Thích nghi với mẹ chồng 'xì tin'
Mẹ chồng chị còn trẻ nên ít khi để ý, xét nét con dâu. Tính bà lại vô tư, thoải mái, suốt ngày cười nói xởi lởi, hiếm lúc nào thấy bà cau có mặt mày, nên cuộc đời làm dâu của chị nhìn chung là nhàn nhã...
Mẹ chồng chị năm nay mới ngoài 40. Ở tuổi ấy mà đã có con dâu và cháu nội bồng bế thì kể cũng hơi sớm. Cuộc sống khá giả, sung túc, nên mẹ chồng chị có điều kiện giữ gìn nhan sắc, nhìn ngoài đời bà còn trẻ hơn tuổi thật rất nhiều. Lắm hôm, khách đến mua hàng còn nhầm chị là mẹ chồng, chào ngọt xớt bằng bác. Chị được phen ngắn mặt, còn mẹ chồng thì cười ngất. Chị mới sinh con, vóc dáng sồ sề, ăn mặc lại luộm thuộm, còn mẹ chồng lúc nào cũng eo ót, váy áo lượt là, đúng là nhìn xa thì cũng dễ nhầm thật.
Mẹ chồng chị còn trẻ nên ít khi để ý, xét nét con dâu. Tính bà lại vô tư, thoải mái, suốt ngày cười nói xởi lởi, hiếm lúc nào thấy bà cau có mặt mày, nên cuộc đời làm dâu của chị nhìn chung là nhàn nhã. Mẹ chồng chị mở một cửa hàng bán quần áo ngay tại nhà, lời lãi chẳng được bao nhiêu, chủ yếu là để bà có việc làm những lúc buồn chán. Từ ngày chị về làm dâu, mẹ chồng "sang tên đổi chủ" tất tần tật mọi việc nhà cho chị; còn bà sáng sáng tập yoga, chiều chiều đi đánh tennis, tối tối lại nhảy đầm.
Hồi chị chưa nghỉ sinh, công việc bận tối mắt tối mũi, vậy mà hôm nào về nhà cũng phải vắt chân lên cổ nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Mẹ chồng nhìn chị ái ngại bảo: "Nấu món gì đơn giản thôi con ạ, mà không thì cứ mua đồ ăn sẵn cho tiện. Nhà thì một tuần lau chùi một lần, bận quá thì nửa tháng. Nhìn mày cứ tất bật như con thoi". Chị nghe chỉ biết cười trừ. Không phải vì thương bố chồng và ông xã đi làm vất vả, nhà có hai người phụ nữ lại cơm hàng cháo chợ, thì chị cũng bỏ mặc tất cả cho sướng cái thân.
Bạn bè của chị đến chơi, ai cũng khen mẹ chồng chị "xì tin", tâm lý. Quả thực hồi mới quen anh, chị cũng nghĩ như vậy. Anh chị yêu nhau từ hồi còn học cấp ba, mẹ chồng biết chuyện, không cấm cản can ngăn như đại đa số các ông bố bà mẹ khác, mà bảo anh dẫn chị về nhà chơi cho biết mặt. Mẹ chồng chị còn là "quân sư quạt giấy" cho con trai cưa cẩm, tán tỉnh chị. Hồi ấy, các bạn trong lớp hâm mộ chị lắm. Hiếm có gia đình nào mẹ chồng và nàng dâu lại thân nhau như bạn bè giống nhà chị. Thỉnh thoảng cuối tuần mẹ chồng lại kéo chị đi shopping, làm đẹp. Lúc nào bà cũng khuyên chị: "Đàn bà nên sống nhiều vì mình và học cách hưởng thụ".
Phải đến cái dạo chị sinh, chị mới thấm có mẹ chồng quá "xì tin" cũng khổ. Quê chị ở xa, mẹ đẻ lại già cả không thể lên chăm sóc con gái. Lúc "nằm ổ", bao nhiêu hy vọng chị đặt cả ở mẹ chồng. Thằng bé con ra đời trái tính trái nết, ngày ngủ đêm quấy khóc, lại nay ốm mai đau. Chị sinh con đầu lòng chưa có kinh nghiệm, mẹ chồng cũng vụng về. Ban ngày thi thoảng bà còn trông con giúp chị một chốc một lát, chứ đêm đến là tất cả cho vợ chồng chị. Hai vợ chồng đành "đổi ca" cứ một người thức, một người tranh thủ chợp mắt. Nhiều hôm, chồng chị phải trực lại ở cơ quan thì hai mẹ con thức chong chong đến sáng cùng nhau. Nhưng đổi lại, chị chưa bao giờ phải tranh cãi với mẹ chăm con thế nào, cho con ăn uống ra sao. Đến giờ, chị tự tin mình là người biết chăm con thế nào là tốt nhất cho thằng bé.
Khi thằng bé cứng cáp hơn, chị đi làm trở lại, thương con còn nhỏ, chị ngỏ ý nhờ mẹ chồng giữ cháu giúp, chứ không yên tâm khi gửi con đến lớp, thế mà bà chối đây đẩy như phải bỏng. Chị đành gửi con đi học, thằng bé đến trường được mấy hôm sụt cân trông thấy. Mỗi lần đón con về, nhìn mẹ chồng ngồi bà tám, chị lại cố nén tiếng thở dài. Nhưng sau 3 tháng, mẹ con chị đã thích nghi được với công cuộc học hành. Thằng bé thích đi học, không còn quấy khóc. Đến lúc sang mẫu giáo, con tự chăm bản thân dễ dàng, vệ sinh cá nhân đâu ra đấy, hát hò nhiệt tình, luôn là đầu tàu gương mẫu cho các bạn.
Giờ thì chị hoàn toàn hài lòng với mẹ. Nhờ cách sống thoải mái, hồn nhiên của mẹ mà cuộc sống chung với bố mẹ chồng của vợ chồng chị trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ, không có va chạm khi có con và không bao giờ phán xét nhau.
Theo PNVN
Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/thich-nghi-voi-me-chong-xi-tin-20191223095821095.htm