Thị trường toàn cầu chuẩn bị cho một tuần nhiều biến động khi căng thẳng ở Trung Đông gia tăng

Các nhà giao dịch toàn cầu đang chuẩn bị cho một tuần biến động mạnh về giá cả khi xung đột tiếp diễn ở Trung Đông thúc đẩy nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn, khiến các nhà đầu tư xem xét lại quan điểm của họ về lãi suất của các nền kinh tế.

Một cuộc xung đột lan rộng hơn ở Trung Đông có nguy cơ khiến nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Ảnh: Michael M. Santiago/Getty Images

Thị trường hồi hộp chờ đợi

Đồng Đô la Mỹ, đồng Yên Nhật và đồng Franc Thụy Sỹ, tất cả đều là những đồng tiền trú ẩn truyền thống trong thời kỳ hỗn loạn, sẽ là tâm điểm chú ý vào thứ Hai khi thị trường mở cửa trở lại lúc 5 giờ sáng ở Sydney (Australia).

Các loại tiền tệ nhạy cảm với rủi ro, bao gồm cả đồng Đô la Australia, đã bị bán sớm vào đầu tuần trước và một lần nữa có thể chịu áp lực. Giá vàng đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 3 vào ngày cuối tuần qua.

Thị trường cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng giá dầu và trái phiếu Kho bạc Mỹ, sau một tuần đầy biến động khi trái phiếu dao động giữa những mức lãi và lỗ lớn nhất trong nhiều năm.

Bernard Baumohl - kinh tế trưởng toàn cầu tại The Economic Outlook Group ở Princeton, New Jersey, Mỹ cho biết, xung đột tại Trung Đông ngày càng lan rộng cũng có thể gây ra lạm phát và do đó, lãi suất trên toàn thế giới sẽ tăng nhanh hơn nữa.

Tại châu Âu, các nhà kinh tế cho biết rào cản cho một đợt tăng lãi suất khác từ ECB là rất cao, tuy nhiên với nước Mỹ có thể là ngoại lệ khi các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào nơi mà họ cho là nơi trú ẩn an toàn trong xung đột toàn cầu. “Lãi suất có thể giảm, kỳ vọng đồng Đô la sẽ mạnh lên” - Baumohl nói.

Theo Bloomberg Economics, một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông có nguy cơ khiến nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Điều đó đã bổ sung thêm một mối lo ngại khác vào danh sách lo lắng ngày càng tăng của các nhà đầu tư xung quanh việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hoàn tất việc tăng lãi suất hay chưa, và làm thế nào Quốc hội Mỹ không thể ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa.

Ed Al-Hussainy - chiến lược gia lãi suất toàn cầu tại Columbia Threadneedle cho biết, môi trường vĩ mô xấu đi, kết hợp với sự biến động mạnh của lãi suất, đã “tạo tiền đề” cho sự biến động toàn cầu gia tăng. Ông nói, các nhà đầu tư toàn cầu đang theo dõi chặt chẽ liệu cuộc xung đột Israel-Hamas có lan sang phần còn lại của khu vực hay không, nhưng hiện tại, các nhà giao dịch tiền tệ vẫn tập trung hơn vào FED.

Trong khi các thước đo rộng hơn về sự biến động của thị trường vẫn đang được kiềm chế, đồng tiền Thụy Sỹ đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm so với đồng Euro và đồng Đô la Mỹ tăng tuần thứ tư. Biến động của cổ phiếu S&P 500 cũng tăng lên.

Có rất nhiều điều không chắc chắn ở Mỹ có thể thúc đẩy những biến động thị trường hơn nữa. Tuần trước, một báo cáo lạm phát nóng đã thúc đẩy đặt cược vào một đợt tăng lãi suất khác từ FED, thay thế dòng chảy trú ẩn trong những giờ sau đó và thúc đẩy đợt bán tháo lớn nhất trong một ngày đối với trái phiếu kỳ hạn 30 năm kể từ khi đại dịch bùng phát.

Thêm vào đó, Hạ viện Mỹ vẫn không có người lãnh đạo. Nhưng, xung đột ở Trung Đông mới là vấn đề lớn nhất mà các nhà đầu tư phải đối mặt. Jane Foley - người đứng đầu chiến lược tiền tệ tại Rabobank cho biết: “Tất cả chúng tôi đều đang lo lắng không biết điều này sẽ đi theo hướng nào, nhưng cho đến khi chúng tôi thực sự lo ngại về nguồn cung dầu, thị trường sẽ hồi hộp chờ đợi”.

Tâm điểm hướng về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới

Tuần này, tâm điểm chú ý sẽ tập trung vào Trung Quốc, dữ liệu công bố vào thứ Tư (18/10) có thể sẽ cho thấy mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội theo quý của nền kinh tế thứ hai thế giới. Tốc độ tăng trưởng từ tháng 7 đến tháng 9 so với một năm trước có thể đã chậm lại ở mức 4,5%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng hàng năm của Bắc Kinh là khoảng 5%.

Du khách tập trung dự lễ chào cờ tại Quảng trường Thiên An Môn nhân ngày Quốc khánh ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Andrea Verdelli/Bloomberg

Đáng chú ý, quý trước đó đã cho thấy các số liệu đầy hứa hẹn hỗ trợ hoạt động kinh tế ổn định, với hoạt động của nhà máy được cải thiện và xuất khẩu giảm ở mức vừa phải khi chính quyền Trung Quốc triển khai các biện pháp kích thích và nới lỏng các chính sách hạn chế bất động sản. Các công bố trong tuần này về sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và tỷ lệ thất nghiệp sẽ cho thấy rõ hơn về mức độ ổn định đó đã tác động như thế nào.

Cũng trong tuần này, ngày 16/10, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ ấn định lãi suất cho cơ sở cho vay trung hạn một năm, một lãi suất chính sách quan trọng. Các nhà kinh tế nhìn chung kỳ vọng điều đó sẽ không thay đổi cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù một số người dự kiến sẽ cắt giảm trước cuối năm 2023.

Ngân hàng Indonesia dự kiến sẽ giữ lãi suất ổn định vào thứ Năm (19/10), như đã làm kể từ khi tăng lãi suất vào tháng Giêng. Điều đó cũng có thể xảy ra với Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, ngay cả khi lạm phát ở đó nóng lên trở lại.

Dữ liệu thương mại từ Indonesia, Malaysia và Nhật Bản cũng được công bố trong tuần.

Ở những nơi khác, sau dữ liệu cho thấy lạm phát vẫn ở mức cao, các nhà đầu tư sẽ phân tích các nhận xét của Chủ tịch FED Jerome Powell về việc liệu ngân hàng trung ương Mỹ có nghiêng về một đợt tăng lãi suất khác trước cuối năm hay không. Chủ tịch FED phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York vào thứ Năm (19/10).

Trong khi đó, Vương quốc Anh sẽ chiếm vị trí trung tâm của châu Âu với các dữ liệu kinh tế tiếp theo sau mức tăng trưởng vẫn yếu trong tháng 8, sẽ báo hiệu cho các quan chức Ngân hàng Trung ương Anh biết liệu việc họ tạm dừng tăng lãi suất gần đây có hợp lý hay không.

Vào thứ Ba (17/10), dữ liệu tiền lương cùng với những con số trên thị trường lao động đi kèm có thể chỉ ra áp lực suy yếu trong tháng 8. Ngày hôm sau, lạm phát cơ bản, loại bỏ các yếu tố dễ bay hơi như năng lượng, cũng như chỉ số CPI toàn phần, sẽ được công bố, dự báo sẽ giảm trong tháng 9.

Ngược lại, đây sẽ là một tuần yên tĩnh hơn ở khu vực đồng Euro. Thước đo niềm tin của nhà đầu tư tại Đức được công bố vào thứ Ba, trong khi dữ liệu lạm phát khu vực đồng Euro công bố vào thứ Tư có thể xác nhận những số liệu ban đầu cho thấy áp lực đang suy yếu.

Đối với Ngân hàng Trung ương Châu Âu, 3 ngày đầu tuần sẽ đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn tiền quyết định để lên tiếng về chính sách tiền tệ trước khi các quan chức họp vào ngày 26/10. Các thống đốc ngân hàng trung ương từ Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và Đức đang trong số những người dự kiến đưa ra nhận xét.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ tới Luxembourg vào thứ Hai để tham dự cuộc họp của các bộ trưởng tài chính khu vực đồng Euro mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng dự kiến tham dự.

Tại Trung Đông, Israel sẽ công bố dữ liệu vào Chủ nhật có thể cho thấy mức tăng giá đã không tăng nhanh vào tháng trước sau khi bất ngờ tăng vào tháng 8 khiến lạm phát lên trên 4%.

Triển vọng hiện đang thay đổi khi cú sốc từ các cuộc tấn công của Hamas vào Israel dẫn đến sự leo thang quân sự có khả năng gây tổn hại cho nền kinh tế do gây tổn hại đến tiêu dùng, đầu tư và du lịch. Thị trường không còn mong đợi việc tăng lãi suất từ Ngân hàng trung ương Israel và thay vào đó, đang chuẩn bị thực hiện đợt nới lỏng tiền tệ đầu tiên kể từ đại dịch. Quyết định hiện được ấn định vào ngày 23/10.

Hoàng Lê (theo Bloomberg/The Financial Times)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-toan-cau-chuan-bi-cho-mot-tuan-nhieu-bien-dong-khi-cang-thang-o-trung-dong-gia-tang-137650.html