Thiện tâm ở tại lòng ta, đừng dại dột mà bỏ qua chính mình

Người ta thường nói 'Nhân chi sơ tính bản thiện', tức là trong mỗi con người khi sinh ra đều mang tính thiện, lâu dần, do môi trường sống, môi trường giáo dục khiến tính ấy bị mai một, hoặc bị che lấp mất. Nhưng tin rằng, khi được kích hoạt lại, tính thiện ấy sẽ nở rộ trong mỗi người, khiến xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Đừng thờ ơ trước những người xung quanh

Một buổi tối lạnh lẽo đầu năm1935, tại một phường khó khăn nhất thuộc thành phố New York, một phiên tòa diễn ra. Bị cáo là một phụ nữ rách rưới, bị buộc tội ăn trộm một ổ bánh mì. Khuôn mặt bà âu sầu, ẩn ước vẻ xấu hổ. Quan tòa hỏi: “Bị cáo, có đúng là bà đã ăn trộm bánh mì không?”.

Ảnh minh họa.

Người phụ nữ cúi đầu và lúng túng trả lời: “Đúng vậy! Thưa quan tòa, tôi thực sự đã ăn trộm bánh mì!”. Quan tòa lại hỏi, động cơ ăn trộm bánh mì của bà là gì, có phải vì đói khát chăng? Người phụ nữ ngẩng đầu lên, đôi mắt nhìn vị thẩm phán và thừa nhận đúng là mình rất đói. Con rể đã bỏ rơi gia đình, con gái bà thì bị bệnh còn 2 đứa cháu nhỏ đang chết đói.

Chúng đã mấy ngày hôm nay không được ăn rồi. Bà không thể trơ mắt nhìn chúng chết đói được, chúng vẫn còn quá nhỏ! Nghe người phụ nữ nói xong, mọi người xung quanh bắt đầu lầm rầm những tiếng bàn tán. Tuy nhiên, người chủ cửa hàng nơi bị trộm bánh mì thì không đồng ý tha thứ.

“Đây là một vùng kém an ninh, thưa Ngài,” ông nói. “Bà ấy phải bị trừng phạt để làm gương cho những người khác.” Vị quan tòa thở dài, nhìn về phía người phụ nữ và nói: “Bị cáo, tôi phải làm việc theo lẽ công bằng, chấp hành theo pháp luật. Bà có hai lựa chọn hoặc nộp phạt 10 đô la hoặc chấp nhận bị giam 10 ngày”.

Vị quan tòa này thực chất là thị trưởng của thành phố New York khi đó, ông Fiorello LaGuardia. Sau khi đọc tuyên án trên, ông đồng thời cũng đưa tay vào túi, lấy ra một tờ tiền và thả vào chiếc mũ của mình. Ông nói lớn: “Đây là 10 đô la mà tôi sẽ trả cho án phạt này.

Ngoài ra tôi phạt mỗi người trong phòng xét xử này 50 cent, đó là số tiền phạt cho sự thờ ơ của chúng ta khi ở cùng khu phố mà lại để cho một người phụ nữ phải đi ăn trộm bánh mì về nuôi cháu. Ông Baliff, hãy đi thu tiền và đưa tặng cho bị cáo”.

Ngày hôm sau, tờ báo thành phố New York đưa tin đã có 47,5 đô la được gửi đến cho người phụ nữ khốn khó kia. 50 cent trong đó là do người chủ cửa hàng tạp hóa đóng góp, ngoài ra còn có khoảng vài chục bị cáo khác đang chờ xét xử, và các cảnh sát có mặt khi đó, họ đều vinh hạnh được đóng góp 50 cent và đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt.

Khoản tiền phạt mà mọi người thành tâm nộp đã cho thấy: “lương thiện” không chỉ là một loại phẩm chất đối lập với sự lạnh lùng, gian trá, tàn nhẫn và tư lợi, mà còn là một loại khế ước về tinh thần. Con người đến thế gian này, với tư cách là một phần tử trong xã hội, là tự nhiên đã có một bản hợp đồng với xã hội. Hợp đồng đó chính là: Không bán rẻ lương tri.

Lòng người chỉ có hướng thiện mới có thể được ánh mặt trời chiếu rọi. Người hiểu được khế ước lương tri chính là người cao quý. Còn người sáng suốt thì biết được rằng họ sẽ phải trả giá đắt cho sự thờ ơ.

Thường làm việc thiện

Âm đức không bao giờ cạn Trước đây, vào thời nhà Minh, có một người đứng đầu nhóm thổ phỉ lôi kéo người tạo phản ở vùng Phúc Kiến. Rất nhiều người trí thức và nông dân đều nghe theo ông ta nổi lên chống lại triều đình.

Hoàng đế liền cử quan Đô Ngự sử, người huyện Ngân lãnh binh ấn đi tiêu diệt đảng tặc. Đô Ngự sử họ Trương dùng kế sách bắt sống được kẻ đứng đầu. Về sau ông lại phái vị quan Bố Chính tỉnh Phúc Kiến đi tìm bắt những tên thổ phỉ còn lại.

Ông còn chỉ thị rằng, hễ bắt được kẻ nào là giết ngay. Nhưng quan Bố Chính không muốn giết người bừa bãi vì sợ hại lầm người tốt. Ông liền đến các nơi tìm kiếm danh sách những người theo giặc. Khi tra ra được những ai không theo giặc, không có tên trong danh sách thì ông ngầm phát cho họ một lá cờ vải trắng nhỏ và giao ước rằng khi quân đi truy tìm bọn giặc đến vào ngày ấy thì họ phải đem lá cờ vải trắng ấy cắm ở nhà để ra dấu hiệu rằng đây là nhà người dân trong sạch.

Hơn nữa, ông còn ra lệnh cấm quan binh giết hại bừa bãi. Nhờ vậy, số người tránh khỏi bị giết lầm đợt ấy tính ra đến hơn một vạn. Về sau con trai của quan Bố Chính này thi đỗ Trạng Nguyên, làm quan đến chức Tể tướng. Cháu nội của ông cũng thi đỗ Thám Hoa, học vị dưới trạng nguyên và bảng nhãn thời xưa, cũng chính là Tiến sĩ đệ tam danh. Người ta thường băn khoăn, liệu rằng làm việc tốt có luôn được hưởng may mắn và phúc báo hay không. Khi mà xã hội này, người tốt toàn chịu thiệt. Đó chỉ là chúng ta không biết, không cảm nhận thấy mà thôi!

Có một đôi mắt to luôn luôn nhìn chăm chú vào chúng ta ở cõi hồng trần này, ghi chép lại một cách tỉ mỉ hết thảy từng ý từng niệm, từng hành vi thiện và ác của chúng ta, tuyệt đối không sai một điểm nào. Phàm làm việc lành mà người ngoài biết được là dương thiện, làm việc lành mà người ngoài không biết được là âm đức.

Âm đức được phúc báo, dương thiện hưởng danh thơm. Tuy nhiên, danh thơm thường là điều đáng húy kỵ vì xưa nay biết bao nhiêu người vì háo danh thành thử bị danh làm hại, lâm vào cảnh tai họa, ngược lại những người không tội lỗi mà cứ bị thiên hạ chê oan, thì lắm lúc con cháu họ được phát đạt.

Người làm việc thiện là đáng quý, nhưng hành thiện cũng cần đúng cách tránh tạo nghiệp. Một vị hòa thượng từng nói: “Người phàm tâm tính chưa được tẩy sạch, chưa được thanh tịnh, tuệ nhãn chưa khai, thường nhận thiện làm ác, cho ác là thiện; người như vậy không phải là hiếm có, đã tự mình lẫn lộn phải trái cho ác là thiện, cho thiện là ác, điên đảo đảo điên mà không hay lại còn oán trách trời cho báo ứng là sai, là không công bằng ư”. Hòa thượng Trung Phong chỉ dạy rằng: “Giúp ích cho người gọi là thiện, chỉ vì có ích cho mình gọi là ác.

Vì giúp ích cho người cho nên dù có đánh mắng cũng vẫn là thiện, trái lại chỉ vì mang ích lợi đến cho mình nên dù có kính trọng người cũng vẫn là ác. Vì vậy người làm việc thiện đem lại ích lợi cho người là công, mà công tức là chân, còn vì lợi cho mình ấy là tư, mà tư tức là giả. Lại nói thêm, việc thiện tự lòng phát ra là chân, đua đòi học theo là giả…

Lại nữa làm việc thiện mà xuất phát từ tấm lòng thành là chân thiện, còn hời hợt chiếu lệ mà làm là giả thiện. Hơn nữa hành thiện mà không nghĩ đến một sự báo đáp nào cả là chân thiện, trái lại còn hy vọng có sự đền đáp là giả thiện, đó là những điều tự mình cần khảo sát kỹ lưỡng”.

Người phương đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, đặc biệt đặt hy vọng vào đời con đời cháu, mong muốn để lại cho con, cho cháu nhiều của cải vật chất thì mới yên lòng ra đi. Nhưng, kỳ thực, điều lưu lại tốt nhất cho con cháu chính là làm nhiều việc tốt, tích đức làm việc thiện. Bởi vì chúng ta nhìn không thấy, nhưng ông Trời lại nhìn thấy rõ mọi điều. Người nào làm việc tốt, ông Trời nhất định sẽ ban những thứ tốt nhất cho người ấy.

Vô Ưu

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/thien-tam-o-tai-long-ta-dung-dai-dot-ma-bo-qua-chinh-minh-d102888.html