'Thiên đường' ở vùng đất thiêng

Trong số những chứng tích ghi dấu tội ác của đế quốc, thực dân ở Côn Đảo, có Cầu tàu 914, nơi đã diễn ra những cuộc vượt ngục đầu tiên của những chiến sĩ cách mạng bị đày ra nơi đây. Ngày ấy, có rất nhiều người con của dân tộc Việt bị cầm cố trong điều kiện vô cùng hà khắc ở hòn đảo được mệnh danh là 'địa ngục trần gian' đã không bao giờ trở về. Và con số '914' được đặt tên cho Cầu tàu này do những người tù còn sống nhẩm tính số bạn tù đã ngã xuống trong quá trình xây dựng công trình...

Côn Đảo giờ đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch.

Từ nơi ghi dấu bước chân lưu đày...

Nhưng đó chỉ là con số ước chừng, trên thực tế, số người nằm xuống có thể lên đến hàng ngàn người. Những ghi chép cùng ký ức của các nhân chứng lịch sử cho biết, Cầu tàu 914 được khởi công xây dựng từ năm 1873, nằm trước dinh thự Chúa Đảo. Công trình này kéo dài cho đến khoảng năm 1930 mới tạm xong, được sửa chữa và mở rộng nhiều lần mới có hiện trạng như ngày hôm nay.

Sở dĩ có tên gọi "Cầu tàu 914" là vì thực dân Pháp bắt tù nhân đi khai thác đá từ chân núi Chúa đưa về để xây dựng cầu tàu và xây cả kè đá chắn sóng phía trước. Những người tù phải trèo núi, dùng những dụng cụ thô sơ đẽo gọt những tảng đá khổng lồ, sau đó khuân vác đá vượt qua những cung đường xa xôi, hiểm trở để tập kết về khu vực gần công trình. Công việc nặng nhọc đã làm cho sức khỏe của các tù nhân bị kiệt quệ.

"Nơi đây có chiếc cầu tàu/ Mỗi viên đá xếp một đầu người rơi" là câu thơ khuyết danh nói lên sự dã man của những tên cai ngục thực dân, đế quốc đối với các tù nhân.

Trải qua hơn một thế kỷ, thực dân Pháp và sau này là Mỹ - ngụy, đã lần lượt đày hàng vạn người Việt Nam yêu nước ra Côn Đảo, trong đó có hơn 22 nghìn người đã ngã xuống vì nền độc lập, thống nhất của dân tộc. Nhiều chiến sỹ cách mạng kể rằng, khi bước chân lên Cầu tàu 914, người tù phải chịu một trận đòn phủ đầu của những tên cai ngục, tay lăm lăm cầm dùi cui, gậy gộc gõ lên đầu để điểm danh kèm với những lời hăm dọa và lăng nhục. Nhưng đó mới chỉ là "màn dạo đầu".

Những căn phòng nóng bức, ngột ngạt cùng với những hình thức tra tấn rùng rợn, phi nhân tính dành cho người tù những ngày sau đó. Những chứng tích "chuồng cọp", "chuồng bò", "trại Phú Hải", "cầu Ma Thiên Lãnh", "sở Lò Vôi", "sở Muối"... đã trở thành "địa ngục trần gian” đối với các tù nhân ở đây, khiến nhiều người liên tưởng chúng như những nhà tù khủng khiếp nhất thời Trung cổ. Câu thơ "Côn Lôn đi dễ khó về/ Già đi bỏ xác, trai về nắm xương" đã phản ánh sinh động, chân thực về nhà tù Côn Đảo khiến người đời ghê rợn.

Có người kể rằng, năm 1975, khi giải phóng Côn Đảo, có chiến sỹ nghe tiếng kêu dưới hầm phân bò và phát hiện ra có người bị ngâm ở dưới. Được vớt lên, người tù này đã bị giòi ăn đến xương, trên đường đưa vào đất liền cấp cứu thì đã qua đời. Câu chuyện này khiến người ta liên tưởng đến lời của cố Giáo sư Trần Văn Giàu, cựu tù Côn Đảo: "Nói ra thì có lẽ không phải. Nhưng cái chết bằng hơi độc, thuốc độc, điện giật, giết một lần hàng vạn sinh linh, cái chết đó người chiến sỹ tù nhân Việt Nam mình có mấy ai sợ đâu? So với cái tàn ác ở nhà tù Côn Đảo, thì nhà tù Hít-le giống như ao cạn so với vực thẳm...".

...Đến thiên đường du lịch

Tháng 9-1945, Cầu tàu 914 trở thành địa danh lịch sử đón hơn 2.000 tù chính trị Côn Đảo được giải phóng. 30 năm sau, địa danh nổi tiếng này lại rợp bóng cờ bay, đón hơn 4.000 tù chính trị được giải phóng lần lượt trở về đất liền vào tháng 5-1975. Đã gần 40 năm trôi qua, giờ đây, những nhân vật, chứng tích ở Côn Đảo vừa tố cáo tội ác chiến tranh mà kẻ thù xâm lược đã gây ra ở Việt Nam suốt hơn một thế kỷ, vừa là nhân chứng lịch sử về lòng yêu nước, sự gan dạ, kiên trung của những người cộng sản, sẵn sàng hy sinh thân mình vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Bất chấp mọi hình thức tra tấn dã man, họ vẫn lạc quan, yêu đời, vẫn cất cao lời ca, tiếng hát nhằm át đi tiếng gông xiềng và sự uy hiếp của kẻ thù bằng tinh thần thép của người cộng sản.

Cuối năm 2012, hệ thống nhà tù Côn Đảo được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Ngoài những giá trị lịch sử, Côn Đảo còn thu hút khách du lịch bởi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ với 16 hòn đảo lớn nhỏ và gần 200km đường bờ biển, với nhiều bãi biển đẹp cùng hệ sinh thái phong phú và đa dạng...

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, Côn Đảo giờ đây đã trở thành thiên đường du lịch với nhiều điểm đến mới lạ hấp dẫn, bởi thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp của rừng và biển. Côn Đảo đã và đang vươn mình trỗi dậy để trở thành một miền đất nổi tiếng cùng với những dự án đầu tư lớn mang tầm vóc khu vực và quốc tế về du lịch.

Trên cơ sở bảo tồn và tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, giá trị thiên nhiên biển - đảo, Vườn quốc gia và các khu di tích lịch sử cách mạng, Côn Đảo sẽ ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa - lịch sử và các loại hình dịch vụ giải trí hiện đại, đáp ứng nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi cho khoảng 64.000 lượt khách du lịch (năm 2015) và tăng lên 150.000 lượt vào năm 2020, trong đó có 54.000 lượt khách quốc tế.

Đến với Côn Đảo, du khách thích khám phá có thể theo tàu đi đến các vịnh và lặn biển ngắm san hô, xem trai tai tượng, rùa đẻ trứng, chim biển ở các đảo: Hòn Tài, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Câu, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Trứng... Mỗi đảo ở Côn Đảo đều có những nét độc đáo, thú vị riêng, như ở Hòn Tài, du khách có thể xem loài khỉ mặt đỏ được nuôi bán hoang dã. Ở Hòn Bảy Cạnh, ngoài xem rùa biển đẻ trứng, tìm hiểu quy trình ấp nở và thả rùa về tự nhiên, du khách còn được thưởng thức rau rừng trồng tại đây, khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn nguyên sinh và ngọn hải đăng được xây dựng từ năm 1884. Đến vịnh Đầm Tre, du khách sẽ được xem chim yến làm tổ...

Có thể nói, Côn Đảo giờ đây đang từng bước khởi sắc với cơ sở hạ tầng phát triển, từ giao thông đi lại, điện, nước, trường học, y tế đến các cơ sở kinh tế... đều được đầu tư xây dựng khang trang. Được biết, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Côn Đảo đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định "đảo ngọc" này trở thành khu kinh tế du lịch - dịch vụ chất lượng cao, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch biển đảo, sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch di sản, văn hóa - lịch sử.

Chúng ta thật sự tự hào về hòn đảo tiền tiêu phía Nam của Tổ quốc, có lịch sử anh hùng bất khuất chống ngoại xâm và hôm nay đang đứng trước cơ hội chuyển mình phát triển để xứng đáng với sự hy sinh xương máu của hàng vạn anh hùng liệt sĩ người Việt Nam đã ngã xuống mảnh đất này để ươm mầm cho mai sau.

Ngày 1-2-1862, Thống đốc Béc-na ở Nam Kỳ ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là một hệ thống nhà tù với nhiều khu vực biệt giam, chuồng cọp. Trại Ba-nhơ 1 (sau đó được đổi thành trại 1, trại Cộng Hòa, trại 2, trại Phú Hải) rộng hơn 12.000m2 gồm 10 khám lớn (phòng giam lớn), 20 hầm đá biệt giam, 1 khám đặc biệt, hầm xay lúa và khu đập đá. Đây thực sự là một địa ngục khiến cả thế giới bàng hoàng. Nhiều sĩ phu yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh... cho đến những nhà cách mạng nổi tiếng như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng... từng bị giam giữ tại đây.

Nguyễn Long

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thien-duong-o-vung-dat-thieng/