện mạnh mẽ niềm tin đối với tài sản Trung Quốc. Việc thuế giảm sâu cũng sẽ có lợi cho nền tảng kinh tế Trung Quốc, dù ảnh hưởng từ mức thuế 30% vẫn không nên bị xem nhẹ. Do đó, nhận định đối với triển vọng thị trường chứng khoán Trung Quốc là lạc quan.
Đối với kinh tế Mỹ, theo ước tính của Caixin, tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP từ đợt áp thuế “có đi có lại” trong tháng 4/2025 được điều chỉnh từ -1,6 điểm phần trăm xuống còn khoảng -1 điểm phần trăm, dự báo tăng trưởng kinh tế thực tế của Mỹ trong năm 2025 sẽ trở lại mức trên 1%. Đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 7/2025 giảm. Theo Caixin, khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2025 là hợp lý, với 2-3 đợt cắt giảm dự kiến.
Hai kịch bản có thể xảy ra với kinh tế Mỹ dưới tác động của thuế. Một là, giá cả tăng khi thuế được chuyển hoàn toàn sang người tiêu dùng, lợi nhuận doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều. Hai là, sức mua thực tế của người tiêu dùng giảm, doanh nghiệp phải gánh thêm phần thuế, khiến lợi nhuận giảm tốc. Hiện tại, các chuyên gia có vẻ thiên về kịch bản thứ hai.
Với tiến triển vượt kỳ vọng trong đàm phán Mỹ-Trung, tài sản rủi ro, đặc biệt là cổ phiếu, sẽ phục hồi trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sau giai đoạn lạc quan, lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ trong quý II và III/2025 có thể vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thuế quan, nên sự phục hồi này không đồng nghĩa với việc thị trường cổ phiếu bước vào chu kỳ tăng giá mới. Khả năng đảo chiều thực sự có thể chỉ đến khi Fed hạ lãi suất trong quý cuối cùng của năm 2025 và chính quyền Tổng thống Donald Trump thúc đẩy chính sách cắt giảm thuế mạnh hơn.
Đối với thị trường trái phiếu Mỹ, lợi suất trái phiếu dài hạn được kỳ vọng tăng nhẹ, dao động trong biên độ 4,1%–4,6%, nhưng có khả năng giảm xuống dưới 4% trong nửa cuối năm. Trong khi đó, do tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại và cuối cùng Fed vẫn cần cắt giảm lãi suất, đợt tăng giá ngắn hạn của đồng bạc xanh là khó duy trì.