Thị trường tài chính 24h: Dự báo quý IV chỉ số VN-Index sẽ đạt mức điểm cao hơn hiện tại

VN-Index giảm gần 15 điểm; Không thể kích cầu tiêu dùng bằng tín dụng; MBS: Chứng khoán được hỗ trợ trong môi trường lãi suất thấp, còn biến số rủi ro; Tìm cơ hội quý cuối năm; Lý do lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng vọt sẽ gây căng thẳng cho thị trường toàn cầu…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 5/10 tăng 150.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 68,30 – 69,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 1,6 USD xuống 1.821 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng nhẹ nhưng đã đảo chiều giảm nhanh về 1.820 USD/ounce và đi ngang cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,80 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 5/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.085 đồng/USD, tăng 20 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.220 – 24.560 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ lên trên 27.500 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục nhích nhẹ và lên gần 27.700 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,88 USD (-1,04%), xuống 83,34 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,77 USD (-0,90%), xuống 85,04 USD/thùng.

VN-Index giảm gần 15 điểm

Sau phiên sáng giao dịch ảm đạm với lực bán chực chờ, thị trường bước vào phiên chiều tiếp nối trạng thái đi ngang ở quanh mức 1.125 điểm.

Tuy nhiên, sức cầu không được cải thiện khiến chỉ số VN-Index bị đẩy về kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 1.120 điểm khá nhanh và giằng co, rung lắc nhẹ ở quanh vùng này trước khi bị đẩy xuống sâu hơn trong phiên ATC khi mà một số mã lớn nới thêm đà giảm và bảng điện tử tiêu cực hơn.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 24,3 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 722,21 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 5/10: VN-Index giảm 14,78 điểm (-1,31%), xuống 1.113,89 điểm; HNX-Index giảm 2,19 điểm (-0,95%), xuống 228,01 điểm; UpCoM-Index giảm 0,68 điểm (-0,77%), xuống 86,79 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ chỉ nhích nhẹ trong phiên thứ Tư (4/10), khi dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy bảng lương tư nhân của Mỹ tăng ít hơn dự báo trong tháng 9 và lợi suất trái phiếu Mỹ hạ nhiệt.

Dữ liệu từ ADP cho thấy tăng trưởng việc làm tư nhân trong tháng 9 của Mỹ chỉ đạt 89.000. Con số này thấp hơn nhiều so với ước tính 160.000 từ Dow Jones và dường như đã đảm bảo cho nhà đầu tư rằng thị trường lao động lao động đang thắt chặt.

Kết thúc phiên 4/10: Chỉ số Dow Jones tăng 127,17 điểm (+0,39%), lên 33.129,55 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 34,30 điểm (+0,81%), lên 4.263,75 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 176,54 điểm (+1,35%), lên 13.236,01 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản hồi phục khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hạ nhiệt từ mức đỉnh 16 năm.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,8% lên 31.075,36 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,99% lên 2.263,09 điểm.

"Các nhà đầu tư đã được thúc đẩy mua lại cổ phiếu sau khi chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh trong tuần và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hạ nhiệt từ đỉnh 16 năm. "Nhưng họ sẽ thận trọng về việc mua giá cao, trước khi xác nhận dữ liệu kinh tế của Mỹ như báo cáo bảng lương, vốn có thể định hướng lợi suất của Mỹ", Jun Morita, tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Chibagin Asset Management cho biết.

Trọng tâm của các nhà đầu tư bây giờ sẽ là dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Hoa Kỳ sẽ đến hạn vào thứ Sáu.

Phiên này, động lực lớn đối với thị trường là nhóm cổ phiếu chip với Advantest tăng 4,7% để tạo ra mức tăng lớn nhất cho Nikkei 225, theo sau là Tokyo Electron tăng 1,6%.

Đáng chú ý, cổ phiếu Monex Group tăng kịch trần 17,89%, khi nhà điều hành di động Nhật Bản NTT Docomo cho biết họ đã thành lập một liên kết vốn với công ty fintech để xây dựng một doanh nghiệp dịch vụ tài chính mới.

Chứng khoán Trung Quốc nghỉ tuần lễ vàng 10 ngày dịp Quốc khánh.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ, nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ khỏi mức cao nhất trong 16 năm.

Các nhà môi giới cho biết các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu từ kỳ nghỉ Tuần lễ vàng và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, trong khi những lo ngại về lĩnh vực bất động sản đại lục có thể hạn chế sự gia tăng của phân khúc bất động sản.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,10% lên 17.213,87 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,09% lên 5.887,98 điểm.

Citigroup đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Trung Quốc từ 5,4% lên 7%, với lý do các chỉ số kinh tế ổn định và các biện pháp chính sách hỗ trợ của Bắc Kinh gần đây.

"Các nhà hoạch định chính sách đã thực hiện các biện pháp kích thích để củng cố niềm tin và hỗ trợ nền kinh tế nhưng sẽ mất thời gian để có hiệu lực", Ngân hàng Hang Seng viết trong một ghi chú nghiên cứu và duy trì dự báo cả năm cho tăng trưởng Đại lục ở mức 5,3%.

Chứng khoán Hàn Quốc đảo chiều giảm nhẹ, sau bình luận của thống đốc ngân hàng trung ương cho thấy chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ được giữ trong một thời gian dài hơn.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 2,09 điểm, tương đương 0,09% xuống 2.403,60 điểm, sau khi tăng 0,87% trong phiên.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc Rhee Chang-yong cho biết, khả năng cao lãi suất sẽ được giữ ở mức cao hơn trong thời gian dài và cần phải cải thiện hệ thống để cung cấp thanh khoản tốt hơn trong trường hợp bất ổn tài chính bất ngờ.

Bình luận của ông được đưa ra khi chỉ số lạm phát tiêu dùng của Hàn Quốc tăng tốc tháng thứ hai trong tháng 9 và cao hơn dự báo của thị trường.

Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 1,19%, nhưng công ty cùng ngành SK Hynix tăng 4,16% và nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 2,52%.

Kết thúc phiên 5/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 548,48 điểm (+1,80%), lên 31.075,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 18,03 điểm (+0,10%), lên 17.213,87 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 2,09 điểm (-0,08%), xuống 2.403,60 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Không thể kích cầu tiêu dùng bằng tín dụng

Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Thanh Sơn - Phó tổng giám đốc Techcombank cho rằng, lãi suất hiện không phải là vấn đề nóng, mà cốt yếu là mục tiêu vay vốn của doanh nghiệp..>> Chi tiết

- MBS: Chứng khoán được hỗ trợ trong môi trường lãi suất thấp, còn biến số rủi ro

Các chuyên gia nhận định, đảo ngược chính sách tiền tệ ở Việt Nam khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế thế giới kém khả quan có tác động lớn đến nền kinh tế trong nước..>> Chi tiết

- Tìm cơ hội quý cuối năm

VN-Index kết thúc quý III ở khoảng giữa mức đỉnh và đáy kể từ đầu năm 2023, dự báo quý IV sẽ đạt mức điểm cao hơn hiện tại, thậm chí lập đỉnh ngắn hạn mới..>> Chi tiết

- Thị trường trái phiếu chính phủ tháng 9/2023: Giá trị giao dịch tăng hơn 27% so với tháng 8

Theo đó, tính đến hết tháng 9/2023, KBNN đã huy động đạt 62,47% kế hoạch phát hành của năm 2023..>> Chi tiết

- Lý do lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng vọt sẽ gây căng thẳng cho thị trường toàn cầu

Khi thị trường tài chính toàn cầu vật lộn với khả năng lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tiến đến 5%, câu hỏi các nhà đầu tư đặt ra là: Điều này có thể tệ hơn đến mức nào?..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-du-bao-quy-iv-chi-so-vn-index-se-dat-muc-diem-cao-hon-hien-tai-post331235.html