Thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý: Hàng hóa phong phú, giá cả ổn định
Theo đánh giá của Sở Công Thương, tình hình giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cơ bản ổn định; nguồn hàng dồi dào về số lượng và chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Mặc dù một số mặt hàng rau, củ, quả, thủy hải sản, thịt lợn chế biến sẵn vào những ngày cận Tết và sau Tết nhu cầu tiêu thụ tăng cao nhưng vẫn đảm bảo nguồn cung... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Theo đánh giá của Sở Công Thương, tình hình giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cơ bản ổn định; nguồn hàng dồi dào về số lượng và chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Mặc dù một số mặt hàng rau, củ, quả, thủy hải sản, thịt lợn chế biến sẵn vào những ngày cận Tết và sau Tết nhu cầu tiêu thụ tăng cao nhưng vẫn đảm bảo nguồn cung, lưu thông hàng hóa; giá bán các mặt hàng phục vụ Tết tăng trung bình từ 10-30%, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại được kiểm soát.
Sáng mồng 2 Tết, các tiểu thương ở hầu hết các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Nam Định và khu vực nông thôn đã mở hàng trở lại. Phiên chợ đầu năm phong phú từ rau xanh, các loại thủy, hải sản tự nhiên đánh bắt theo mùa và theo con nước như cá khoai, cá thu, sò lông, tôm rảo… đến cá nheo, cá sộp, chép sông, tôm đồng... do người dân khu vực phía bắc tỉnh đánh bắt. Cả người bán và người mua đều hồ hởi, mua nhanh, bán nhanh và không quên chúc nhau sức khỏe, buôn may bán đắt. Giá hàng hóa giữ ở mức cao tương đương ngày 30 Tết bởi nguồn cung chưa nhiều: thịt bò loại I có giá 260-290 nghìn đồng/kg, thịt lợn 150-170 nghìn đồng/kg tùy từng loại; cá trắm trắng giá 70-85 nghìn đồng/kg; trắm đen, cá quả từ 80-150 nghìn đồng/kg... Rau xanh tăng giá mạnh từ 50-200% bởi nhu cầu tiêu dùng tăng cao cũng như thời tiết mưa rét làm nguồn cung giảm. Trong đó, rau cải ngồng tăng lên 20 nghìn đồng/kg; bắp cải từ 4.500 đồng/kg tăng lên 12 nghìn đồng/kg; cà chua từ 13 nghìn đồng/kg tăng lên 22 nghìn đồng/kg… Tuy nhiên sức mua chưa cao do lượng lương thực, thực phẩm dự trữ từ trước Tết của người dân vẫn còn. Đến mồng 3, mồng 4 Tết, các siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí đều mở cửa đón khách với nhiều đặc sản quý hiếm phục vụ bữa ăn sum họp gia đình trong ngày đầu xuân như thịt đà điểu, thịt dê, cừu, cá sấu, mực, cá ngừ đại dương, cá hồi Nhật Bản, cá kèo, cá thác lác (miền Nam), thịt lợn Mường, thịt trâu, bò gác bếp, lạp xường, rượu cần (của người dân các dân tộc miền núi phía Bắc)... Hàng hóa đều được chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có xuất xứ rõ ràng, cùng với phong cách phục vụ văn minh, lịch sự và hàng loạt chương trình khuyến mại hấp dẫn. Giá bán các mặt hàng tại siêu thị ổn định so với thời điểm trước Tết âm lịch do hệ thống các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung dồi dào. Nhiều mặt hàng tại siêu thị như bia, thực phẩm tươi sống, rau xanh, nấm tươi rẻ hơn so với chợ truyền thống. Khảo sát tại các siêu thị cho thấy, Siêu thị Big C giảm giá hầu hết các mặt hàng hoa quả nhập khẩu và hoa quả trong nước. Trong đó, nhiều loại táo xanh, táo đỏ nhập khẩu giảm xuống còn 39-45 nghìn đồng/kg, giảm 50% so với thị trường truyền thống; nhóm hàng bia, rượu, đồ uống có cồn cũng giảm mạnh do nhu cầu tiêu dùng của nhân dân không nhiều như trước. Sang ngày mồng 6 Tết, thị trường thêm sôi động bởi ở hầu hết các huyện đều tổ chức phiên chợ Xuân truyền thống. Hàng hóa tại các phiên chợ này chủ yếu là thịt bò, thức ăn tươi sống, hoa, cây cảnh, cây giống, nông cụ và hàng mỹ nghệ không chỉ của các làng nghề truyền thống như đúc đồng Tống Xá, đồ gỗ La Xuyên (Ý Yên); đúc đồng Nam Tiến, cây cảnh Điền Xá (Nam Trực); đồ gỗ giả cổ Hải Minh (Hải Hậu); sản phẩm cơ khí (Xuân Trường, Nam Trực, Vụ Bản) mà còn của các địa phương lân cận về hội tụ mua bán cầu may với sức hút hàng vạn người tham dự.
Để giữ được thị trường ổn định, hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và đảm bảo cho hàng hóa lưu thông thông suốt, từ trước Tết các ngành chức năng đã quyết liệt thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Trong đó, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố Nam Định tiến hành khảo sát, dự tính nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn. Căn cứ tình hình sản xuất, kinh doanh, diễn biến thị trường, sức mua của 11 tháng cùng với kinh nghiệm phục vụ nhân dân trong dịp Tết, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa tăng từ 15-20% so với các tháng trong năm để kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tồn kho sau Tết. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đưa ra thị trường phục vụ Tết giá trị hàng hóa khoảng 1.200 tỷ đồng. Các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Đồng thời có phương án định hướng tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ thị trường đối với nhóm hàng thịt lợn tươi sống và qua chế biến để kiềm chế sự tăng giá cũng như hạn chế tối đa sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng làm tốt công tác theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường để thông tin và ứng biến kịp thời… Đồng thời tập trung 100% quân số, làm việc cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngoài giờ hành chính để tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng, chống buôn lậu, nhất là tại vùng nông thôn và khu vực giáp ranh. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các cấp thực hiện kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa, việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết và lễ hội đầu Xuân./.